Cụ thể, Điện Elysee cho biết Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng ông kỳ vọng về một sự hợp tác "phù hợp với các giá trị và lợi ích chung của hai nước".
Ông Macron nói với Thủ tướng Johnson rằng ông "đang chờ đợi các đề xuất", văn phòng tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, sau khi thỏa thuận hợp tác quốc phòng AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia được công bố, giới chức Pháp cho rằng Australia "đâm sau lưng" họ khi bắt tay với Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận phát triển tàu ngầm với Pháp.
Để phản ứng lại bản thỏa thuận nói trên, Tổng thống Macron đã triệu hồi các đại sứ Pháp tại Washington và Canberra.
Tuy nhiên, đặc phái viên Pháp tại London vẫn đang tại chức, theo AFP.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng tuyên bố nước này không muốn "đối đầu với Pháp" song họ hiểu được sự tức giận từ phía Paris.
Ngày 19/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói ông hiểu sự thất vọng của Pháp về việc hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm, nhưng khẳng định trước đó đã nêu quan ngại với Paris trên cơ sở lợi ích quốc gia, theo Reuters.
"Tôi nghĩ họ (Pháp) phải biết rằng Australia quan ngại sâu sắc khi khả năng của tàu ngầm lớp tấn công (trong thỏa thuận với Pháp) không đảm bảo được lợi ích chiến lược (của Australia)", Thủ tướng Morrison cho biết.
"Tôi không hối hận khi đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu", ông Morrison khẳng định.