Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn tượng về 'madame Ninh' trong giới ngoại giao

Những màn đối đáp sắc sảo của Tôn Nữ Thị Ninh để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn bè quốc tế. Nhà báo Daniel Sneider nhận định bà là “một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới".

Những ánh đèn công suất lớn phả hơi nóng khắp trường quay. Ba, bốn máy ghi hình và hàng chục con người trong ê-kíp quay đang hướng mắt về phía sân khấu, nơi người phụ nữ với bộ trang phục giản dị, vẻ mặt cương nghị cùng mái tóc ngắn đặc trưng đang ngồi và lắng nghe câu hỏi của người dẫn chương trình.

“Bỏ đất Pháp để quay về Việt Nam, liệu bà có hối tiếc gì không?”

Người phụ nữ ấy hít một hơi thật sâu và ngẫm nghĩ về câu hỏi mà không biết bao người đặt ra cho bà suốt hàng chục năm qua. Nhà ngoại giao lừng lẫy Tôn Nữ Thị Ninh bỗng thấy những kỷ niệm về chặng đường dài mà bà đi từ Pháp về Việt Nam hiện lên rõ mồn một.

Là một người thuộc dòng dõi quý tộc sinh ra trong gia đình quan lại tại cố đô Thừa Thiên Huế, Tôn Nữ Thị Ninh là cô con gái duy nhất trong gia đình gồm bốn anh em. Bố là quan tri phủ với tư tưởng tiến bộ, ông sang Pháp học, sau đó đón cả gia đình sang.

Mới 3 tuổi, Tôn Nữ Thị Ninh đã sớm có một cuộc sống yên bình trên đất Pháp. Năm 17 tuổi, cô gái Huế bé nhỏ bước chân vào giảng đường đại học, bắt đầu sự nghiệp học hành với những điều kiện rất thuận lợi. Nhờ trí thông minh và sự chăm chỉ, bà trở thành giảng viên giảng dạy Văn học Anh tại trường đại học danh giá Sorbonne của Paris.

Đây là khoảng thời gian bà say mê nghiên cứu và tích lũy kho tàng tri thức, lịch sử và văn hóa của phương Tây - điều mà sau này sẽ trở nên hữu ích cho sự nghiệp của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh.

Mot nua cua the gioi anh 1

Chân dung nữ ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh. Ảnh: CAND.

Với nhân thân và quá trình hoạt động như vậy, rất dễ dàng để bà Ninh mang quốc tịch Pháp, trở thành công dân Pháp. Lúc đó bà vẫn chưa được vào biên chế của trường đại học do vẫn chưa nhập tịch, bởi vậy việc nhập quốc tịch Pháp sẽ đảm bảo về việc làm và kinh tế hơn cho bà.

Thế nhưng có một điều gì đó khiến bà Ninh chần chừ. “Mình không tìm được lý do để trở thành công dân Pháp, mình không thấy bản thân thuộc về vùng đất này dù đã trải qua một thời gian dài sinh sống và làm việc tại đây". Ở độ tuổi 20, Tôn Nữ Thị Ninh thấy mông lung về tương lai sắp tới.

Đúng lúc ấy, thông tin về cuộc chiến đang diễn ra trên quê hương Việt Nam xuất hiện trên báo chí và khắp ngõ ngách lớn bé của châu Âu. Bà chứng kiến qua báo đài những cảnh đau thương từ cuộc chiến phi nghĩa mà người Mỹ đang gây ra trên vùng đất nơi gia đình bà sinh ra.

“Tôi cảm thấy tim mình như thắt lại”, Tôn Nữ Thị Ninh nghẹn ngào nhớ lại.

Lúc đó, phong trào phản chiến của giới trí thức châu Âu dâng cao. Ngoài giờ lên lớp giảng dạy, Tôn Nữ Thị Ninh tập trung đóng góp cho phong trào yêu nước của người Việt ở Pháp. Nhưng với bà, như vậy là chưa đủ, bà muốn được cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.

Đúng lúc đó, bà được chọn làm phiên dịch cho Phái đoàn chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris. Dấu mốc đó đã khiến cuộc đời và lý tưởng của cô giáo trẻ Tôn Nữ Thị Ninh chuyển hướng.

Bà nhận được lời mời của Chính phủ Việt Nam lâm thời dành cho các trí thức người Việt ở nước ngoài quay về cống hiến cho đất nước. Năm 1972, Tôn Nữ Thị Ninh về Việt Nam và quyết định gắn bó với mảnh đất này mãi mãi.

Trở về nước, bà vẫn giữ cương vị nhà giáo, là phó Chủ nhiệm khoa Anh ngữ của Đại học Sư phạm Sài Gòn. Bước ngoặt đến với bà khi ông Xuân Thủy - nguyên Trưởng phái đoàn miền Bắc ở Hội nghị Paris đã phát hiện ra năng khiếu ngoại giao bẩm sinh của cô gái Huế thông minh và bản lĩnh.

Từ bỏ sự nghiệp sư phạm, bà ra Hà Nội và chuyển sang công việc mới - chính là công việc đã định hình sự thành công và dấu ấn cá nhân của bà sau này: một nhà ngoại giao.

Ban đầu, bà làm phiên dịch viên cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… cùng nhiều nhân vật quan trọng khác. Người ta ví bà như “một người thợ kim hoàn” nhờ vào trình độ dịch thuật sắc sảo và sự nhạy bén, tinh tế khi bà phiên dịch cho các nguyên thủ quốc gia.

Lúc đó, Việt Nam còn là một quốc gia xa lạ, biệt lập với đa số các quốc gia khác trên thế giới. Những người ngoại quốc nhìn Việt Nam bằng con mắt nghi ngại về một xứ sở kém văn minh, do đó mỗi khi phái đoàn ngoại giao Việt Nam tham gia các hội nghị trên thế giới đều nhận phải những phản ứng kém tích cực.

Vậy mà ít ai ngờ rằng, người phụ nữ nhỏ bé với giọng Huế nhẹ nhàng lại mạnh mẽ, sắc sảo khi phát biểu trước đông đảo nhà ngoại giao lớn của thế giới.

Bằng trình độ tiếng Anh và tiếng Pháp điêu luyện, lời nói mềm mỏng nhưng đanh thép, “madame Ninh” - như cách mà người Pháp gọi bà - đã giới thiệu một Việt Nam tới thế giới. Những màn đối đáp sắc sảo với các câu hỏi hoặc sự chỉ trích của Tôn Nữ Thị Ninh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Nhà báo Mỹ Daniel Sneider đã nhận định madame Ninh là “một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới”.

Một trong những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp ngoại giao của bà Ninh chính là tham gia góp phần hàn gắn mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau chiến tranh. Cuộc chiến kéo dài từng khiến hai đất nước đứng hai bên chiến tuyến, khác biệt nhau về con người, văn hóa, thể chế chính trị, tưởng chừng như không thể bắt tay làm bạn.

Thay vì đối thoại với chính phủ Mỹ, Tôn Nữ Thị Ninh lại lựa chọn xuất hiện tại các viện nghiên cứu, trường đại học, nhóm cộng đồng ở Mỹ để lắng nghe, đối thoại với các học giả, chuyên gia, đại diện nhiều tầng lớp nhân dân, nhà báo Mỹ về một Việt Nam mới và hòa bình. Những hoạt động đó đã góp phần vào việc xây dựng và củng cố quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Năm 2013, bà Tôn Nữ Thị Ninh là một trong những nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên được nhận Bắc Đẩu Bội tinh - huân chương cao quý nhất của Cộng hoà Pháp tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp và quan hệ Việt - Pháp.

Tại buổi lễ này, đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier trịnh trọng gọi bà là “người phụ nữ của ánh sáng”, “người phụ nữ của văn hóa” và là “biểu tượng của những người Việt Nam yêu nước”.

Dòng hồi tưởng của bà Ninh bị ngắt quãng ở đó. Bà thấy mình vẫn đang ngồi giữa trường quay và bao cặp mắt đang hướng về sân khấu, chờ đợi câu trả lời của bà. Hít một hơi thật sâu, bà biết rằng câu trả lời chỉ có một: “Tôi là người Việt Nam. Đối với tôi, quyết định quay trở về Việt Nam lúc đó không hề do dự, mọi thứ đến như một lẽ tự nhiên, đương nhiên là tôi phải về thôi".

Chien binh noi cong so hinh anh

Chiến binh nơi công sở

0

Với tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, để có công việc ổn định và xây dựng chỗ đứng trong công ty, các bạn trẻ phải nỗ lực rất nhiều. Chỉ cần một sai sót nhỏ, họ có thể bị sa thải.

Nhiều tác giả / KXB Kim Đồng

SÁCH HAY