Thông tin trên nằm trong báo cáo thường niên của hội đồng giám sát Trung tâm Đánh giá An ninh Mạng Huawei (HCSEC), cơ quan được Huawei thành lập năm 2010 để phản hồi lại các quan ngại của chính phủ Anh về nguy cơ an ninh tiềm ẩn trong hạ tầng quốc gia có sử dụng thiết bị Huawei. Các quan chức an ninh Anh, bao gồm người từ Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ Anh (GCHQ, một trong các cơ quan tình báo của Anh), có mặt trong hội đồng giám sát của trung tâm này và báo cáo hàng năm về công việc của Huawei.
Cụ thể, báo cáo công bố ngày 19/7 cho rằng các vấn đề kỹ thuật và chuỗi cung ứng với thiết bị do Huawei cung cấp đặt hệ thống viễn thông Anh vào những nguy cơ an ninh mới. Báo cáo kết luận rằng họ chỉ dám "đảm bảo ở mức hạn chế" về việc các trang thiết bị do Huawei cung cấp sẽ không gây ra mối nguy với an ninh quốc gia của Anh.
Các báo cáo trước đây của hội đồng giám sát, được công bố hàng năm trong suốt 3 năm qua, kết luận rằng HCSEC đưa ra "sự bảo đảm rằng bất cứ mối nguy nào đối với an ninh quốc gia của Anh đến từ sự tham gia của Huawei vào các mạng lưới quan trọng của Anh đã được giảm nhẹ đáng kể".
Một người am hiểu về sự hợp tác giữa Huawei và chính phủ Anh cho hay đánh giá mới nhất, vốn khẳng định HCSEC chỉ có thể đảm bảo ở mức hạn chế, là một "sự thay đổi lớn, dù không được nói ra".
Quan ngại về việc hợp tác với Huawei có thể gây ra mối nguy cho an ninh quốc gia đã trở thành cuộc tranh luận ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia. Ảnh: AFP. |
"Mức đảm bảo chỉ hạn chế"
"Việc nhận diện các thiếu sót trong quy trình của Huawei đã làm phô bày các nguy cơ mới đối với hệ thống viễn thông của Anh và cho thấy cả những thách thức trong việc quản lý và xử lý", Reuters dẫn lời các quan chức Anh nói trong bản báo cáo.
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Hãng cho biết hoan nghênh báo cáo của HCSEC, việc này cho thấy cơ chế giám sát của chính phủ Anh vẫn hoạt động tốt.
"Báo cáo kết luận rằng sự độc lập vận hành của HCSEC vẫn vững vàng và hiệu quả. Hội đồng giám sát đã chỉ ra một số vấn đề cần cải thiệt trong quá trình vận hành của chúng tôi", Reuters dẫn lời một người phát ngôn của Huawei.
"Chúng tôi biết ơn vì sự phản hồi này và cam kết sẽ quan tâm đến chúng. An ninh mạng luôn là ưu tiên hàng đầu của Huawei và chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến một cách tích cực quy trình vận hành và hệ thống quản lý rủi ro của mình".
Huawei cho biết chưa có cuộc kiểm tra nào tìm thấy điểm yếu về backdoor trong các thiết bị của hãng và Huawei là một công ty tư nhân, không thuộc chính phủ Trung Quốc cũng như không chịu ràng buộc của luật an ninh quốc gia của Trung Quốc khi ở nước ngoài.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị băng thông rộng và mạng lưới di dộng cho Anh. Chính phủ Anh nói rằng họ đối phó với các vấn đề này bằng việc để nhân viên của một công ty thí nghiệm, do chính phủ và tình báo Anh giám sát, kiểm tra tất cả sản phẩm của Huawei.
Các quan chức nói rằng HCSEC đã cung cấp "một sự bảo đảm về mặt an ninh mạng và kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế và độc nhất vô nhị" nhưng cũng phát hiện các vấn đề kỹ thuật đã hạn chế năng lực của các nghiên cứu viên trong việc kiểm tra mã sản phẩm nội bộ.
Ngoài ra, có cả quan ngại về mức độ an ninh của các phụ tùng do nhà sản xuất bên ngoài cung ứng và đang được sử dụng trong sản phẩm của Huawei. Theo BCC, một cuộc kiểm tra tại Thâm Quyến vào năm 2017 cho thấy Huawei đã không thể kiểm soát tốt các phụ kiện do bên thứ 3 cung cấp.
Một người phát ngôn của Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC), một đơn vị thuộc GCHQ, nói rằng một chương trình để giải quyết vấn đề mã đang được triển khai và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2020.
Sở Chỉ huy thông tin của Chính phủ Anh (GCHQ). Ảnh: GCHQ. |
Tranh cãi từ Anh đến Australia
Quan hệ của Anh và Huawei ngày càng chặt chẽ trong 10 năm qua, giờ đây công ty Trung Quốc này là nhà cung cấp thiết bị băng thông rộng cho hãng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Anh, BT Group, cũng như cung cấp mạng lưới di động cho "ông lớn" về mạng không dây Vodafone Group.
Các kết luận trên sẽ "thêm dầu vào lửa" với cuộc tranh luận về các cáo buộc do thám của Huawei Technologies, công ty đang là tâm điểm của các quan ngại tại Mỹ và Australia rằng họ tiếp tay cho việc gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Australia đang cân nhắc việc cấm Huawei tham gia vào mạng lưới 5G đang lên kế hoạch của nước này với nghi ngại Bắc Kinh có thể ép hãng giao nộp các dữ liệu nhạy cảm. Trong khi đó, chính quyền Mỹ ngăn cấm 4 nhà mạng lớn là AT&T, Verizon, T-Mobile và Sprint sử dụng thiết bị Huawei.
Chuyên gia an ninh và là cựu cố vấn của GCHQ Alan Woodward nói rằng: "Khó mà không kết luận rằng Huawei đã không hoàn thành nghĩa vụ của họ trong việc giúp chính phủ Anh tự tin bật đèn xanh cho việc sử dụng thiết bị của họ trong các lĩnh vực trọng yếu".
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP. |
Ông nói lưu ý việc NCSC, cơ quan thuộc GCHQ, trước đó cảnh báo về việc sử dụng thiết bị từ một công ty Trung Quốc khác là ZTE đã cho thấy việc Bắc Kinh vừa thông qua luật mở đường cho chính phủ can thiệp vào sản phẩm của các công ty.
"Bối cảnh đó cho thấy tầm quan trọng gấp đôi của việc đơn vị này (NCSC) có thể hoàn toàn tự tin vào bất kỳ thiết bị nào có nguồn gốc từ các công ty Trung Quốc ", BBC dẫn lời ông Woodward. "Nếu Anh không thể hoàn toàn tự tin trong việc đảm bảo an ninh cũng như bất kỳ thiết bị nào, chúng không nên có mặt trong các hạ tầng thiết yếu của chúng ta".