Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ giám đốc rời TP.HCM, về quê trồng rau trong dịch

Khoảng thời gian hai tháng làm nông vất vả nhưng đem đến nhiều niềm vui, sự bình yên mà hơn 20 năm qua chị Kim Thoa hiếm khi cảm nhận được.

Cách đây 7 năm, bằng số tiền dành dụm sau hơn 10 năm đi làm, chị Kim Thoa (sinh năm 1981, giám đốc công ty hóa mỹ phẩm ở TP.HCM) mua một mảnh đất ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Chị dự tính sẽ chuyển về đây sinh sống sau khi cảm thấy đã bươn chải đủ lâu ở thành phố. Trong vài năm qua, cứ có dịp rảnh rỗi cuối tuần, chị lại tự chạy xe hơn 2 tiếng rưỡi từ TP.HCM đến Tây Ninh để trồng cây, hít thở không khí trong lành.

Tất cả đều chỉ như những chuyển nghỉ dưỡng nhẹ nhàng cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở TP.HCM.

nu giam doc bo pho ve que anh 1

Chị Kim Thoa rời TP.HCM, chuyển về sống ở Tây Ninh từ giữa tháng 5.

Những thay đổi trong công việc, cuộc sống khiến chị Thoa quyết định tạm gác lại mọi việc, dọn đồ về Tây Ninh để lập "trang trại mơ ước" trên mảnh đất rộng 2.000 m2.

“Sau 20 năm sống ở Sài Gòn, tôi nghĩ mình cần một gap year (khoảng thời gian tạm nghỉ) để cân bằng lại tất cả. Covid-19 tạo ra không ít khó khăn nhưng cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại, nhắc nhớ và thôi thúc mình thực hiện mơ ước rời phố về quê, trồng rau nuôi cá”, chị Thoa nói với Zing.

Về quê sống chậm

Bãi đất từ hoang hóa, sau hai tháng, giờ đây ngập tràn màu xanh của cây lá, sắc đỏ sắc tím của đủ các loại hoa. Chị Thoa cho biết mình đã chi hơn 70 triệu đồng để cải tạo khu đất, mua hạt giống. Ngoài ra, nhà kho xập xệ trước đây đã được chị sửa sang lại thành ngôi nhà ở kiên cố, sơn quét cẩn thận.

Khu đất hiện tại trồng hơn 15 loại cây trái như bí đao, hoa đậu biếc, mướp, bầu… Hầu hết đều là giống cây ngắn ngày, được trồng theo phương pháp hữu cơ, bón phân chuồng nên sau hai tháng đã bắt đầu cho rau quả để thu hoạch.

“Cảm giác khi thu hoạch từng quả bí, quả mướp mình trồng thật sự rất thích. Muốn nâng niu, trân trọng hơn vì đó là thành quả của sức lao động và sự chờ đợi mà mình đã bỏ ra”.

Trước đây, do tính chất công việc, chị Thoa thường không có giờ giấc sinh hoạt điều độ. Tuy nhiên, sau khi về quê, chị bắt đầu làm quen với nhịp sống mới và thời gian biểu cố định.

Giờ đây, không cần hẹn báo thức mỗi sáng, chị vẫn có thể dạy lúc 6-7h nhờ tiếng chim ríu rít trong vườn nhà. Kéo chiếc ghế con ra trước hiên, chị nhâm nhi cà phê tự pha, bữa sáng đơn giản từ những nguyên liệu có sẵn trong khi ngắm mấy luống cải trước nhà.

“Chưa bao giờ mình được tự do như hiện tại. Giờ chỉ cần một cái nón, đôi ủng và vài dụng cụ làm nông là đã cảm giác như muốn làm gì cũng được”.

Vất vả nhưng thảnh thơi

Bỏ phố về quê và bắt đầu trồng rau nuôi cá nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng theo chị Thoa, đó chắc chắn không phải là chuyện đơn giản.

Với một người chưa từng có kinh nghiệm làm nông, trồng trọt, chị Thoa từng gặp vô số khó khăn trong những ngày đầu tiên. Đặc biệt khi làm một mình, thử thách như càng nhân đôi, nhân ba.

Dù có nhiều ý tưởng cải tạo bãi đất hoang thành khu vườn như mình mong muốn, chị Thoa lại loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. Vì bế tắc khi xử lý một mình, cuối cùng chị đã phải thuê người hỗ trợ.

nu giam doc bo pho ve que anh 6

Trong gian đoạn đầu cải tạo vườn, chị Thoa từng gặp không ít khó khăn.

Trong quá trình chọn lựa giống cây, phương pháp trồng, chăm sóc, chị cũng từng không ít lần gặp thất bại. Những lúc như vậy, thay vì chán nản, chị lại tìm đến một vài người quen làm farmstay (kết hợp làm nông nghiệp với mô hình kinh doanh du lịch homestay) để hỏi xin kinh nghiệm.

“Khi ‘bỏ phố về quê’ dần trở thành xu hướng ở các nước, nhiều người thường xem các clip trên mạng và nghĩ rất đơn giản về cuộc sống làm nông. Nhưng thực tế, chuyện trồng rau, nuôi cá không hề dễ. Bạn sẽ phải bỏ đi mấy đôi giày kiểu cách, bộ quần áo bóng bẩy để làm quen với mùi mồ hôi, tay chân lấm lem trên bùn đất”.

Tuy vậy, theo chị Thoa, đổi lại những vất vả, cực nhọc trong lao động tay chân chính là cảm giác nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn.

“Không còn những áp lực kiếm sống nơi phố thị, lúc này, niềm vui trở nên giản dị lắm. Một mầm cây vừa đội đất nhô lên, giàn mướp trổ bông vàng rực hay quả bí vừa thu hoạch nặng trĩu trên tay cũng đủ để mình mỉm cười”, chị Thoa chia sẻ.

Cặp vợ chồng Hà Nội chi 300 triệu đồng biến ôtô cũ thành nhà di động

Với mong muốn đưa các con chu du, khám phá khắp thế gian, đôi vợ chồng quyết tâm hoàn thành nhà di động trong vòng 15 ngày.

Lê Vy

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm