“Tôi không cho rằng chính sách đối ngoại Nhật Bản sẽ thay đổi quá nhiều”, Jonathan B. Miller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA) và Diễn đàn Á châu Nhật Bản (AFJ), trả lời Zing. “Từ trước tới nay, Nhật Bản vẫn đặt Đông Nam Á và các nước ASEAN vào vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại”.
Ông Miller đưa ra bình luận trên cùng ngày cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thắng cử và trở thành tân chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP). Chiến thắng này khiến ông Kishida gần như nắm chắc chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản.
Tiến sĩ Nicholas Chapman, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế và chính trị của các nước châu Á - Thái Bình Dương, cũng có chung nhận định với ông Miller.
“Ông Kishida là chính khách truyền thống trên chính trường Nhật Bản”, ông Chapman nói. “Ông cũng không cố thay đổi nguyên trạng”.
Vì thế, cả hai chuyên gia đều nhận định rằng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ chiếm giữ vị thế quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.
Mối quan hệ ấy sẽ càng được Tokyo thêm phần chú trọng trong thời gian tới, nhất là trên hợp tác an ninh quốc phòng, để đối phó các thách thức trong khu vực.
Ông Kishida vẫy chào sau khi thắng cử vào ngày 29/9. Ảnh: New York Times. |
“Ông Kishida là nhà lãnh đạo cân bằng”
- Ông đánh giá thế nào về tân chủ tịch đảng LDP Fumio Kishida? Ông Kishida có thể để lại dấu ấn gì đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản?
- Ông Miller: Ông Kishida từng là cựu ngoại trưởng và trưởng ban nghiên cứu chính sách cho đảng LDP - một vị trí rất quan trọng. Tôi nghĩ ông Kishida là một nhà lãnh đạo cân bằng. Ông ấy sẽ duy trì cách tiếp cận chính sách đối ngoại rất giống với chính sách của ông Abe.
Trong lúc chạy đua vào vị trí chủ tịch đảng LDP, ông Kishida có quan điểm khá đồng nhất với các ứng viên khác về việc liên minh với Mỹ và về cách ứng phó Trung Quốc. Điều khác biệt nằm ở mức độ cứng rắn.
Trong bốn ứng viên, ông Kishida được đánh giá là người có tiếng nói ôn hòa hơn cả. Ông sẽ cố ứng xử thực tế với Bắc Kinh vì Trung Quốc hiện tại vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Ông Kishida sẽ cố giữ thăng bằng trong hoàn cảnh đầy thách thức mà Tokyo đang phải đối mặt.
Jonathan B. Miller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA). Ảnh: Jberkshiremiller. |
- Ông Chapman: Trong thời gian là ngoại trưởng Nhật Bản, ông Kishida đã có công đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm khu tưởng niệm Hiroshima vào tháng 5/2016. Đây là một điểm sáng trong sự nghiệp của ông.
Ông Kishida là một chính khách truyền thống trên chính trường Nhật Bản. Ông ấy thích làm việc kín đáo và không phô trương. Ông Kishida cũng không cố thay đổi nguyên trạng.
Dù vậy, trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Kishida cũng muốn tạo ra thay đổi trong nội bộ đảng LDP, thông qua việc ông muốn giới hạn nhiệm kỳ của một số vị trí trong đảng.
Nhưng từ góc độ đối ngoại, tôi không nghĩ ông ấy sẽ thay đổi quá nhiều. Ông ấy về cơ bản cũng sẽ đi theo con đường cựu Thủ tướng Abe từng đi, cụ thể là việc cố gắng đẩy mạnh tương tác trong khu vực và tăng cường ủng hộ các quốc gia như Việt Nam và Malaysia.
Tôi cho rằng ông Kishida sẽ muốn tương tác nhiều hơn với nhóm Ngũ Nhãn (liên minh tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand). Ông ấy coi đây là cách để Nhật Bản đối phó trước sức mạnh quân đội Trung Quốc, cũng như trước chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Như vậy, ông Kishida sẽ hướng tầm nhìn tới các cơ chế khu vực và thể chế đa phương để cố gắng đối phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Một buổi tranh luận giữa bốn ứng viên cho vị trí chủ tịch đảng LDP được truyền hình trực tiếp vào tháng 9. Ảnh: New York Times. |
Nhật Bản từ trước vẫn luôn coi trọng Đông Nam Á
- Chính sách của Nhật với Đông Nam Á thay đổi thế nào sau cuộc bầu cử chủ tịch đảng LDP cầm quyền vừa qua?
- Ông Miller: Nhật Bản có tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Vì thế, quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan… được Nhật Bản nhìn nhận là đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại ấy.
Khi Thủ tướng Yoshihide Suga mới nhậm chức, chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông là tới Việt Nam và Indonesia. Người tiền nhiệm của ông Suga, ông Shinzo Abe, cũng thăm toàn bộ 10 quốc gia ASEAN trong năm đầu nhiệm kỳ.
Qua các nhà lãnh đạo khác nhau, Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á và tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi.
Tôi cho rằng Nhật Bản nhận ra mình cần có mối quan hệ vững chắc với Đông Nam Á vì lợi ích của chính mình và của cả khu vực. Đây là cách tiếp cận truyền thống của Nhật Bản và Nhật Bản sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực Đông Nam Á.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe vào năm 2020. Ảnh: New York Times. |
- Ông Chapman: Đối với Đông Nam Á, Nhật Bản có chính sách đối ngoại theo hướng tương tác chiến lược theo chiều sâu, thực hiện các hoạt động ngoại giao liên tục, song song với việc hợp tác an ninh. Điều này được thể hiện qua việc Nhật Bản cố gắng xuất khẩu trang thiết bị quân sự cho các nước trong khu vực.
Nếu quan sát xu hướng dài hạn, ta sẽ thấy tương tác giữa Nhật Bản và Đông Nam Á ngày càng nhiều.
Trước kia, Nhật Bản khá xa cách khu vực Đông Nam Á. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là dưới thời cựu Thủ tướng Abe, Nhật Bản ngày càng đi sâu hơn vào cấu trúc an ninh khu vực, cũng như có xu hướng bảo vệ và ủng hộ quyền lợi của các nước ven biển tại Biển Đông.
Sẽ tăng cường hỗ trợ quốc phòng
- Liệu Nhật Bản có củng cố hợp tác quân sự quốc phòng với các nước Đông Nam Á để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực hay không?
- Ông Miller: Tôi cho rằng điều ấy sẽ xảy ra.
Như tôi nói ở trên, hợp tác quốc phòng là một phần thực sự quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản. Và khu vực Đông Nam Á có vị thế trọng yếu đối với tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở của Tokyo.
Theo tôi, một số phương diện hợp tác then chốt như xây dựng năng lực hàng hải, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên… sẽ tiếp tục là ưu tiên của Nhật Bản trong tương lai.
Một tàu cảnh sát biển cỡ lớn của Nhật Bản, nước từng ký thỏa thuận hỗ trợ đóng 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Dưới thời tân thủ tướng, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ ưu tiên cung cấp các khoản hỗ trợ về quốc phòng cho các nước Đông Nam Á.
Nhật Bản là thành viên trong cơ chế Bộ Tứ (ba thành viên khác là Mỹ, Australia và Ấn Độ). Mỗi thành viên trong nhóm Bộ Tứ sẽ có một thế mạnh riêng và thế mạnh của Nhật Bản sẽ là mối quan hệ của nước này với Đông Nam Á.
Tôi cho rằng Nhật Bản sẽ chú ý nhiều hơn tới khu vực này, đồng thời có thể sẽ tìm cách tăng cường phân bổ ngân sách để làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trên phương diện công nghệ quốc phòng và xây dựng năng lực.
- Ông Chapman: Tôi cũng cho rằng các khoản hỗ trợ sẽ tăng lên nhiều.
Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã ký thỏa thuận xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam.
Nhật Bản cũng có thể sẽ cố ký kết thỏa thuận tương tự với Malaysia. Hai nước này đồng thời sẽ tổ chức thêm nhiều các hoạt động hợp tác quốc phòng, đặc biệt là trên phương diện hợp tác hải quân. Riêng đối với Philippines, Nhật Bản có thể sẽ chờ đợi kết quả cuộc bầu cử sắp tới.
Thủ tướng Yoshihide Suga từng có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một trong những mục đích chính trong chuyến công du đầu tiên của ông Suga là để thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Từ chính quyền của ông Abe, Nhật Bản đã tích cực tương tác với Đông Nam Á và rất cố gắng dành ra nhiều hỗ trợ cho khu vực này, trên cả phương diện tài chính và các hoạt động trực tiếp (như diễn tập hải quân chung và mua sắm tàu tuần tra).
Tôi cho rằng Nhật Bản sắp tới sẽ tương tác nhiều và sâu hơn với Việt Nam, Malaysia, và trong một chừng mực nào đó là Indonesia.
Quan hệ Việt - Nhật sẽ nhấn vào thương mại, y tế, quốc phòng
- Dưới chính quyền của vị tân thủ tướng, Nhật Bản sẽ nhấn mạnh phương diện hợp tác nào với Việt Nam trong thời gian tới?
- Ông Miller: Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại Đông Nam Á đối với Nhật Bản. Đầu tiên, Nhật Bản và Việt Nam sẽ giữ vững và đẩy mạnh hợp tác trên các cơ chế đa phương như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+, APEC…
Trên phương diện song phương, Nhật Bản cũng sẽ rất ưu tiên mối quan hệ này. Tôi cho rằng chúng ta sẽ thấy Nhật Bản gia tăng hỗ trợ cho cảnh sát biển Việt Nam, tăng cường trao đổi hải quân, và có thể là cả hoạt động giao lưu giữa các nhà nghiên cứu.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có thể mong muốn đưa Việt Nam vào các cuộc trao đổi theo cơ chế Bộ Tứ +. Bộ Tứ + là cơ chế trao đổi dành cho các nước có thể không muốn tham gia vào nhóm Bộ Tứ nhưng vẫn muốn thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực.
Tàu ngầm huấn luyện Kuroshio của Nhật Bản từng lần đầu tới Việt Nam vào năm 2018. Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force. |
Cuối cùng, hợp tác kinh tế và thương mại cũng sẽ là một ưu tiên đối với Nhật Bản. Bên ngoài CPTPP, Nhật Bản còn có nhiều tầng thỏa thuận về đầu tư và thương mại với Việt Nam như hiệp định thương mại tự do Nhật Bản - ASEAN và hiệp định thương mại song phương Việt - Nhật.
Trước khi có Covid-19, nền kinh tế Nhật Bản rất liên kết với Trung Quốc. Các khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc từ trước tới nay cũng có hiệu quả cao. Nhưng điều này đang dần thay đổi vì chi phí nhân công và nguyên liệu ở Trung Quốc không còn được như 15-20 năm trước.
Như vậy, Việt Nam sẽ là một điểm đến dĩ nhiên của đầu tư và thương mại Nhật Bản. Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong quá trình Nhật Bản cố gắng đa dạng hóa để không phụ thuộc vào Trung Quốc.
- Ông Chapman: Lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ táo bạo hơn trong cách ứng phó Covid-19, không chỉ tại Nhật Bản mà còn mở rộng ra nước ngoài.
Tôi cho rằng chúng ta có thể thấy được sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước trên phương diện ngoại giao vaccine, cũng như sẽ có sự chia sẻ lớn hơn về kỹ thuật và công nghệ.
Nhật Bản và Việt Nam có một loạt các thỏa thuận cho phép bác sĩ Việt Nam trao đổi trực tuyến với bác sĩ Nhật Bản để tìm hiểu về bệnh nhân. Vì thế, hai nước sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin để giúp trang bị tốt hơn trước các khủng hoảng y tế như Covid-19.
Trên phương diện quân sự, Nhật Bản cũng sẽ có tương tác sâu hơn với Việt Nam. Tôi tin rằng Nhật Bản sẽ tìm cách xây dựng và củng cố năng lực cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới cho phép nước này có hành động đơn phương.