Gần một tháng qua, anh Nguyễn Phúc Hiếu (35 tuổi) đã tạm biệt vợ con để đến công ty tại TP Biên Hoà, Đồng Nai làm việc và sinh hoạt tại chỗ. Đây là cách công ty anh duy trì sản xuất, đồng thời đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19.
Chia sẻ với Zing, anh Hiếu cho biết mình ở lại công ty rất "khổ".
"Tôi hay đùa rằng mình 'bị' công ty yêu cầu phải ngủ trong phòng máy lạnh và ăn uống đầy đủ nhiều bữa mỗi ngày".
Anh Hiếu đã tạm biệt gia đình gần 1 tháng để đến công ty làm việc, sinh hoạt. |
Được chăm bẵm đến vậy, anh Hiếu đã tăng 3 kg sau gần một tháng ở lại công ty.
"Tôi chào vợ con đến công ty thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi - PV) từ ngày 12/7. Công ty cho ngủ máy lạnh 'khổ' muốn chết, ngoài các bữa chính còn mua cả đồ ăn vặt vì sợ chúng tôi buồn miệng.
Ăn ngủ nhiều như vậy, tôi đã 'giảm' từ 70 lên 73 kg rồi. Tôi đang sợ mình sẽ còn tăng cân tiếp", anh Hiếu hài hước kể lại.
Anh Hiếu cho biết ngoài giờ làm việc tại công ty, anh và hơn 30 cán bộ, công nhân viên khác cùng tăng gia trồng rau củ, tham gia nhiều hoạt động rèn luyện thể chất.
Anh Hiếu và đồng nghiệp thường xuyên chơi thể thao sau mỗi giờ làm. |
Mọi người khá yên tâm, không lo lắng nhiều về dịch bệnh bởi công ty được cách ly biệt lập.
"Mỗi chiều sau giờ làm, chúng tôi rủ nhau tập thể thao, chơi đá bóng và trồng rau. Các bữa ăn đều được nhà bếp chuẩn bị, chúng tôi không phải lo gì.
Buổi tối, mọi người gọi điện về cho gia đình hoặc cùng nhau xem tivi. Các chị phụ nữ thì tám chuyện đến đêm mới về phòng ngủ. Mỗi tuần công ty cũng cho chúng tôi test Covid-19 một lần. Ở công ty thế này chúng tôi như không biết đến dịch bệnh", anh Hiếu nói.
Anh Hiếu tâm sự thêm trước khi đến công ty làm việc, cách ly, anh và gia đình khá lo lắng. Vợ đã chuẩn bị rất nhiều thức ăn, đồ dùng cá nhân để anh mang đi.
Chỗ nghỉ ngơi của cán bộ, nhân viên tại công ty. |
Hiện tại khi cuộc sống tại công ty dần đi vào ổn định, vợ anh Hiếu đã không còn nhiều lo lắng. Mỗi tối, gia đình anh đều gọi điện để tâm sự chuyện nhà cửa, công việc.
"Nhìn con cười đùa qua điện thoại tôi nhớ con lắm, muốn được về ôm con ngay. Những ngày đầu vào công ty ở, tôi không ngủ được vì nhớ gia đình.
Nhưng tôi thấy bản thân mình đã may mắn hơn rất nhiều người trong đợt dịch này vì tôi vẫn có công việc, có nơi ăn chốn ở và có tiền lương. Mong dịch sớm đi qua để tôi được về với vợ con và những người lao động khác bớt gánh nặng", anh nói.
Nhằm duy trì sản xuất đồng thời siết chặt phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng mô hình "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm" (duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất và ngược lại).
Thực tế, nhiều tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang áp dụng thành công mô hình "3 tại chỗ". Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp ở phía Nam thừa nhận việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết nguyên lý của "3 tại chỗ" là cần đảm bảo khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc.