Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ăn Tết vùng cao

Ăn Tết giữa một vùng núi non hùng vĩ, ắt có cái thú riêng. Thời tiết giá lạnh, được ngồi sưởi ấm bên hàng bán đồ nướng, cầm trên tay củ khoai thơm nức, khiến lòng người rộn ràng.

Chợ phiên rực rỡ sắc màu. Ảnh: Nguyen H./Yourshot/National Geographic.

Chợ phiên rực rỡ sắc màu. Ảnh: Nguyen H./Yourshot/National Geographic.

Mấy mươi năm ăn Tết ở nhà, bỗng dưng là chán. Tôi cũng thử ăn Tết dăm bận ở Đài Loan, Myanmar, Ấn Độ… nhưng thấy chẳng khác chi ngày thường. Phố phường hàng quán vẫn vậy. Thi thoảng lúc ngồi ăn tối chợt nhớ ra đây đương là Tết. Nhưng có mấy bận lên Bắc Hà, Sa Pa ăn Tết thì rất vui.

Tết vùng cao chao ôi là náo nức, nhất là ra đến chợ, chỉ thấy những áo cùng váy hoa cà hoa cải. Món ăn ngày Tết cũng ngộ. Người như tôi, đi chợ phiên Bắc Hà khó mà mua được thứ gì. Trâu, bò, lợn, gà, nông cụ, xống áo thì chẳng dùng được rồi, đồ ăn vặt chủ yếu có mía nương bán cả gióng, cũng ngại, vì con gái Bắc Hà ăn mía cứ để nguyên cả đẫn mà tước vỏ bằng răng.

Tết cũng ăn mía. Rồi cả hai món thượng thặng của người vùng cao cũng không dễ ăn, là thắng cố và mèn mén. Nhiều vùng có thắng cố, nhưng thắng cố Bắc Hà được chuộng hơn cả. Thắng cố được làm từ thịt lợn, bò, dê, chó… Tất tật thịt, xương, lục phủ ngũ tạng của con vật được chặt nhỏ rồi cho vào chiếc chảo khổng lồ, ninh nhừ lên với các loại gia vị.

Dưới túp lều lúp xúp, chảo thắng cố bốc khói nghi ngút trên bếp than củi và những can rượu ngô thơm lừng xếp bên cạnh có ma lực khủng khiếp đối với người xứ cao nguyên Bắc Hà.

Cũng như người Italy sẽ tứa nước miếng bên đĩa spaghetti và một chai vang Italy, người Nga sẽ lấp lánh vui tươi cùng bát súp củ cải đỏ, ít trứng cá muối và ly vại Vodka, thì ở đây tôi cũng thấy người bản địa đang sung sướng và hãnh diện với cái món ăn mà tôi không thể.

Trưa hôm ấy, vừa tan phiên là tôi đã bắt xe lên Sa Pa. Từ khu vực nhà thờ xuôi xuống dốc thấy chợ Sa Pa vẫn như 10 năm về trước, vẫn những cô gái Dao đỏ rực, đứng chen chúc cùng các chàng trai H’mong áo chàm, dưới chợ vẫn bán hoa bất tử tươi và những mẹt su su, ngồng cải mà biết chắc luộc lên sẽ ngọt lịm.

Thị trấn vẫn đông đúc, nhộn nhịp hàng quán người xe. Khắp nơi ngập sắc đào phai. Trong quán bar, những thanh niên tóc vàng ngồi hút shisha tỏa mù mịt khói thơm trộn lẫn âm thanh ồn ã của Funk Rock bịt kín bốn bức tường đá.

Tôi ngồi trước chiếc bàn phủ khăn caro đỏ trong nhà hàng kế bên nhà thờ, chờ đợi súp kem bí đỏ và gà tây quay được mang ra thay cho bánh chưng, canh măng ngày Tết.

Dưới chân núi Hàm Rồng, thẳng hướng dẫn lên nhà thờ đá có một cái chợ trời rất thú vị. Ấy là các gian bán đồ nướng quây tạm lúc nào cũng nghi ngút khói bốc lên từ những vỉ than củi. Trời rét thấu tận xương mà được ngồi thu lu trong khu đồ nướng tối mò như chợ âm phủ rồi chờ đợi người bán hối hả quạt than cho chín những món ăn đã chọn, thực là một hạnh phúc tột đỉnh của người ham mê ẩm thực.

Người ta bán cơm lam nướng, trứng gà nướng, hạt dẻ nướng, cá nướng, thịt lợn rừng nướng, chim rừng nướng, khoai lang nướng… Thức gì cũng có thể nướng lên được. Gió cứ vù vù thốc xuống từ đỉnh núi, còn đây than hồng cứ đượm, sưởi ấm sực những gò má đã lạnh cóng.

Đồ nướng được mang ra, xuýt xoa mà bóc mà tách, mà nhấm nháp hương vị vừa ngọt ngào, vừa đậm đà se sắt của núi rừng, có kèm thêm hũ rượu táo mèo cho ấm người nữa thì càng tốt.

Sướng một nỗi, chợ đồ nướng hũ nút như… đêm ba mươi. Mà đêm ấy là ba mươi thực. Người ta mơ hồ chỉ có thể thấy nhau qua ánh lập lòe của những vỉ than hồng, và nghe những rì rầm trò chuyện len qua những lách tách của củi khô đã nỏ, và cả tiếng gió u u từ những thâm sơn cùng cốc.

Tôi bốc một củ khoai nướng thơm nức để… ăn tất niên. Thử hết một lượt các món nướng trong quán thì cũng coi như xong bữa, vào nhà hàng Pháp chỉ còn biết chống mắt ngồi nhìn món súp kem thơm ngậy và món gà tây quay béo ụ. […]

Di Li/ Thái Hà Books

SÁCH HAY