Trong những ngày qua, Musk thường xuyên ám chỉ kế hoạch mua cổ phiếu công khai, gồm đoạn tweet với nội dung "Love Me Tender" (tên một bài hát) và "... is the Night" (cụm từ bị thiếu được cho là Tender, khi ghép vào sẽ thành tên tiểu thuyết Tender is the Night).
Trước đó, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) ngày 14/4, Elon Musk đề nghị mua lại Twitter với giá 54,20 USD/cổ phiếu, tương đương 43 tỷ USD.
Ngay sau đó, Twitter đã ngăn chặn đề xuất của Musk bằng cách áp dụng chiến thuật phòng thủ "thuốc độc", nhằm giảm giá trị từng cổ phiếu bằng cách tăng tổng số cổ phiếu, gây khó khăn cho tổ chức hoặc cá nhân muốn mua toàn bộ công ty.
Dù Twitter chưa lên tiếng về khả năng bán mình cho Elon Musk, áp dụng phòng thủ "thuộc độc" cho thấy mạng xã hội này không chấp nhận đề nghị thâu tóm của Musk. Nếu vị tỷ phú vẫn muốn mua lại Twitter, quá trình trên sẽ gọi là thôn tính thù địch (hostile takeover).
"Thôn tính thù địch" là gì?
"Thôn tính thù địch" diễn ra khi cuộc đàm phán giữa bên thâu tóm (trong trường hợp này là Elon Musk) và hội đồng quản trị của công ty giao dịch công khai không thể diễn ra hoặc bị đổ vỡ. Nói cách khác, Musk sẽ dùng "biện pháp mạnh" để mua lại Twitter bất chấp việc hội đồng quản trị công ty không đồng ý.
Elon Musk có thể mua lại Twitter theo cách thù địch (hostile takeover). Ảnh: CNET. |
Một ví dụ của tiếp quản thân thiện là trường hợp mua lại Activision Blizzard của Microsoft với giá 69 tỷ USD. Dù chưa được pháp luật chấp thuận, Microsoft đã làm việc với ban giám đốc của Activision Blizzard, thống nhất các điều khoản trước khi công bố việc tiếp quản.
Trường hợp của Musk và Twitter không thuận lợi như vậy. Sau khi tiết lộ số cổ phần tại Twitter, Musk được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị công ty nhưng đã từ chối. Vài ngày sau, vị tỷ phú tuyên bố kế hoạch mua lại toàn bộ Twitter với giá 43 tỷ USD. Ông còn gửi email đến hội đồng quản trị công ty, nói rằng đó là lời đề nghị "tốt nhất và cuối cùng".
"Tôi không muốn thảo luận dông dài. Tôi đi thẳng đến điểm cuối cùng" là một phần trong email được Musk gửi đến Chủ tịch Twitter Bret Taylor. Trong văn bản gửi lên SEC ngày 21/4, CEO Tesla cam kết khoản tiền 46,5 tỷ USD để thâu tóm Twitter sau khi nhận đề nghị cấp tín dụng từ một số ngân hàng.
Những cách tiếp quản thù địch
Với việc đảm bảo tài chính, vị tỷ phú có thể dùng các chiến thuật thôn tính Twitter, một trong số đó là chào mua công khai (tender offer). Thay vì thảo luận với hội đồng quản trị, Musk có thể tiếp cận trực tiếp các cổ đông tại Twitter, cung cấp tiền mặt để mua lại cổ phiếu từ họ với giá cao hơn định giá của thị trường.
Elon Musk tuyên bố đảm bảo khoản tiền 46,5 tỷ USD để mua lại Twitter. Ảnh: Fox Business. |
Musk đã ám chỉ kế hoạch mua cổ phiếu công khai với đoạn tweet với nội dung "Love Me Tender" và "... is the Night".
Đoạn tweet của Musk ám chỉ khả năng mua lại Twitter bằng chiến thuật thù địch có tên chào mua công khai (tender offer). |
Nếu không thành công, Musk có thể áp dụng một số chiến thuật tiếp quản thù địch khác để thâu tóm Twitter, bao gồm âm thầm mua số cổ phần còn lại của công ty được bán theo thời gian đến khi tích lũy trên 50% tổng số cổ phần, hoặc trở thành cổ đông đủ lớn để có quyền tác động đến hội đồng quản trị công ty. Chiến thuật này gọi là tiếp quản dần (creeping acquisition, hoặc creeping tender offer).
Một chiến thuật khác có tên cuộc chiến ủy quyền (proxy fight). Musk có thể hợp tác với những cổ đông lớn của Twitter như Vanguard Group để thay thế hội đồng quản trị hiện tại bằng dàn lãnh đạo thân thiết với Musk, tạo thuận lợi để ông tiếp quản hoàn toàn công ty.
Cho đến nay, dường như Elon Musk chỉ sử dụng chiến thuật chào bán công khai. Giá cổ phiếu được ông đưa ra là 54,20 USD, cao hơn khoảng 6 USD so với cổ phiếu của Twitter trong phiên giao dịch ngày 22/4. Tất nhiên, Musk có thể thay đổi giá trị cổ phiếu, hoặc lên kế hoạch cho những chiến thuật khác để hoàn tất mong muốn thâu tóm Twitter.