Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Anh em tỷ phú Koch đã giật dây chính trường Mỹ như thế nào?

Không ngại đổ tiền để mua quyền lực, anh em nhà Koch tạo ra cỗ máy thao túng toàn bộ chính trị Mỹ. Ở nền dân chủ phương Tây, lá phiếu người giàu dường như nặng gấp nhiều lần.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 1anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 2

Chi tiền không giới hạn để “mua bầu cử", hai tỷ phú tạo nên cỗ máy thao túng toàn bộ đời sống chính trị Mỹ. Ở nền dân chủ lớn nhất phương Tây, lá phiếu người giàu dường như nặng gấp nhiều lần. 

“Họ là trung tâm quyền lực bí mật trong chính trị (Mỹ)... tôi lần theo dấu vết của tiền, và tiền luôn đến từ anh em nhà Koch”.

Tác giả Jane Mayer, người viết cuốn sách về hai anh em tỷ phú Koch, đã nói vậy về một trong những gia đình quyền lực nhất nước Mỹ.

David Koch và anh trai Charles Koch là những cái tên nổi tiếng nhất và cũng đáng sợ nhất trong chính trường Mỹ. Không phải vì chức vị của họ mà vì những khoản tiền khổng lồ họ sẵn sàng đổ vào chính trị.

Hơn bốn thập kỷ qua, họ kiếm bộn tiền, tăng giá trị tài sản lên con số 120 tỷ USD. Và họ không muốn con số đó dừng lại vì các luật lệ, quy định của chính quyền.

Dù giới siêu giàu ở Mỹ vẫn luôn tìm cách tác động đến chính khách, anh em nhà Koch đã thành công hơn tất cả với khối tài sản khổng lồ trên. Không những vậy, họ tạo nên một cỗ máy chính trị vận hành trơn tru, có thể đảo ngược guồng quay chính trị Mỹ. Những người chỉ trích đặt cho họ biệt danh “Koch bạch tuộc” (Kochtopus - ghép từ Koch và octopus).

Trong ví dụ rõ nét nhất, biến đổi khí hậu từ chỗ là sự đồng thuận, có hướng giải quyết trong quốc hội Mỹ, biến thành vấn đề tranh cãi mà quốc hội không dám động tới gần 10 năm nay, vì anh em nhà Koch muốn như vậy.

Người em, David Koch, sinh năm 1940, qua đời ngày 23/8 ở tuổi 79 tại Southampton, bang New York. Ông phát hiện bị ung thư 27 năm trước, thậm chí bác sĩ nói chỉ còn vài năm để sống.

“David thích nói rằng các bác sĩ tài giỏi, thuốc hiện đại nhất và sự cứng đầu của ông đã xua đuổi bệnh ung thư”, anh trai Charles Koch nói trong một thông cáo.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 3
David Koch (phải) xuất hiện bên cạnh anh trai Charles Koch trên kênh MSNBC.

Cái chết của ông đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đầy tham vọng và quyền lực. Cuộc đời và thế lực của David Koch minh họa cho quan hệ gần gũi đến mức đáng sợ giữa tiền và quyền trong nền dân chủ lớn nhất phương Tây.

Nhưng di sản của ông chưa chấm dứt, mà còn tiếp tục ảnh hưởng mỗi chúng ta. Như lời Christopher Leonard, tác giả một cuốn sách về hai tỷ phú, di sản lớn nhất của David Koch chính là một Trái Đất đang nóng lên.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 4
Anh em nhà Koch từng chi 10 triệu USD cho Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) để chống lại luật PATRIOT chống khủng bố của Tổng thống George W. Bush. Ảnh: Reuters.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 5

Anh em nhà Koch luôn cổ vũ cho chủ nghĩa Libertarian (chủ nghĩa tự do cá nhân: loại bỏ sự can thiệp của chính phủ lên cá nhân, kinh tế). Họ luôn chủ trương cắt giảm thuế và các quy định.

Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 1980, David Koch từng là ứng viên phó tổng thống của đảng Libertarian. Nhưng có lẽ đường lối quá cực đoan đối với đa số cử tri, ông và ứng viên tổng thống năm đó chỉ giành được 1,1% số phiếu.

Nhưng sau này, ông cùng anh trai giành ảnh hưởng lớn hơn nhiều dù không làm quan chức, và các quan chức sẽ phải xếp hàng cầu cạnh họ. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, trong những thập kỷ sau đó, họ giật dây biến phong trào Tiệc Trà nhỏ lẻ thành thế lực chiếm lấy đảng Cộng hòa, đẩy chính trị Mỹ về hướng cực hữu, bảo thủ hơn.

Họ chống nhiều quy định ở nhiều ngành, khuất phục công đoàn ở nhiều bang. Họ khiến biến đổi khí hậu trở thành chủ đề không thể động tới bên phía đảng Cộng hòa.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 6anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 7

David Koch và Charles Koch sinh ra ở Wichita, bang Kansas. Họ thừa kế công ty lọc dầu của cha, Fred Koch, khi ông qua đời năm 1967, và biến nó thành tập đoàn Koch Industries đa ngành có doanh thu lớn hơn của Facebook, Goldman Sachs và US Steel (công ty sắt lớn thứ hai ở Mỹ) gộp lại.

Hầu hết người Mỹ sẽ không nhận ra cái tên Koch Industries. Nhưng họ sẽ nhận ra ngay ở khắp nơi các sản phẩm mà công ty thuộc Koch làm ra như nước rửa Lycra, cốc giấy Dixie, nhiều loại giấy ăn.

Các công ty của Koch cũng làm ra các vật liệu xây nhà, vật liệu cửa sổ, thảm trải. Họ làm ra nylon dùng cho từ tã trẻ em đến quần áo tập gym, hay phân đạm - không thể thiếu cho nông nghiệp.

Hai anh em có tính cách trái ngược. Charles Koch sống hầu hết cuộc đời ở Wichita, trong khuôn viên kín cổng cao tường, xung quanh có các trợ lý, luật sư, người làm PR, nhân viên an ninh. Ông đọc về kinh tế, lịch sử, triết học, nghe nhạc opera, ăn trưa với các nhân viên công ty và hiếm khi xuất hiện trước báo chí, theo New York Times.

Còn David lại chuyển tới New York, lập văn phòng Koch Industries ở đó. Ông đi vài bữa tiệc mỗi tuần, tán gẫu với phóng viên, chính khách và bạn bè tại New York. Ông là tay chơi, tổ chức tiệc tùng trên căn penthouse tầng thượng của mình, mời nhiều người mẫu.

David Koch chi nhiều tiền ủng hộ nghệ thuật và làm từ thiện, như chữa trị ung thư. Tên ông được đặt lên các địa điểm nổi tiếng ở New York, bao gồm nhà hát ballet (ông thích), bảo tàng hay bệnh viện.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 8
Tên của David H. Koch được in lên một trung tâm của bệnh viện New York Presbyterian ở New York. Ảnh: Bệnh viện New York Presbyterian.

Từ khi nắm tập đoàn gia đình, anh em nhà Koch đã theo đuổi các dự án chính trị nhằm loại bỏ quy định của chính phủ, thông qua vận động hành lang, các viện nghiên cứu và quyên góp cho ứng viên tranh cử.

Các nỗ lực đó được đẩy mạnh trong những năm 1990, khi cuộc điều tra của Thượng viện kết luận Koch Industries khai gian lượng dầu khai thác được từ đất của người bản xứ, tương đương với việc đánh cắp dầu.

Hai tỷ phú nhận ra cần phải vươn tới Washington để gạt bỏ mọi chướng ngại về sau, theo bài viết trên New York Times của Christopher Leonard, tác giả cuốn Kochland: The Secret History of Koch Industries and Corporate Power in America (Đất nước Koch: Lịch sử Bí mật của Koch Industries và Quyền lực Doanh nghiệp ở Mỹ).

Cách mà họ né điều tra đã trở thành hình mẫu cho các hoạt động sau này. Nhà Koch chi tiền vận động các nghị sĩ Mỹ và các lãnh đạo người bản xứ. Họ tìm được một người bản xứ phát biểu rằng Koch Industries không đánh cắp dầu, rồi bộ máy chính trị của Koch khuếch đại lời nói đó tới tận Washington và đảo ngược dư luận theo hướng đổ lỗi cho các điều tra viên đã quá nóng vội.

Cỗ máy chính trị đó càng được anh em Koch đầu tư mạnh khi Tổng thống Obama lên nắm quyền. Họ chi tiền giúp phong trào Tiệc Trà, vốn chống đối dữ dội Obama, giành quyền lực trong quốc hội năm 2010.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 9
Anh em nhà Koch chi 45 triệu USD tổ chức biểu tình, kêu gọi cử tri, xây dựng chính sách, và tung ra các quảng cáo để giúp phong trào Tiệc Trà lên giành quyền lực năm 2010. Ảnh: AP.

Họ chống lại luật mở rộng bảo hiểm y tế chính phủ (Obamacare) và luật buôn bán hạn mức xả thải (cap-and-trade) nhắm chống biến đổi khí hậu. Chỉ có Obamacare sau đó được thông qua.

Đến năm 2012, họ chi khoản tiền kỷ lục lúc đó là 400 triệu USD mua quảng cáo chống Obama, và năm 2014 giúp đảng Cộng hòa giành lại Thượng viện. Một mạng lưới 6 nhóm thân Koch đã mua gần 44.000 quảng cáo trên TV vào tháng 8/2014, theo New York Times.

Đến năm 2015, phe Koch lên kế hoạch chi con số kinh ngạc gần 900 triệu USD cho kỳ bầu cử, ngang ngửa Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC). Các ứng viên đảng Cộng hòa “xếp hàng” để tìm sự ủng hộ của anh em nhà Koch: Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Thống đốc Jeb Bush, Thượng nghị sĩ Marco Rubio...

“Tôi cũng như mọi người, muốn xem anh em nhà Koch chọn ai (phía đảng Cộng hòa)”, Tổng thống Barack Obama nói đùa tại bữa tối của câu lạc bộ phóng viên Nhà Trắng năm 2015. Còn ông Trump nói đùa, gọi các ứng viên Cộng hòa kia là “con rối”.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 10anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 11

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 12

Có hai nguyên nhân quan trọng khiến cỗ máy chính trị của hai tỷ phú nhà Koch có quyền lực chưa từng có.

Thứ nhất, mặc dù các tỷ phú vẫn luôn ủng hộ tiền vào chính trị, David và Charles Koch tạo dựng được mạng lưới những tỷ phú khác như họ.

Nhiều tổ chức vận động tưởng chừng độc lập, hóa ra đều nhận tiền từ một nguồn là mạng lưới anh em nhà Koch và 400-500 nhà tài trợ chuyên ủng hộ chính trị cánh hữu, bảo thủ, theo điều tra của bà Jane Mayer, tác giả cuốn Dark Money: The Hidden History of the Billionaires Behind the Rise of the Radical Right (Tiền đi đêm: Bí mật tỷ phú đứng sau chủ nghĩa cực hữu đang lên).

“Ăn sâu vào tâm thức người Mỹ là mong muốn mọi người bình đẳng khi bầu cử, dù có giàu đến đâu. Dù là cánh hữu, trung dung, hay cánh tả, mọi người đều không thích nếu tổng thống do 400 người giàu nhất nước Mỹ chọn lựa”, bà Mayer trả lời đài CBC năm 2016.

“Anh em nhà Koch thay đổi hai thứ”, Trevor Potter, cựu giám đốc Ủy ban Bầu cử Liên bang nói với New York Times. “Thứ nhất, chính trị chuyển từ chi tiền minh bạch thành chi tiền bí mật. Thứ hai, họ mở ra làn sóng tỷ phú rót nhiều tiền chưa từng thấy vào chính trị Mỹ".

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 13

Trả lời phỏng vấn đài ABC năm 2014, ông David Koch phản bác: “Tôi quyên góp cho chiến dịch tranh cử. Có giới hạn số tiền có thể quyên góp cho mỗi chiến dịch... Tôi cảm thấy mình tuân thủ luật”.

Nhưng trước đó, năm 2010, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ kiện “Citizens United”, mà nhà Koch cũng đứng đằng sau, cho phép doanh nghiệp chi tiền không giới hạn vào quảng cáo cho ứng viên, chỉ cần không quyên góp trực tiếp vào chiến dịch. “Citizens United” đã thả cho cỗ máy của nhà Koch “xổng chuồng”.

Năm 2017, một trong 6 ủy viên của Ủy ban Bầu cử Liên bang từ chức, tuyên bố rằng “kể từ phán quyết Citizens United, các chiến dịch tranh cử đã ‘tắm’ trong ‘tiền đi đêm’ (dark money) một cách không giới hạn”. Đây cũng là quan điểm mà ứng viên đảng Dân chủ Bernie Sanders từng nói: “Phán quyết đó cho những người giàu nhất ở Mỹ, như tỷ phú nhà Koch, chi hàng trăm triệu USD để mua bầu cử”.

