Ông Gyalson, năm nay 50 tuổi, là một người chăn gia súc. Nhiều thế hệ gia đình của ông đã sinh sống ở ngôi làng Chushul ở khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý, sát đường biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng giờ đây, bởi những vụ đối đầu thường xuyên giữa quân đội hai nước, ông Gyalson đã tính khả năng chuyển gia đình tới nơi khác.
Vài năm qua, căng thẳng liên tục gia tăng ở biên giới Ấn - Trung. Tại làng Chushul, nhiều người dân lo sợ một cuộc chiến tranh như từng xảy ra năm 1962 sẽ lặp lại.
"Chúng tôi không thể đến các bãi chăn thả, bởi vậy việc nuôi gia súc ngày càng chật vật. Đàn gia súc là kế sinh nhai của chúng tôi", ông Gyalson nói, theo South China Morning Post.
Tiếp tục đối đầu
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhen nhóm trở lại từ 2017, bắt đầu leo thang từ tháng 6/2020 sau khi binh sĩ hai nước ẩu đả ở thung lũng Galwan, một khu vực không có cư dân sinh sống.
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng trong vụ đụng độ. Cuộc ẩu đả tại thung lũng Galwan là sự cố chết chóc nhất giữa hai gã khổng lồ châu Á trong 5 thập kỷ vừa qua.
Kể từ đó, hai nước đã triển khai hàng chục nghìn binh sĩ, cùng nhiều vũ khí hạng nặng tới biên giới tranh chấp, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang khổng lồ trên khu vực nóc nhà của thế giới.
Chính phủ Ấn Độ cũng đổ tiền xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng ở khu vực như đường bộ, đường băng và bãi đáp trực thăng.
Tháng trước, Bộ trưởng Giao thông đường bộ và cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari đã đến thăm kênh đào Zojila đang được xây dựng, dự kiến kết nối khu vực Ladakh và Kashmir.
Công trình này giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa hai khu vực, cho phép duy trì giao thông ngay cả trong những tháng mùa đông khi tuyết rơi dày.
Bộ trưởng Giao thông đường bộ và cao tốc Ấn Độ Nitin Gadkari (giữa) tới thăm dự án kênh đào Zojila. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 10/10, Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán mới nhất về vấn đề biên giới. Hai bên chỉ trích lẫn nhau khiến tình hình biên giới rơi vào bế tắc.
Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đưa ra những đòi hỏi vô lý. Trong khi đó, New Delhi cáo buộc Bắc Kinh thiếu cởi mở với các đề xuất nhằm cải thiện tình hình.
Tại làng Chushul, hiện diện của quân đội Ấn Độ thời gian qua trở nên rõ rệt hơn.
Dân làng ngày càng lo lắng cho tương lai. Bởi đói nghèo, không có tiền tự chi trả, họ đã đề nghị chính phủ trung ương ở New Delhi hỗ trợ tái định cư ở địa điểm khác cách xa khu vực tranh chấp với Trung Quốc.
Tháng trước, ông Konchok Stanzin, một quan chức tại khu vực, đã viết thư cho Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. Trong thư, ông Stanzin đề nghị chính phủ bố trí nơi tái định cư cho người dân đang sống ở khu vực biên giới.
"Tôi cũng đã nêu vấn đề này ra với nhiều quan chức và bộ trưởng khác. Người dân đang sống trong sợ hãi, chính phủ phải làm gì đó cho chúng tôi", ông Stanzin cho biết.
Không cần hầm trú ẩn, chỉ muốn rời đi
Nỗi sợ của người dân Ấn Độ đã tăng lên đáng kể sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch xây dựng những hầm trú ẩn dưới lòng đất tại những ngôi làng gần đường kiểm soát biên giới thực tế với Trung Quốc.
Những căn hầm trú ẩn tiêu tốn chi phí xây dựng lên đến 6,6 triệu USD. Ông Stanzin cho biết đây là lần đầu tiên một biện pháp an ninh như vậy được triển khai.
Giới chức Ấn Độ nói những căn hầm trú ẩn này tương tự với những chiếc được xây ở các ngôi làng tại khu vực Kashmir, nơi thường xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội Ấn Độ và Pakistan.
Tại Kashmir, khoảng 18.000 hầm đã được xây dựng. Chúng giúp bảo vệ người dân trước đạn pháo của đối phương.
Từ sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan, các quan chức dân cử đại diện khu vực Ladakh đã yêu cầu chính phủ xây dựng hầm trú ẩn để bảo đảm an toàn cho người dân sống gần biên giới.
Một trẻ em sống tại khu vực đông Ladakh do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: Kamran Yousuf. |
Bên cạnh đó, các hầm trú ẩn được xây cũng nhằm đáp ứng nhu cầu khi số lượng binh sĩ điều động tới khu vực này tăng lên.
Các quan chức quân đội Ấn Độ cho biết sau vụ đụng độ, New Delhi tập trung bổ sung thêm vũ khí, kho dự trữ quân sự, xây dựng các hầm trú ẩn cách nhiệt, bởi nhiệt độ ở khu vực này có thể xuống tới -40 độ C.
Tuy nhiên, dân làng sống ở khu vực cho biết họ không muốn những hầm trú ẩn như vậy.
"Thay vì xây hầm trú ẩn, người dân nên được đưa tới những địa điểm khác để sinh sống. Căng thẳng khiến nhiều người dân rất sợ hãi", ông Stanzin cho biết.
Dân làng nói rằng cuộc sống tại khu vực đồi núi này vốn đã nhiều khó khăn ngay từ trước khi căng thẳng nổ ra ở biên giới. Nếu xung đột leo thang, "họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài rời đi để bảo vệ cuộc sống của mình", ông Stanzin nói.
Nobru, một cư dân địa phương sống ở phía đông Ladakh, cho biết xung đột khiến người dân mất dần đất đai canh tác, chăn nuôi.
"Chúng tôi mất đất chăn thả gia súc vào tay Trung Quốc. Ở những khu vực còn do Ấn Độ kiểm soát, chúng tôi cũng không được tiếp cận bởi quân đội không cho phép người dân đến gần biên giới. Chúng tôi không thể sinh tồn ở nơi đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu của quân đội hai nước", ông Nobro nói.