Chiều 4/8, Trần Văn Trường (sinh năm 1998) đã được Đội SOS chữ thập đỏ đưa về đến quê nhà tại xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Sức khoẻ Trường khá yếu bởi suốt 6 ngày trước đó, cậu đã ngồi trên xe lăn vượt hành trình hàng trăm km từ TP.HCM về đến Cam Ranh, Khánh Hoà.
Trường từ TP.HCM về Phú Yên trên chiếc xe lăn cũ. |
"Tôi ở TP.HCM thấy tình hình dịch căng thẳng, tôi không còn tiền bạc, cũng sợ dịch bệnh nên đánh liều đi xe lăn về quê. Dọc đường tôi được bà con tặng đồ ăn và nước uống", Trường chia sẻ với Zing.
Trường cho biết mình bị khuyết tật từ nhỏ.
Cuộc sống tại quê nhà nghèo khó nên từ tháng 2, cậu vào TP.HCM kiếm sống nhờ nghề bán vé số.
Khi quyết định trở về quê, Trường biết chặng đường sẽ rất gian nan nhưng vẫn cố gắng.
Hành trình của Trường rất khó khăn bởi thời tiết nắng nóng. Cậu cũng không có chỗ nghỉ ngơi, hầu hết thời gian chỉ ngồi trên xe lăn khiến cơ thể đau nhức.
"Ngày bé tôi bị một trận sốt, sau đó chân tôi liệt, không còn đi lại được. Suốt 6 ngày đi đường tôi đau lắm vì chỉ ngồi trên xe lăn, không thể thay đổi tư thế nhiều", Trường kể.
Thành viên Đội SOS chữ thập đỏ Phú Yên đưa Trường về địa phương. |
Tới sáng 4/8, đến Cam Ranh, Trường gặp gỡ các thành viên của Hội Bạn hữu đường xa.
Tại đây, cậu may mắn được giúp đỡ, chở về đến địa phận tỉnh Phú Yên.
Tại đầu Phú Yên, Đội SOS chữ thập đỏ đã nhận được tin về trường hợp của Trường và bố trí người chờ sẵn. 12h45, Đội đón Trường lên xe, đưa về với gia đình và địa phương.
Chia sẻ với Zing, đại diện Đội SOS chữ thập đỏ Phú Yên cho biết rất xúc động khi biết được hoàn cảnh của Trường.
"Khi đưa Trường về đến Trạm Y tế xã, chúng tôi được các cán bộ cho biết gia cảnh của Trường đặc biệt khó khăn. Trường đã được xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly y tế theo quy định", đại diện Đội SOS nói.
Để đón lao động về quê tránh dịch, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết địa phương sẽ phối hợp với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai kiến nghị Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến đón người dân.
Khi đó, người lao động sẽ đăng ký để được xét nghiệm và về quê một cách chính thức, tránh tình trạng tự phát làm lây lan dịch bệnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, hiện nay, 12.500 lao động ở các tỉnh phía Nam đã đăng ký về quê. Địa phương nỗ lực làm việc này nhằm san sẻ gánh nặng với TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Hiện nay, Phú Yên đã lập đường dây nóng thông qua tổng đài 1022, công khai số điện thoại của Hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai... để người dân đăng ký danh sách về quê.
Tỉnh này cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách người dân đăng ký về quê theo từng địa phương để theo dõi, giám sát.