Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông điệp của chính quyền Kishida tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Việc Thủ tướng Fumio Kishida giữ lại ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng trong nội các mới thể hiện sự xuyên suốt về chính sách của Nhật Bản với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngay sau khi được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản hôm 4/10, ông Fumio Kishida cũng công bố danh sách nội các mới cùng ngày. Những chức vụ quan trọng như ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng không thay đổi.

Ông Toshimitsu Motegi giữ chức ngoại trưởng Nhật Bản kể từ tháng 9/2019, sau khi được cựu Thủ tướng Shinzo Abe lựa chọn. Dưới thời người kế nhiệm ông Abe là cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, ông Motegi biến việc theo đuổi "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" trở thành trọng tâm trong thông điệp của mình khi đến châu Phi, Mỹ Latin và Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cũng có tên trong danh sách nội các mới.

Việc giữ lại Bộ trưởng Motegi và Kishi gửi đi thông điệp về tính xuyên suốt trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản, khi nước này phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc đối đầu với Trung Quốc và căng thẳng Bắc Kinh - Đài Bắc ngày càng gia tăng, Nikkei Asia nhận định.

ngoai truong Nhat Ban Toshimitsu Motegi anh 1

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tiếp tục giữ chức trong chính phủ mới. Ảnh: Nikkei Asia.

Giữ lại đồng minh cho bước đi mới với Trung Quốc

Việc ông Kishida giữ ông Motegi làm ngoại trưởng được coi là một động thái mà các nhà phân tích cho rằng Mỹ và châu Âu sẽ hoan nghênh.

“Ông Motegi từng tham dự cuộc họp ‘2+2’ với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu năm”, Patrick Cronin - chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Hudson (Washington, Mỹ) - nói. “Đây chính là tính xuyên suốt. Ngoại trưởng Mỹ và chính quyền Tổng thống Biden sẽ hoan nghênh đối tác biết cách hợp tác chặt chẽ”.

Một cuộc họp “2+2” khác đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay, khi hai bên sẽ thảo luận về “vai trò, sứ mệnh và khả năng” để chuẩn bị cho các tình huống bất thường trong khu vực.

"Nhật Bản dưới thời ông Kishida và Mỹ dưới thời ông Biden sẵn sàng thực hiện một số bước tiến chưa từng có", ông Cronin nói.

Không chỉ vậy, theo Elli-Katharina Pohlkamp, thành viên Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, việc tái bổ nhiệm ông Motegi cũng nhằm duy trì vốn chính trị của ông Kishida trong đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP), bởi ông được ông Motegi ủng hộ trong cuộc bầu cử đảng.

Vốn chính trị như vậy sẽ cần thiết khi ông Kishida đưa ra chính sách đối ngoại với Trung Quốc.

"Trong chiến dịch tranh cử, ông ấy nói rõ rằng Nhật Bản không chỉ nên bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của mình bằng cách đối đầu với Trung Quốc, mà còn nên duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với nước này", bà lưu ý.

Bà Pohlkamp nói thêm rằng bất kỳ hướng tiếp cận chính sách nào liên quan đến Trung Quốc sẽ đòi hỏi vốn chính trị đáng kể trong LDP, cũng như sự tin tưởng trong nước và quốc tế. Và việc giữ lại ông Motegi có vẻ là bước đầu tiên trong kế hoạch đó.

ngoai truong Nhat Ban Toshimitsu Motegi anh 2

Tân Thủ tướng Kishida và nội các mới ra mắt công chúng trong ngày 4/10. Ảnh: Reuters.

Nhiều gương mặt mới

Thủ tướng Kishida cũng bổ nhiệm Shunichi Suzuki thay thế Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Ông Suzuki dẫn đầu nhóm các nhà lập pháp ủng hộ ông Kishida trong cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo đảng LDP, đồng thời cũng là em rể của ông Aso.

Ông Kishida cũng ​​bổ nhiệm ông Hirokazu Matsuno làm chánh văn phòng nội các, người đóng vai trò là cánh tay phải của thủ tướng. Ông Matsuno từng là bộ trưởng Giáo dục và Khoa học dưới thời Thủ tướng Abe.

Trong khi đó, Seiji Kihara - người từng làm việc trong Bộ Tài chính - và Yoshihiko Isozaki sẽ được bổ nhiệm làm phó chánh văn phòng nội các.

Takayuki Kobayashi - người dẫn đầu trong các cuộc tranh luận về chính sách của LDP - đảm nhận chức vụ bộ trưởng An ninh Kinh tế. Ông Kobayashi thân với Akira Amari, người được đề cử trở thành tổng thư ký của đảng.

Bộ trưởng An ninh Kinh tế "có thể đưa ra chỉ thị cho tất cả các bộ và cơ quan", theo ông Amari. Việc bổ nhiệm ông Kobayashi sẽ cho phép nội các hợp tác chặt chẽ với LDP trong chính sách với Trung Quốc.

Chức vụ bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp do ông Koichi Hagiuda đảm nhận. Ông Hagiuda là người khá thân cận với cựu Thủ tướng Abe.

Ông Daishiro Yamagiwa phụ trách đối phó đại dịch Covid-19 với tư cách là bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính, trong khi người có trách nhiệm về chương trình tiêm chủng Covid-19 là bà Noriko Horiuchi. Đây là lần đầu tiên hai quan chức này được bổ nhiệm vào nội các.

Chức vụ bộ trưởng Y tế và Lao động do Shigeyuki Goto đảm nhận.

Trong số những người được bổ nhiệm vào nội các, 13 người lần đầu là bộ trưởng, chiếm 65%. Con số này cao hơn 5 người dưới thời cựu Thủ tướng Suga và 10 người của cựu Thủ tướng Abe.

Động thái này phản ánh cam kết của ông Kishida về việc trọng dụng những nhân tài mới trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP vừa qua.

Ông Kishida sẽ tăng cường quan hệ với Việt Nam và Đông Nam Á

Các chuyên gia cho rằng tân chủ tịch đảng cầm quyền của Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục chú trọng hợp tác với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, vì tầm quan trọng của khu vực này.

Người từng ba lần trượt đại học sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản

Fumio Kishida, người gần như chắc chắn sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, là một chính khách kỳ cựu. Qua việc bầu ông làm chủ tịch, đảng LDP đã chọn óc thực tế và sự ổn định.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm