Lần đầu ra mắt tuyển U22 Việt Nam, Tiêu Ê Xal đã ghi điểm bằng màn trình diễn ấn tượng giúp đội nhà thắng lợi trong trận đấu tập nội bộ chiều 2/7.
Tiêu Ê Xal nhận được nhiều sự chú ý và kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Trao đổi với Zing, Ê Xal cho biết anh cảm thấy áp lực sau việc bất ngờ lên tuyển với cái tên rất "Tây" của mình.
Sở hữu chiều cao 1,8 m và gây ấn tượng từ trận gặp CLB Hàn Quốc
- Chào Tiêu Ê Xal, sự xuất hiện của anh ở lần tập trung này khiến khá nhiều người chú ý. Anh có thể giới thiệu qua về cái tên của mình? Đó có phải tên của một Việt kiều?
- Tôi không hiểu sao lại có nhiều sự nhầm lẫn đến thế. Tôi không phải cầu thủ Việt kiều, cũng không phải cầu thủ nước ngoài gốc Việt. Việt kiều là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, còn tôi chỉ là người Việt Nam mang dòng máu Pháp. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Nhìn hao hao giống Tây thế thôi, nhưng tôi nói tiếng Việt tốt hơn tiếng Pháp và tiếng Anh.
Tiêu là họ, Ê Xal mới là tên chính, do bà ngoại đặt cho tôi. Trong ngôn ngữ của nước nào đó, tôi không nhớ, bà nói nó có nghĩa là may mắn, hạnh phúc và bình an.
Tôi là đứa trẻ kém may mắn. Ba ruột tôi là người Pháp, nhưng đã bỏ hai mẹ con đi từ khi tôi còn nhỏ. Người ta nói tôi là Việt kiều, nhưng chưa sống một ngày nào ở Pháp cả. Họ cũng bảo tôi mang 3 dòng máu. Mẹ tôi là người Việt Nam gốc Campuchia. Tôi sống với mẹ và dượng ở Việt Nam từ nhỏ, nên mang họ mẹ. Tôi cũng coi dượng như cha ruột của mình.
- Tên của anh đọc như nào mới chuẩn?
- Có khoảng thời gian cái tên Tiêu Ê Xal gây nhiều rắc rối. Lúc đi học, bạn bè trêu chọc vì tôi khác biệt từ ngoại hình tới cái tên. Khi lớn lên thi đấu ở các giải U, người ta nhìn tên tôi trên giấy viết chưa chuẩn nên toàn đọc theo đủ cách khác nhau. Người thì đọc là “E xồ”, người đọc là “Ếch xan”, thậm chí có người đọc tên tôi là “I sắc”. Hãy đọc tên tôi là "Ê xan".
Khi còn nhỏ, tôi từng có lúc mặc cảm với sự khác biệt, tới sau này, khi lớn lên, tôi mới thấy mình đặc biệt và tôi luôn tự hào về điều đó.
Ngoài ra, tôi cũng không cao tới 1,83 m. Nếu cao được vậy thì tốt quá, tôi cao 1,8 m mà thôi. Tôi đang phấn đấu để cao thêm 1-2 cm nữa vì các thầy có xu hướng muốn tôi đá trung vệ sau này.
Cầu thủ sinh năm 2000 có ngoại hình như người mẫu với chiều cao 1,8m. Ảnh: Facebook nhân vật. |
- Ê Xal có thể kể về con đường đến với bóng đá của mình? Chuyện anh được đào tạo ở lò Lyon là sao?
- Năm 9 tuổi, tôi bắt đầu hứng thú với bóng đá qua việc xem các chương trình thể thao thiếu niên, nhi đồng trên tivi. Dượng và mẹ rất ủng hộ, họ rất vui khi tôi vượt qua vòng thi tuyển vào lò năng khiếu TP.HCM.
Cũng giống như nhiều bạn, tôi chỉ là đứa nhóc từ quê lên tỉnh theo học bóng đá. Những ngày đầu, ba mẹ lo vì tôi tự mình bắt xe bus từ Củ Chi lên trung tâm thành phố. Ban đầu tôi chẳng biết gì cả, những ngày mới lên đội, cái gì cũng khiến tôi bỡ ngỡ. Phải mất thời gian theo học, tôi mới biết thêm về sơ đồ chiến thuật, tư duy chiến thuật và những kiến thức chuyên môn khác.
Chuyện tôi được đào tạo ở lò Lyon, thực chất đó là lò đào tạo TP.HCM có sự hợp tác của CLB Lyon. Lò đó đào tạo các cầu thủ U13 trở xuống là chủ yếu. Khi CLB Lyon cử đại diện đến, cũng là lúc chúng tôi lớn rồi, quãng thời gian tập luyện ở đó không dài, chủ yếu là học về chiến thuật mà thôi.
- Có phải màn trình diễn tuyệt vời ở VCK U21 quốc gia 2019 giúp anh ghi điểm với HLV Chung Hae-seong và lên đội một ngay sau đó?
- Đây tiếp tục là một hiểu lầm. Cả vòng chung kết U21 quốc gia năm ngoái, tôi chấn thương nên các thầy không cho thi đấu nhiều. Nếu tính tổng thời gian ra sân, tôi thi đấu chưa đầy 45 phút. Còn bước ngoặt đưa tôi lên đội một TP.HCM là trận giao hữu quốc tế vào tháng 12/2019 khi thi đấu với một CLB Hàn Quốc. Tôi chơi với phong độ khá tốt, và trận đấu đó có sự dự khán của thầy Chung và một số trợ lý. Sau hôm đó, không chỉ tôi mà cả Trung Thành cũng được thầy Chung đôn tôi lên đội một.
Năm ngoái, tôi còn ngồi khán đài xem đội một thi đấu, thế mà giờ đây, tôi đã ở chung đội với hàng loạt ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Cảm xúc khi đó thật khó tả.
Cầu thủ số 6 gần như là ông chủ tuyến giữa trong trận đấu tập nội bộ chiều 2/7 của U22 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Trưởng thành vượt bậc nhờ tập cùng Công Phượng, Văn Thuận
- HLV Chung Hae-seong có nhắn nhủ gì với Exal?
- Khi mới lên đội một, tôi gần như bị ngợp trước trình độ của các anh lớn. Phải mất thời gian, tôi mới bắt nhịp được. Thầy Chung có nói với tôi, quan trọng là phải tự tin, nỗ lực hết mình, cố gắng hết mình. Có sai thì làm lại, không phải sai lầm xong thì tỏ thái độ tức tối vì ai cũng đều từng sai lầm cả.
Đến lúc này, tôi vẫn chưa được ra sân trận nào, đó là điều hiển nhiên vì ở đội một, trình độ các anh rất cao. Tôi vẫn nỗ lực tập luyện để các thầy thấy được khát khao ra sân.
- Đâu là hình mẫu cầu thủ mà anh theo đuổi?
- Hình mẫu cầu thủ mà tôi theo đuổi là tiền vệ Carrick của Manchester United. Thần tượng của tôi ở Việt Nam là anh Đỗ Văn Thuận, cùng đội. Hai con người này có điểm chung là bản tính điềm đạm trên sân cỏ. Ngoài ra, anh Thuận luôn biết cách làm sôi động không khí buổi tập, giúp các cầu thủ có được động lực và độ hào hứng cao.
Ở đội một, tôi học được nhiều từ các đàn anh. Anh Thuận dạy tôi tư duy chơi bóng của tiền vệ. Khi Đỗ Hùng Dũng đoạt Quả bóng vàng, anh cũng nói với tôi rất nhiều về đạo đức và sự chuyên nghiệp của cầu thủ.
Tiêu Ê Xal ngày càng trưởng thành nhờ rèn luyện trong môi trường có nhiều đàn anh đẳng cấp. Ảnh: Minh Chiến. |
- Ở chung tập thể với hàng loạt ngôi sao, Ê Xal học được những gì?
- Ở TP.HCM, ngoài anh Thuận, tôi còn chơi thân với anh Công Phượng nữa. Anh ấy luôn nhắc phải luôn tự tin để là chính mình. Anh bảo ai nhắc nhở mình, giúp mình thì mình nghe, còn ai nói điều gì không hay thì mình bỏ qua, không cần bận tâm. Tôi tin anh ấy vì biết anh ấy là người từng trải qua nhiều cú sốc trong cuộc đời.
Công Phượng là người giỏi nói tiếng Anh. Ở đội, ngoài Yang Jae-mo (phiên dịch cho HLV trưởng) giỏi ngoại ngữ, anh Phượng là người tích cực giúp trợ lý truyền đạt thông tin cho mọi người nhất, đặc biệt là với các cầu thủ ngoại.
Được tập chung với anh Công Phượng là vinh dự lớn đối với tôi. Những năm qua, khi xem Công Phượng thi đấu trên tivi, tôi cũng dạt dào cảm xúc như những người hâm mộ bình thường. Xem anh ấy đá trên màn ảnh nhỏ đã thấy hay rồi, khi đối đầu trực tiếp ngoài đời thật, thì tôi mới thấy đẳng cấp của anh ấy còn kinh khủng hơn như thế nào.
Với tốc độ, sức mạnh, khả năng giữ bóng của mình, Công Phượng là cầu thủ đặc biệt nhất của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng khi đối đầu với Công Phượng, tôi nghĩ anh ấy gần như hoàn hảo, gần như là số một ở Việt Nam vậy.
Lần đầu tiên được HLV Park Hang-seo triệu tập lên đội dự tuyển U22 Việt Nam, cầu thủ mang dòng máu Pháp cảm thấy áp lực. Ảnh: Việt Hùng. |
Áp lực từ việc lên tuyển chớp nhoáng
- Ai là người báo tin Tiêu Ê Xal được lên tuyển?
- Thầy Tuấn (Lư Đình Tuấn) báo tin tôi được lên tuyển. Sau buổi tập, thầy bảo tôi tháng sau được lên tập trung đội U22 Việt Nam. Thế là nguyên cả chiều và tối hôm đó, tôi cứ ngỡ như mình đang mơ. Tôi gọi điện về thông báo cho gia đình và bạn bè, ai cũng vui và bất ngờ.
5 năm kể từ ngày được gọi lên đội dự tuyển U16 Việt Nam, cũng tại chính sân tập VFF, tôi luôn mơ về cơ hội lần thứ hai khoác áo tuyển. Những giấc mơ cứ ở trong đầu tôi 5 năm trời và đến nay, nó đã thành hiện thực. Tôi biết, dù chỉ là tập trung ngắn ngày, tôi cũng cảm thấy rất đỗi tự hào, nhưng có vấn đề, đấy là tôi lên tuyển nhanh quá.
Thông thường ở Việt Nam, các cầu thủ phải thi đấu thành công ở các giải U cũng như các giải hạng Nhì, hạng Nhất, V.League thì mới được lên tuyển. Tôi không có nhiều thành tích nổi bật ở giải trẻ, cũng không được thi đấu nhiều tại các giải VĐQG. Từ chỗ cầu thủ trẻ, đùng một phát tôi được gọi lên đội một và giờ là tuyển U22 Việt Nam. Điều này khiến tôi lo sợ vì cái gì nhanh quá, dễ dàng quá đều không tốt.
Tôi tự nhủ với bản thân phải giữ đôi chân trên mặt đất. Cũng giống như mọi người, tôi phải ghi điểm với ban huấn luyện và đặt mục tiêu trụ lại ở những lần tập trung sau này.
Sau niềm vui lên tuyển, Ê Xal tự nhủ bản thân phải giữ đôi chân trên mặt đất. Ảnh: Minh Chiến. |
Tôi nghĩ một trong những điều thú vị nhất của bóng đá là mối lương duyên của các cầu thủ. Tôi từng gặp nhiều ngôi sao của đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Văn Hậu, Văn Lâm từ nhiều năm về trước, thế nên việc được lên tuyển khiến tôi tự hào.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ của anh với những cầu thủ trên?
- Khi còn ở đội trẻ, tôi nhớ có lần gặp anh Đặng Văn Lâm, khi đó đang bắt cho U21 của TP.HCM ở giải hạng Nhất. Hồi đó anh ấy chỉ cao thôi chứ chưa đậm người như bây giờ. Tôi thì nhỏ xíu, không dám bắt chuyện với anh ấy vì ngại. Khi ngồi khán đài cùng nhau, ai cũng nói chúng tôi trông chẳng khác gì hai anh em. Tôi ngưỡng mộ anh Lâm, mới ngày nào còn bỡ ngỡ tìm chỗ đứng ở Việt Nam, mà giờ đã là thủ môn số một của đội tuyển quốc gia.
Quang Hải, Văn Hậu, tôi cũng đều gặp từ rất nhiều năm về trước. Trước đây, có đợt chúng tôi cùng đi học lớp bổ túc văn hoá ở Hà Nội, tôi gặp hai anh đó. Khi ấy họ là những cầu thủ trẻ bình thường như đa số bọn tôi, họ học ở trường bổ túc cho VĐV cấp cao, anh Quang Hải khi đó học lớp 12. Tôi không ngờ sau ngần ấy năm mà họ có bước tiến vượt bậc để trở thành ngôi sao của đội tuyển quốc gia. Tôi đã sinh hoạt, ăn tối, đi học với những cầu thủ đó và cảm thấy tự hào.