Thế mạnh khác của nhà Koch nằm ở tổ chức ít được biết tên nhưng quyền lực trong mạng lưới của họ, có tên Americans for Prosperity (Người Mỹ vì Thịnh vượng).

Americans for Prosperity là nhóm chi mạnh tay nhất ở Mỹ thời hiện đại, với mức chi hàng trăm triệu USD nhưng khó thống kê hết, theo PBS. Họ có chi nhánh ở khắp Mỹ, với đội ngũ 500 chuyên viên, người vận động hành lang, cùng 3 triệu tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ - những người sẵn sàng đi biểu tình hay ghé thăm, gọi điện các quan chức mỗi khi tổ chức có yêu cầu, theo Guardian.

Số lượng tình nguyện viên và đội ngũ chuyên viên của tổ chức này, từ cấp địa phương đến tiểu bang, liên bang, ngang ngửa với bộ máy của đảng Cộng hòa, có thể gây ảnh hưởng đến từng góc của nước Mỹ giống một con bạch tuộc khổng lồ.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 14
Một cuộc vận động do Americans for Prosperity tổ chức để những người làm tóc ở bang New Jersey phản đối các yêu cầu về tập huấn, giấy phép hành nghề. Ảnh: Americans for Prosperity.

Theo Guardian, chiến lược của Americans for Prosperity là chọn lựa các ngôi sao Cộng hòa đang lên, rồi giúp họ được bầu vào các vị trí.

Tổ chức này cũng giật dây từ sau hậu trường để biến công đoàn thành vấn đề nổi cộm một khi ông Scott Walker đắc cử thống đốc Wisconsin. Họ tổ chức biểu tình chống công đoàn và điều xe bus đưa các tình nguyện viên trên khắp bang tới.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 15
Cựu thống đốc bang Wisconsin Scott Walker. Ông bị đối thủ đảng Dân chủ Tony Evers đánh bại trong cuộc bầu cử thống đốc tháng 11/2018. Ảnh: Reuters.

Americans for Prosperity đã âm thầm thúc đẩy luật chống công đoàn ở nhiều bang khác, bao gồm Michigan và Ohio. Đó là những thành công đáng kể, thể hiện ảnh hưởng của nhà Koch, vì Wisconsin, Michigan và Ohio từng là “thành trì” của công đoàn.

Wisconsin và Ohio là hai bang tranh chấp quan trọng trong  bầu cử tổng thống Mỹ trong khi Michigan vốn là bang luôn bầu cho ứng viên Dân chủ trong nhiều chục năm. Cả ba bang này đã bầu cho TT Trump vào năm 2016. 

Vì sao họ làm vậy? Anh em nhà Koch đã kết luận để thay đổi vĩnh viễn chính trị Mỹ, cần phải khuất phục hoàn toàn những nhóm cấp tiến, cánh tả, quan trọng nhất là công đoàn, theo Guardian.

Công đoàn có tổ chức tốt, tài chính hùng hậu, ngả theo phe Dân chủ. Nếu các công đoàn bị “trói chân”, số thành viên giảm, phí thu được ít đi, công đoàn sẽ thiếu tiền quyên góp cho các chiến dịch Dân chủ. Ngoài ra, công đoàn yếu đi sẽ khó khuyến khích cử tri Dân chủ đi bầu hơn, và đây có lẽ là yếu tố quyết định chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Trump tại Wisconsin năm 2016, khi ông chỉ hơn bà Clinton 23.000 phiếu (nhỏ so với dân số).

“Anh em nhà Koch đã rất chiến lược về cách thao túng chính trị từ nhiều thập kỷ qua, đồng thời kiếm bộn tiền để đầu tư thêm vào chính trị”, Sheila Krumholz, Giám đốc Trung tâm Chính trị Trách nhiệm, nói với New York Times. “Anh em nhà Koch đã xây một đế chế”.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 20

Di sản lớn nhất của anh em nhà Koch có lẽ là một Trái Đất đang nóng lên, theo tác giả Christopher Leonard.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 21

Dù đa ngành, mảng kinh doanh quan trọng nhất của Koch Industries vẫn là dầu. Từ lâu, Koch Industries biết sẽ thiệt hại lớn nếu chính phủ kiểm soát hay buộc trả phí xả thải carbon gây hiệu ứng nhà kính. Tập đoàn này đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng, thiết bị khai thác dầu. Ngoài ra, nếu giới hạn xả thải, nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm, các tài sản nói trên sẽ rớt giá.

Các khoản lỗ sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD trong vòng 30 năm hoặc hơn, theo ông Leonard. Vì vậy, nhà Koch đã tạo luồng tư tưởng phủ nhận biến đổi khí hậu, đồng thời chống lại mọi giải pháp.

“Đa số dư luận Mỹ ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu. Nhưng quốc hội lại bị 'thắt nút hoàn toàn'", tác giả Jane Mayer nói với CBC. “Ứng viên đảng Cộng hòa buộc phải nói nóng lên toàn cầu không có thật, không là vấn đề”.

Từ năm 1991, khi đa số đảng Cộng hòa tin vào sự đồng thuận của giới khoa học về biến đổi khí hậu, anh em nhà Koch đứng sau hội nghị đầu tiên của những người phủ nhận biến đổi khí hậu ở Washington, lấy danh nghĩa Viện Cato, một viện chính sách do nhà Koch lập ra.

“Khí hậu lúc lên lúc xuống, lúc nóng lúc lạnh. Chúng ta từng có kỷ Băng Giá”, ông David Koch nhún vai, trả lời một phóng viên hỏi ông có tin vào biến đổi khí hậu không.

Đầu những năm 1990, Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) ủng hộ một hiệp định giảm lượng khí thải. Đảng Cộng hòa còn đề ra giải pháp mua bán hạn mức xả thải (cap-and-trade).

Nhưng David Koch dùng tiền của mình để khiến nghị sĩ nào muốn kiểm soát khí thải phải mất chức. Năm 2009, Hạ nghị sĩ Bob Inglis đảng Cộng hòa ở South Carolina đề ra dự luật thuế carbon. Koch Industries ngừng ủng hộ ông, thay vào đó rót tiền cho đối thủ Trey Gowdy. Họ tổ chức các nhóm tình nguyện viên Tiệc Trà đi theo ông khắp nơi để biểu tình, la hét to đến mức át đi các lời ông phát biểu.

Cuối cùng, “thất bại của ông Inglis là lời cảnh báo đảng Cộng hòa: chớ cãi anh em nhà Koch về khí hậu”, tác giả Leonard viết trên New York Times gần đây.

“Họ đã nắm được quốc hội trong vấn đề này”, tác giả Mayer nói thêm. “156 thành viên quốc hội ký cam kết do một trong những nhóm của Koch (Americans for Prosperity) tạo ra và hứa sẽ không làm gì về biến đổi khí hậu”.

Vì vậy, các nỗ lực thông qua luật cap-and-trade đều thất bại năm 2009 và 2010, và đến nay chưa có nỗ lực nào tương tự.

Gần một thập kỷ sau, Trái Đất vẫn trên đà nóng lên, nồng độ carbon trong khí quyển tăng kỷ lục, còn tài sản của anh em nhà Koch tăng gấp đôi, theo bà Mayer. Đảng Cộng hòa vẫn bỏ mặc ngày càng nhiều cảnh báo khoa học về biến đổi khí hậu.

Gần đây, Thượng nghị sĩ John Cornyn, đảng Cộng hòa bang Texas, bác bỏ các dữ liệu về biến đổi khí hậu khi lý giải trên Twitter rằng: “Mùa hè nên mới thế”.

Câu viết ngắn gọn toát lên toàn bộ sự kìm kẹp chính trị của David Koch lên đảng Cộng hòa.

anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 24anh em tai phiet Koch bach tuoc anh 25

Ông trùm Murdoch và đế chế quyền lực hàng chục tỷ USD

Quyền lực của ông trùm Rupert Murdoch và đế chế truyền thông của ông dường như là “không thể đụng tới” với ảnh hưởng khuynh loát ở chính trường Mỹ, Anh và Australia.

Những cuộc thao túng ghế thủ tướng, tổng thống của ông trùm Murdoch

Để hiểu sự nghiêm trọng của cú ngã buộc Rupert Murdoch nhập viện, cần nhìn lại quá trình ông trùm truyền thông “bành trướng” ở Australia, Anh, Mỹ, nhờ “có đi có lại” với quan chức.

Trọng Thuấn

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm