Cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và 28 nước thành viên diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/6 nhằm tìm giải pháp toàn vẹn nhất cho sự ra đi của Anh. Trong động thái được gọi là nhượng bộ, Anh cho biết họ sẽ sớm kích hoạt điều khoản 50 để rời EU sau kết quả bất ngờ của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hôm 24/6, NY Times đưa tin.
Anh có thể bị loại khỏi thị trường chung châu Âu vì Brexit. Ảnh minh họa: Guardian |
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại cảnh báo Thủ tướng David Cameron rằng Anh sẽ không được hưởng các quyền lợi thành viên, chẳng hạn là một phần của thị trường chung châu Âu, khi từ chối chia sẻ gánh nặng với các nước khác sau quyết định Brexit.
Trong cuộc họp báo đêm 28/6, Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước Đức sẽ ưu tiên bảo vệ các lợi ích kinh tế và Anh phải sớm khởi động các thủ tục pháp lý để rời Liên minh châu Âu.
“Các cuộc thảo luận hiện nay phản ánh rõ các nhà lãnh đạo EU nhận thấy đây là bước ngoặt và thời khắc lịch sử. Mục đích của EU nhằm định hình lại quan hệ với Anh như một ‘mối quan hệ hữu nghị’ nhưng sẽ hướng tới lợi ích riêng của các nước EU”, bà Merkel khẳng định.
Thủ tướng Đức cũng cho rằng người Anh khó có thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 với kết quả khác biệt. “Tính đến tối 28/6, chưa dấu hiệu nào cho thấy nước Anh sẽ đảo ngược quyết định của cuộc trưng cầu dân ý. Đây không phải lúc cho những suy nghĩ mơ mộng”, bà Merkel khẳng định sự cần thiết của EU trong việc tìm giải pháp cho cuộc "ly hôn" Anh – EU.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, đồng minh lâu năm của Anh trong việc thúc đẩy châu Âu tập trung vào vấn đề thị trường và bảo vệ chủ quyền, cho rằng, tình trạng lộn xộn về kinh tế và chính trị ở Anh sau Brexit sẽ là bài học để ngăn các quốc gia thành viên khác đưa ra động thái tương tự. “Hãy để mọi người thấy rằng, rời EU sẽ đồng nghĩa với việc bị loại khỏi thị trường chung châu Âu”, ông Rutte nói.
Thủ tướng Anh David Cameron, người đang tham gia hội nghị thượng đỉnh cuối cùng tại EU, cũng nhấn mạnh nước Anh sẽ không thay đổi quyết định. Nhằm sẵn sàng cho một tương lai độc lập, Cameron kêu gọi Anh và EU hình thành các mối quan hệ gần gũi. Tuy nhiên, thủ tướng Anh cũng thừa nhận London “không thể được hưởng toàn bộ lợi ích của một nước thành viên khi không còn là một phần của liên minh”.
Trong tuyên bố sau Brexit, Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ rời nhiệm sở vào tháng 9, để lại trách nhiệm kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lesson cho người kế nhiệm. Tuy nhiên, Pháp và nhiều nước thành viên đã phàn nàn về kế hoạch này của Anh vì nó không chỉ kéo dài thêm tháng ngày thấp thỏm lo âu mà còn tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu.
Dẫu vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng thừa nhận: “Nếu họ cần thêm thời gian, chúng ta buộc phải kiên nhẫn. Đây là cách hợp pháp duy nhất mà chúng ta có”.
Có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho rằng, Brexit là “lời thức tỉnh đáng buồn”, buộc EU phải từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng và chấm dứt các cuộc đàm phán vô tận sau những cánh cửa đóng kín.
Thực tế, sự ra đi của Anh không phải thách thức duy nhất với EU. Lãnh đạo các nước thành viên và đại diện liên minh cần tìm ra cách nhằm hạn chế chủ nghĩa dân túy bùng phát ở các nước thành viên. Nó đặt ra thách thức xây dựng lại nền tảng hòa bình và thịnh vượng của châu Âu được áp dụng suốt 6 thập niên qua.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia kêu gọi EU “trở lại các vấn đề cơ bản, tập trung vào củng cố quyền tự do và xây dựng thị trường chung. Theo các nhà lãnh đạo 4 nước Đông Âu, thay vì tranh luận về “EU lớn” hay “EU nhỏ”, các bên cần tập trung vào một “EU tốt đẹp hơn”.
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).