Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ẩn ức tình dục thô bạo và góc tăm tối trong ‘Cô giáo dạy dương cầm’

“Cô giáo dạy dương cầm” được xuất bản lần đầu tiên năm 1986, xoay quanh những ẩn ức tình dục thô bạo, đau đớn của Erika, giáo viên dạy piano tại nhạc viện Vienna.

Erika Kohut trong độ tuổi ngoài 30, luôn chịu sự giám sát của bà mẹ độc đoán. Ngay từ nhỏ, Erika đã được mẹ huấn luyện một cách nghiêm khắc để có thể thực hiện giấc mơ trở thành nghệ sĩ piano nổi tiếng, nhưng thật không may, cô không có đủ năng khiếu để trở thành nghệ sĩ piano trong dàn nhạc. Cô chỉ có thể là giáo viên tại nhạc viện Vienna.

review sach co gai choi duong cam anh 1
Cuốn sách Cô giáo dạy dương cầm (The piano teacher).

Cô vẫn sống tại nhà cùng mẹ, ngoan ngoãn nghe theo mọi sự kiểm soát của mẹ. Nhưng sâu bên trong con người cô là những hủy diệt dần được tác giả Elfriede Jelinek bóc tách qua từng trang viết.

Trong các bài học của mình, cô thi hành sự khắt khe của kỹ thuật âm nhạc cổ điển, thể hiện những đức tính của Schubert, Brahms và Beethoven cho những học trò cẩu thả và buồn chán của cô. Và ban đêm, phần tăm tối của cô mới được lộ ra.

Erika có những vực sâu tăm tối, chỉ riêng cô nắm giữ, như việc thường xuyên trù dập, hãm hại những sinh viên có năng khiếu, hay việc thường xuyên đến công viên để xem trộm các cặp đôi yêu đương làm tình, hoặc đi xem phim khiêu dâm, và đam mê tưởng tượng tình dục bạo lực, tự làm hại mình đến mức đau khổ... Ở Erika, xu hướng tình dục khổ dâm, bạo dâm được đặc biệt xoáy sâu khi một trong những học sinh của cô, Walter Klemmer, yêu cô.

Mẹ cô giám sát mọi thứ liên quan đến cuộc đời cô, và cùng với sự xuất hiện của Klemmer, cô đã phản kháng lại sự cưỡng bức của mẹ, bằng cách sử dụng một thứ mà mẹ cô không thể xâm nhập và cưỡng đoạt: Tình dục. Thật không may, tình dục theo lối tưởng tượng và đam mê của Erika chỉ khiến mọi thứ tuyệt vọng hơn.

Những phân cảnh miêu tả diễn tiến mối quan hệ tình dục giữa Erika và Klemmer chính là những trường đoạn buồn bã, đáng sợ, thậm chí có phần bi thảm.

review sach co gai choi duong cam anh 2
Erika sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì cho tuổi trẻ đã mất của mình

Erika yêu cầu các nghi thức “ghê tởm” trước khi cô đồng ý ngủ với học sinh. Những nghi thức tình dục bạo lực của Erika khiến Klemmer bị sốc, nhưng rõ ràng anh cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy đen tối. Những gấp gáp điên cuồng, những hơi thở nóng rẫy quyện chặt lấy nhau, gợi lên những hình ảnh đầy dục tính, nhưng cũng đầy khốn khổ, bi kịch.

Erika sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì cho tuổi trẻ đã mất của mình và Klemmer muốn đánh đổi tuổi trẻ của mình để lấy kinh nghiệm. Sự hòa trộn giữa họ rất đa dạng, vừa say đắm lại vừa ghê tởm. Vừa da diết lại đầy tàn bạo. Ở họ còn tồn tại cả xúc cảm về sự khinh miệt, trong mối liên kết giữa giáo viên và sinh viên.

Cả hai đều bị cuốn đi bởi những ảo tưởng về sự giải thoát mà tình yêu của họ có thể dành cho người kia. Từng khao khát sự kiểm soát đối với người kia, Kohut thông qua sự kiềm chế của niềm đam mê và Klemmer thông qua việc thực hiện nó. Có cơ hội, mỗi người tham gia vào sự lạm dụng đáng khinh của người kia. Tác giả Jelinek đã tìm cách để làm nổi bật hơn sự giống nhau của họ.

Một nỗi ám ảnh lẫn nhau phát triển cho đến khi cuối cùng cô và Walter bước vào một mối quan hệ buồn bã, khúc xạ và nhắc lại sự tương đồng giữa các mối quan hệ của mẹ/con gái, giáo viên/học sinh, người bắt giữ/bị giam cầm và bị xóa bỏ.

Cuốn sách cũng nói một số điều thú vị về các chuẩn mực xã hội, định kiến giới và sự khách quan của phụ nữ. Trong xã hội, Erika là một kẻ điên khùng, bệnh hoạn, nhưng dưới ngòi bút của Jelinek, Erika là một người phụ nữ cô đơn, cố gắng tìm lại chính mình.

review sach co gai choi duong cam anh 3
Erika là một người phụ nữ cô đơn, cố gắng tìm lại chính mình.

Tác giả Elfriede Jelinek trong một lần trả lời phỏng vấn đã từng nói về Erika: “Cô ấy chắc chắn không điên. Thần kinh, nhưng không điên. Đây là tất cả những hậu quả đẫm máu (theo nghĩa thật nhất của từ này) về việc một người phụ nữ không được phép sống nếu cô ấy đòi một quyền không phải của mình: quyền lựa chọn một người đàn ông và cũng ra lệnh cho cách anh ta tra tấn cô - đó là sự thống trị trong sự phục tùng - điều này cô không được phép. Tôi tìm cách đưa ra một cái nhìn khó chịu về phụ nữ, đặc biệt là nơi họ là đồng phạm của đàn ông".

Độc giả cũng sẽ không hoàn toàn ghét Erika, bởi tất cả sự lạm dụng mà cô ấy dành cho Walter và những người xung quanh, điều cô ấy đau lòng nhất là bản thân mình, cho dù đó là khi tự làm đau mình, hay vô cảm, như 50 trang cuối, nơi cả ba đều khao khát và ích kỷ gây ra một cú sốc bạo lực và buồn bã. Một cái kết ảm đạm, đau xót, nhưng thực sự thú vị.

Đạo diễn người Áo Michael Haneke đã chuyển thể tiểu thuyết này thành phim cùng tên rất nổi tiếng và đã đoạt 3 giải thưởng trong Liên hoan phim Cannes năm 2001. Với nội dung quá táo bạo, bộ phim đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhiều lời tranh cãi gay gắt. Nhưng cuối cùng, The Piano Teacher vẫn đoạt được giải thưởng danh giá nhất tại Liên hoan phim Cannes 2001.

Năm 2004, Elfriede Jelinek đã được trao giải Nobel Văn học.

Như nhiều tác phẩm khác của Elfriede Jelinek, tiểu thuyết này cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau và khá gay gắt, nhưng cuối cùng, Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn quyết định trao giải Nobel cho bà kèm theo lời nhận xét :"Những dòng chảy âm thanh và phản âm thanh đầy kịch tính có trong tiểu thuyết và kịch của Elfriede Jelinek, những tác phẩm với sức mạnh ngôn ngữ phi thường đã phơi bày cái bất hợp lý của những khuôn sáo trong xã hội và uy quyền ngự trị chúng".

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm