Cơn bão số 1 năm 2022, tên quốc tế là Chaba, đã hình thành sáng 30/6 ở khu vực bắc Biển Đông.
Dự báo ngày và đêm nay, bão tiếp tục di chuyển theo hướng bắc - tây bắc và có khả năng mạnh lên.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS. |
Trao đổi với Zing trưa cùng ngày, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo đến cuối ngày, gió mùa tây nam sẽ duy trì cường độ mạnh trên vùng biển phía đông của Nam Bộ.
Dưới ảnh hưởng của bão số 1, khu vực Nam Bộ sẽ có nhiều mây, ngày nắng gián đoạn. Trưa, chiều và tối sẽ có mưa, có nơi mưa rất to.
Mưa lớn tập trung ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông và một số địa phương ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Trong cơn dông cần đề phòng sét, gió giật mạnh và lốc xoáy. Khu vực trũng thấp đề phòng ngập úng.
48-72h tới, ông Quyết nhận định rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ nối với bão số 1 di chuyển theo hướng tây bắc, đi về phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Trong thời gian này, gió mùa tây nam duy trì cường độ mạnh trên vùng biển phía đông Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3 m, biển động.
Khu vực Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trước tình hình thời tiết phức tạp, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.HCM đề nghị đơn vị liên quan thường xuyên thông báo cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến thời tiết, để chủ động phòng tránh và có kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan được giao theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng, giữ thông tin liên lạc với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu.