Đầu quân cho CLB Hải Phòng từ giai đoạn lượt về V.League 2019, nhưng Andrey Nguyễn vẫn còn khá xa lạ với số đông người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Anh là cầu thủ người Việt, sinh ra và lớn lên ở Moscow (Nga), có tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn, nhưng chưa để lại nhiều dấu ấn ở sân chơi chuyên nghiệp.
Việc đi từ vị trí “tay ngang” tới cầu thủ chuyên nghiệp không phải chuyện đơn giản. Với cầu thủ trưởng thành từ bóng đá học đường, chưa từng được đào tạo và thi đấu chuyên nghiệp khi còn ở Nga như Andrey, câu chuyện ấy khó khăn gấp bội phần.
- Xin chào Andrey Nguyễn, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?
- Xin chào độc giả Zing, tên đầy đủ của tôi là Andrey Hungovic Nguyễn. Tuổi thơ của tôi gắn liền với vùng ngoại ô Moscow, nơi mà những đứa trẻ có nhiều không gian để chơi bóng. Tôi mê đá bóng từ nhỏ. Có lẽ vì tôi sinh vào ngày Bóng đá thế giới (ngày 10/12), nên có duyên với môn thể thao này.
- Nghe nói bố anh là người Việt, mẹ là người Nga?
- Đúng vậy, bố tôi là người Hà Nội. Trước đây ông làm phi công, bây giờ là cổ đông của một công ty sữa lớn. Mẹ tôi là Svetlana, người gốc Siberia. Bà làm kế toán trưởng cho Vietnam Airlines chi nhánh Moscow trong suốt 15 năm. Bố mẹ tôi đều đang sống ở Moscow.
Bức tượng mô hình phi hành gia trong phòng ngủ của Andrey Nguyễn luôn được gắn lá cờ Việt Nam và Nga ở hai mặt. Ảnh: Việt Hùng. |
- Hãy nói về con đường đưa anh tới bóng đá. Ở Việt Nam, không nhiều cầu thủ trong gia đình có điều kiện như anh quyết định từ bỏ con đường học vấn để theo đuổi sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp đâu.
- Bà ngoại là người đưa tôi đến với bóng đá. Ban đầu bà thấy tôi ham, nên giới thiệu cho vào học ở trường chuộng phong trào đá bóng. Tôi bắt đầu chơi trong câu lạc bộ của trường từ năm 7 tuổi. Mỗi ngày sau giờ học, tôi đều đi tập với các huấn luyện viên ở trường.
Tôi cứ vừa học, vừa đá bóng cho đến khi thi đỗ vào Học viện Hàng không Moscow. Họ tiếp tục gọi tôi vào CLB của viện, thi đấu ở các giải cấp thành phố. Tôi luôn đá tiền vệ cánh.
- Nghe nói anh quyết định bỏ học khi đã gần tốt nghiệp. Tại sao anh không cố thêm rồi đi đá bóng?
- Tôi theo chuyên ngành toán và vật lý. Đến năm thứ 3, tôi bỏ vì luôn muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Gia đình muốn tôi theo sự nghiệp của bố, đấy là trở thành phi công hoặc kỹ sư hàng không, chí ít là sự nghiệp gắn liền với hàng không, nhưng tôi không thể. Đá bóng là giấc mơ của tôi từ khi sinh ra.
Andrey luôn bồi hồi trong những lần xem lại khoảnh khắc Văn Lâm ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2018 trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
- Anh có hay về thăm Việt Nam? Đâu là cột mốc khiến anh quyết định về Việt Nam chơi bóng?
- Tôi thỉnh thoảng mới về Việt Nam. Năm 2015, tôi cùng bố về nghỉ mát và thăm ông bà. Bố đưa tôi đi xem trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam gặp CLB Manchester City, nhưng đáng tiếc là chúng tôi không mua được vé. Tôi đã xem hết trận đấu và bố đột nhiên hỏi tôi có muốn đá cho đội tuyển Việt Nam không.
Lúc ấy, tôi cứ tưởng bố tôi đùa. Ông ấy gợi ý cho tôi về Việt Nam chơi bóng, nhưng tôi chưa nghiêm túc về chuyện đó. Chúng tôi đã không cố gắng tìm CLB, và đó là một trong những điều tôi tiếc nuối nhất. Sau đó, mọi người biết đấy, tôi đã lãng phí 3 năm ở đại học. Đến kỳ AFF Suzuki Cup 2018, tôi thực sự nghiêm túc với giấc mơ của mình.
Chứng kiến anh Văn Lâm ăn mừng chức vô địch cùng đội tuyển Việt Nam, tôi rất xúc động. Tôi cũng là Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Nga giống anh Lâm, tôi muốn chơi cho đội tuyển Việt Nam. Tôi quyết định nhờ bố tìm cơ hội về Việt Nam chơi bóng.
Năm 2019, tôi về đầu quân cho CLB Hải Phòng ở giữa mùa giải. Tôi và bố thậm chí đã đi đến kết luận rằng tôi sẽ không thất bại trong mọi trường hợp, và chúng tôi đã nhầm. Để làm cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam thật không đơn giản.
- Văn Lâm có phải người gợi ý cho anh đến CLB Hải Phòng?
- Không phải. Đến khi tôi về Hải Phòng rồi, anh Lâm mới viết thư, hỏi thăm và chúc tôi may mắn, thực sự lúc đó tôi xúc động. Đến giờ, khi đang chơi bóng ở Thái Lan, anh Lâm vẫn thường xuyên gọi điện cho tôi. Chúng tôi có thể tâm sự hàng giờ, dù câu chuyện chỉ xoay quanh việc làm sao thích nghi được với cuộc sống ở Việt Nam. Những khó khăn mà anh Lâm đối mặt và vượt qua, anh ấy kể tôi nhiều lắm.
Andrey nỗ lực học tiếng Việt từng ngày để hòa nhập với đồng đội ở Hải Phòng. Ảnh: Việt Hùng. |
- Hãy nói về những khó khăn mà anh trải qua ở Việt Nam. Anh vốn không nói được tiếng Việt, khi về Hải Phòng gần như phải “đập đi xây lại” những kiến thức về bóng đá?
- Mọi thứ khó khăn trong thời gian đầu tôi ở Việt Nam. Phải mất vài tuần tôi mới quen với khí hậu Việt Nam sau mùa đông ở Nga. Chuyện ăn uống tôi cũng không gặp nhiều vấn đề lắm, chỉ là tôi không nói tiếng Việt. Khi về Hải Phòng, tôi vô cùng bỡ ngỡ với cuộc sống của cầu thủ chuyên nghiệp. Thật may mắn khi HLV và các đồng đội giúp tôi có được sự tự tin để rèn luyện thể chất và học tập kỹ chiến thuật.
- Hãy nói về trận đấu đầu tiên của anh ở V.League, có phải anh đã khóc khi ra sân?
- Tôi đã xúc động khi biết mình được hưởng thành quả sau hơn một năm luyện tập chăm chỉ. Một ngày trước trận đấu, tôi được báo sẽ ra sân từ đội hình xuất phát. Thế là tôi mất cả đêm để tưởng tượng mình sẽ chơi như thế nào. Vì lo lắng quá nên sáng hôm sau tôi bị ốm. Sau đó mọi chuyện đều ổn, tôi ra sân và tận hưởng trận đấu, thậm chí có cơ hội để ghi bàn đấy.
- Anh học hỏi được gì từ những cầu thủ Việt kiều đàn anh như Adriano Schmidt, Martin Lo?
- Họ giúp đỡ tôi rất nhiều, trong cả công việc lẫn cuộc sống. Martin Lo là anh, người thầy, phiên dịch cho tôi ở Việt Nam. Anh ấy giúp các cầu thủ Việt kiều và cầu thủ nước ngoài hiểu hơn về những giáo án chiến thuật của HLV trưởng vốn rất nhiều từ vựng chuyên môn mà ngôn ngữ cơ thể không biểu đạt được.
Martin cũng là cầu thủ Việt kiều, và tôi ngưỡng mộ anh ấy, nhất là khi vừa mới về, anh ấy được gọi lên đội dự tuyển U22 Việt Nam. Khi sang Hải Phòng, anh ấy cũng khẳng định được vị trí của mình, tương tự Adriano. Trong số Việt kiều ở đây, tôi là người nói tiếng Việt kém nhất và tôi đặt mục tiêu phải học tiếng Việt.
Những người đi trước như Adriano hay Martin Lo (phải) có ý nghĩa quan trọng với cầu thủ sinh năm 1998. Ảnh: Việt Hùng. |
- Hải Phòng là mảnh đất lành với các cầu thủ Việt kiều. Đội bóng này có truyền thống cởi mở, chấp nhận sự khác biệt và từng làm bệ phóng cho thành công của những Việt kiều như anh, anh có tin một ngày nào đó mình sẽ thành công như Văn Lâm, Martin Lo?
- Giống như mọi đội bóng trên thế giới, CLB Hải Phòng có nhiều lợi thế để tạo điều kiện cho các cầu thủ như tôi. Lần đầu nhìn thấy người hâm mộ Hải Phòng, tôi đã cảm nhận được tình yêu của họ với đội bóng. Tôi sẽ phấn đấu từng bước để học hỏi, khẳng định vị trí ở CLB, chứ chưa vội nghĩ đến chuyện lên tuyển.