Ngược lại, sự suy yếu của đội Bình Dương thời hậu Anh Đức cho thấy đội bóng đất Thủ có lẽ đã sai khi chia tay 3 công thần này.
Anh Đức, Tấn Trường vẫn đang thăng hoa dù tuổi đã cao. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tuổi băm vẫn chạy tốt
Bùi Tấn Trường là cái tên thành công nhất trong bộ ba cựu thần của CLB Bình Dương. Gia nhập CLB Hà Nội hồi giữa mùa sau nửa năm nghỉ thi đấu, Tấn Trường vẫn đẩy đàn em Nguyễn Văn Công lên ghế dự bị, lấy suất ở vị trí thủ môn, vốn đề cao sự ổn định. Trước khi Tấn Trường tới, CLB Hà Nội trải qua quãng thời gian đen tối nhất nhiều năm qua. Có Tấn Trường trong khung gỗ, đội bóng hồi sinh, giành Cúp Quốc gia, trở lại vị trí nhì bảng và có thể vươn lên đứng đầu sau 90 phút tới trước đối thủ Viettel.
Cùng với Tấn Trường, Lê Tấn Tài cũng bỏ lại nửa mùa giải đáng quên ở CLB Hà Tĩnh. Không phải “chạy như máy”, Tấn Tài ở tuổi 36 được trao “quyền trượng” tổ chức tại CLB Hà Nội. Anh lập tức ăn khớp giữa tập thể toàn tuyển thủ quốc gia của đội bóng thủ đô, tổ chức, dẫn dắt, chia bài cho họ.
7 trận đá chính là 7 lần Tấn Tài phải rời sân giữa hiệp hai. Tuy nhiên, anh vẫn được HLV Chu Đình Nghiêm trọng dụng. Điều đó càng cho thấy mỗi phút Tấn Tài ra sân quý giá thế nào với CLB thủ đô. 7 trận ấy, CLB Hà Nội bất bại, thắng 5, hòa 2.
Anh Đức chưa tìm được đỉnh cao như 2 người đồng đội cũ. Sau nửa năm nghỉ thi đấu, người hùng AFF Cup 2018 chưa lấy lại được thể lực ở HAGL. Tuy nhiên, anh đang vào sân liên tiếp với số phút thi đấu tăng dần sau mỗi trận. Không hề vô lý khi HAGL vẫn trải thảm đỏ mời Anh Đức về Pleiku còn thầy Park vẫn gọi anh lên tuyển Việt Nam.
Họ đều cho thấy khả năng của mình. Trong khi hầu hết đồng nghiệp cùng lứa đã giải nghệ, họ chứng minh mình vẫn đủ khả năng chơi bóng, thậm chí ở đẳng cấp cao.
Mùa giải chưa kết thúc nhưng ngay lúc này, có thể khẳng định Tấn Tài, Tấn Trường, Anh Đức chưa hề hết thời.
Tấn Tài, Anh Đức (trái) và GĐKT Đặng Trần Chỉnh (phải) ở CLB Bình Dương mùa 2019. Ảnh: Quang Thịnh. |
Sai lầm của Bình Dương?
Tấn Tài, Tấn Trường, Anh Đức đều có điểm chung: Họ là người cũ, công thần của Bình Dương. Họ bị thải loại cuối mùa trước và tưởng như đã bước tới điểm cuối cùng trong sự nghiệp.
Lãnh đạo Bình Dương giải thích sự ra đi của bộ ba này phù hợp với chiến lược trẻ hóa của CLB, vốn đang cần “không gian” cho những tài năng trẻ như Nguyễn Tiến Linh, Tống Anh Tỷ, Nguyễn Trọng Huy. Nhưng chia sẻ với Zing, Anh Đức bảo ba người phải ra đi vì “có chính kiến và dám lên tiếng”, phải ra đi vì lãnh đạo đội bóng muốn tập trung mọi quyền lực.
Cuộc tranh luận giữa họ chưa có hồi kết.
Tuy nhiên, có một sự thật: Bình Dương đã suy yếu. Tầm này năm ngoái, đội bóng đất Thủ vừa đứng đầu một bảng ở AFC Cup, đá chung kết khu vực Đông Nam Á cùng CLB Hà Nội. Tại V.League, đội bóng của Anh Đức, Tấn Tài, Tấn Trường đứng hạng 4 chung cuộc, chỉ cách vị trí giành HCĐ của Quảng Ninh một chiến thắng.
Mùa này, họ đã kém tốp ba tới 8 điểm, giương cờ trắng đầu hàng khi mùa giải còn tới ba vòng đấu. Nguyễn Tiến Linh và đồng đội thua 1-4 trước Viettel ở tứ kết Cúp Quốc gia, vắng mặt tại sân chơi châu Á.
So về lực lượng, CLB Bình Dương mùa này sở hữu quân số trẻ trung nhưng non nớt bậc nhất V.League với tuổi trung bình là 25,5 (so với mùa giải 2019 là 27,75). CLB thành công thứ hai trong lịch sử giải đấu giờ chỉ còn một đương kim tuyển thủ quốc gia là Tiến Linh. Phần lớn đội hình gồm những tài năng trẻ ít tên tuổi và có vài lần lên tuyển trẻ rồi ra về. Tiền vệ Tô Văn Vũ, đội trưởng Bình Dương, “tắt điện” khi cạnh tranh cùng Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Hùng Dũng tại tuyển Việt Nam.
Lấy CLB Hà Nội làm thước đo, chúng ta mới thấy Bình Dương đã sa sút thế nào. 4-5 năm trước, Bình Dương vô địch V.League hai lần liên tiếp trong sự bất lực của đối thủ, vô địch một cách tuyệt đối, không thể ngăn cản cả bởi những thế lực trong và ngoài sân cỏ. Lứa Anh Đức, Tấn Tài khi đó thăng hoa tại V.League và còn giúp Việt Nam nở mày nở mặt ở châu lục với những trận đầy cảm xúc trước các đại diện Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở AFC Champions League.
5 năm sau, CLB Hà Nội vẫn hùng mạnh, còn Bình Dương đang đi xuống.
Chiến lược thanh lọc công thần của Bình Dương có nhiều nét giống với HAGL trong quá khứ. Họ đều từng là những thế lực hùng mạnh, chia tay hàng loạt trụ cột, đôn tài năng trẻ lên theo kiểu “rải thảm”. Thực tế chứng minh HAGL đã sai. Một năm sau cuộc thanh lọc, bầu Đức phải mời về nhiều tên tuổi cũ để làm chỗ dựa cho lứa Công Phượng, nhưng mọi thứ đã quá muộn cho HAGL.
HAGL hiện tại có thể là tương lai của Bình Dương. Họ đã bỏ đi cả ba công thần, ba cựu tuyển thủ, những ngôi sao vẫn còn giá trị trên sân cỏ và đầy kinh nghiệm trong phòng thay đồ. Nhìn cách CLB Hà Nội trân trọng Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, nhìn cách Bình Dương ứng xử với Anh Đức, Tấn Tài, người hâm mộ hiểu ngay tại sao đội bóng đất Thủ không còn là chính họ.
Khi Anh Đức và đồng đội ra đi, họ có lẽ đã mang theo 2 điều quý giá với đội bóng: đẳng cấp và khát vọng đứng đầu.