Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ấn Độ ‘vỡ trận’ và thế khó của Mỹ

Chính quyền Mỹ phải hứng chịu vô số lời chỉ trích khi chậm trễ trong việc quyết định hỗ trợ cho Ấn Độ, đằng sau đó là hai lời hứa đối nội và đối ngoại của ông Biden.

My cham tre giup do An Do anh 1

Sau một thời gian im lặng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẽ đồng hành cùng Ấn Độ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19.

Thông báo sớm xuất khẩu hàng chục triệu liều vaccine AstraZeneca cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden. Tuy nhiên, nó cũng là cột mốc đánh dấu kế hoạch ngoại giao đại dịch được xây dựng cẩn thận của chính quyền Mỹ đã sụp đổ, theo bài viết trên The Atlantic.

My cham tre giup do An Do anh 2

Một phụ nữ được đưa đi cấp cứu do gặp vấn đề hô hấp. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch lý tưởng

Rõ ràng chính sách đối ngoại của Mỹ thời Joe Biden mong muốn giúp đỡ Ấn Độ và toàn cầu trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Điều này trái ngược với chính sách cô lập của chính quyền Trump, khi người ta không thể tìm thấy sự lãnh đạo của Mỹ đối phó với giai đoạn đầu của đại dịch.

Tuy nhiên, ở trong nước, điều được ưu tiên hơn cả là người dân nước Mỹ phải đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trước khi nước này gửi bất kỳ loại vaccine hay nguyên liệu nào ra nước ngoài. Ông Biden muốn chứng minh với người dân Mỹ rằng chính quyền của ông sẽ tập trung vào việc chống lại đại dịch ở trong nước.

My cham tre giup do An Do anh 3

Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu lần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.

Một khi chương trình tiêm chủng trong nước đã hoàn thành, chính quyền Mỹ sẽ lật ngược chính sách và bắt đầu cung cấp vaccine và nguyên liệu cho toàn thế giới. Điều này sẽ đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu trong việc ứng phó đại dịch.

Cho tới khi đó, Tổng thống Biden vẫn sẽ giữ nguyên lệnh cấm xuất khẩu vaccine và nguyên liệu của người tiền nhiệm Donald Trump.

Khi được báo chí hỏi về các hạn chế xuất khẩu, chính quyền Mỹ luôn cho rằng chính sách này phù hợp với tình hình hiện tại. Thế giới sẽ hưởng lợi một khi chiến dịch tiêm chủng của Mỹ thành công. Tất cả đồng minh và các tổ chức đa phương đều muốn Biden thành công. Họ chỉ kêu gọi chính quyền ông hạn chế chủ nghĩa bảo hộ nhưng không gây sức ép quá lớn.

Đầu tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bổ nhiệm Gayle Smith đứng đầu các nỗ lực ngoại giao vaccine của chính quyền. Ông Smith từng là giám đốc của USAID và được đánh giá rất cao.

Tổng thống Biden cũng công bố “Hiệp định Đối tác Vaccine” của nhóm Bộ Tứ. Ông đã hứa sẽ tài trợ, sản xuất và cung cấp 1 tỷ liều vaccine cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cuối năm 2022. Việc sản xuất tập trung ở Ấn Độ, đối tác quan trọng mà Mỹ tìm kiếm ở khu vực này không chỉ trên bình diện y tế cộng đồng.

Tất cả đều đã diễn ra theo kế hoạch. Thời điểm chính quyền Mỹ hủy bỏ lệnh cấm sẽ đến trước khi hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu vào ngày 11/6. Điều này sẽ giúp tổng thống Mỹ có hành động và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với các nhà lãnh đạo quốc gia khác.

Kế hoạch của ông Biden rất hợp lý và có thể đã hiệu quả nếu tương lai thế giới diễn ra giống như chính quyền của ông tưởng tượng.

Cú "sảy chân" bất ngờ

Đến giữa tháng 4, các trường hợp nhiễm Covid-19 của Ấn Độ đã tăng theo cấp số nhân. Tình trạng của Ấn Độ càng ngày càng tồi tệ khi xuất hiện biển chủng "đột biến kép", vừa lây lan mạnh vừa gây triệu chứng nặng.

Trong lúc dịch đang đạt đỉnh, người dân Ấn Độ vẫn không tuân theo quy định. Hàng nghìn người tập trung tại các sự kiện chính trị và tôn giáo, biến các sự kiện này thành ổ dịch siêu lây lan.

Thảm kịch này hoàn toàn thay đổi bối cảnh kế hoạch của tổng thống Biden.

Ngày 16/4, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), đã đăng trên Twitter của mình: “Nếu chúng ta thực sự đoàn kết trong việc đánh bại Covid-19, thay mặt cho ngành công nghiệp vaccine bên ngoài Mỹ, tôi khiêm tốn yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine”.

Vấn đề không hoàn toàn như Poonawalla mô tả. Các nguyên liệu thô mà ông yêu cầu phần lớn là cho vaccine Novavax vốn sẽ được bắt đầu phân phối vào tháng 10. Tuy nhiên, tweet của Poonawalla có ảnh hưởng lớn đến công chúng.

Một tuần sau đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 của Ấn Độ đã lên đến mức kinh hoàng. Số ca bệnh mới hàng ngày vượt quá 300.000 ca, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập ở Mỹ. Các bệnh viện lâm vào tình trạng thiếu oxy trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Nhiều chính phủ đã đề nghị giúp đỡ, bao gồm cả những đối thủ địa chính trị của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan. Chính quyền Biden lại chọn im lặng một cách kỳ lạ.

Ngày 19/4, Ned Price, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết chính quyền có “trách nhiệm đặc biệt đối với người dân Mỹ”, những người đã “bị ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”. Việc người Mỹ được tiêm chủng sẽ đem lại lợi ích cho toàn thế giới.

Price chỉ nhắc lại những gì mà chính quyền đã Mỹ nói trong nhiều tháng trước đó. Tuy nhiên, tại thời điểm phát ngôn, vấn đề Covid-19 của Mỹ lại đang được cải thiện và tình trạng của Ấn Độ đang vượt quá tầm kiểm soát.

Lời nói của ông nhanh chóng gây nên một làn sóng chỉ trích và phản đối mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông của Ấn Độ. Những người duy nhất không phản đối chính là lãnh đạo Ấn Độ. Họ hiểu những ràng buộc chính trị mà chính quyền ông Biden đang chịu.

My cham tre giup do An Do anh 4

Tang lễ của một người Ấn Độ theo Thiên chúa giáo. Ảnh: Reuters.

Công chúng không mấy kiên nhẫn với những hạn chế chính trị của một chính phủ khác. Một quan chức Ấn Độ nói với tờ Wall Street Journal rằng: “Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là phản ứng chậm chạp của Mỹ. Điều này tạo ra một số nghi ngờ trong dư luận và đôi khi khiến mọi vấn đề bị phức tạp hóa”.

Sự thất vọng đó còn tăng thêm bởi thực tế là ngay từ đầu, phần lớn giới thượng lưu của Ấn Độ không mấy thiện cảm với chính quyền ông Biden. Người Ấn Độ luôn nhớ rằng Trump đã gửi máy thở đến Ấn Độ, còn Biden thì không.

Chính quyền Biden đã đặt hợp tác với Ấn Độ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình trạng khó khăn tại Ấn Độ đã khiến quan hệ hai nước gặp khủng hoảng trầm trọng.

Các đại sứ quán Trung Quốc đã đăng tải lên mạng xã hội chi tiết về sự hỗ trợ cho Ấn Độ, bao gồm cả việc cung cấp máy tạo oxy. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải những câu chuyện đổ lỗi cho Mỹ về tình trạng khó khăn của Ấn Độ. Chính quyền Trung Quốc cũng hả hê về việc Mỹ không hành động sẽ ảnh hưởng đến dư luận Ấn Độ như thế nào. Bắc Kinh rõ ràng hy vọng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng chính sách châu Á của ông Biden.

Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của ông Biden lo ngại rằng việc Mỹ vắng mặt trong khoảnh khắc cần thiết của Ấn Độ sẽ khiến nước này đánh giá Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy.

Sự hối lỗi muộn màng

Tối muộn 22/4, chính quyền Mỹ thông báo bắt đầu tiến trình giúp đỡ Ấn Độ. Ngoại trưởng Blinken đã đăng tải một thông điệp đoàn kết với người dân Ấn Độ “giữa đợt bùng phát Covid-19 kinh hoàng” và hứa sẽ hỗ trợ thêm trong cuộc chiến chống lại virus.

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã liên hệ với người đồng cấp Ấn Độ vào ngày 23/4. Sau đó, ông thông báo một số bước cụ thể để giúp đỡ Ấn Độ, bao gồm cả việc gửi nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất vaccine.

Tổng thống Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, Giám đốc USAID Samantha Power và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đều thể hiện sự đồng cảm với Ấn Độ.

My cham tre giup do An Do anh 5

Một người được tiêm vaccine Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Ảnh: Reuters.

Sai lầm của chính quyền Mỹ không phải là vấn đề ưu tiên chương trình vaccine trong nước, mà là do không điều chỉnh được kế hoạch trước thời hạn do hoàn cảnh thay đổi.

Giờ đây, Nhà Trắng dường như hoàn toàn hiểu được điều này, mặc dù muộn màng. Nhận thức này giải thích tại sao có sự gắn bó sâu sắc của chính quyền Mỹ với cuộc khủng hoảng Ấn Độ trong thời gian tới.

Sự chậm trễ khó có thể quên nhưng có thể được tha thứ. Một bài xã luận trên Hindustan Times đánh giá rằng: “Vào lúc túng quẫn, bạn bè quan trọng. Thật đáng thất vọng khi một người bạn không tiếp cận và giúp đỡ, thậm chí có thể khiến bạn thêm đau khổ.”

“Khi Ấn Độ hứng chịu làn sóng thứ hai, đây là điều đã xảy ra với Mỹ. Tin tốt là chính quyền Joe Biden đã lắng nghe và phản hồi”.

Chính quyền Biden sẽ còn phải đối mặt với nhiều tình huống khó xử nữa liên quan đến chính sách ngoại giao Covid-19 của mình. Một trong những khó khăn nhất là liệu có nên xuất khẩu lượng vaccine thừa hay không.

Mỹ có hơn 100 triệu liều vaccine AstraZeneca chưa sử dụng. Cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ vẫn chưa phê duyệt sử dụng loại vaccine này. Tuy nhiên, Washington vẫn cần quyết định nên phân phối cho các nước đồng minh hay cung cấp cho chương trình Covax.

Nhiều phía cũng đang tạo áp lực lên chính quyền Mỹ, buộc nước này từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho phép các quốc gia khác tự sản xuất vaccine. Ngành công nghiệp dược phẩm Mỹ khẳng định rằng việc từ bỏ như vậy sẽ phản tác dụng và có thể vô tình phá hủy nỗ lực sản xuất trên toàn cầu.

The Atlantic cho rằng chính quyền Mỹ không nên đợi đến hội nghị thượng đỉnh G7 để đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc tế. Tổng thống Biden nên yêu cầu Thủ tướng Italy Mario Draghi triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của G20 để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu.

Điểm mạnh của G20 là bao gồm các nước ngoài phương Tây, nhưng cũng có đầy đủ các đối thủ địa chính trị của Mỹ. Ông Biden sẽ thấy G7 dễ chịu hơn nhưng hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là cơ hội để thể hiện tình đoàn kết với các nước đang phát triển.

Những người hành động nhanh nhất đã vượt xa những người giỏi nhất. Sau khi nhận phải hậu quả thảm khốc do sự chậm trễ, Mỹ biết quá rõ điều này, The Atlantic bình luận. Chính quyền Biden đã cam kết làm mọi thứ có thể để giúp Ấn Độ. Chắc chắn rằng, Mỹ sẽ phải sẵn sàng hành động nhanh chóng và tự tin trong thời gian tới để phản ứng với các trường hợp khẩn cấp và lấy lại vị trí dẫn đầu thế giới.

Trầm cảm và chết chóc bao trùm showbiz Ấn Độ

Giới giải trí Ấn Độ đang phải trải qua thời kỳ đen tối với thông tin về dịch bệnh và chết chóc.

Nhân viên hỏa táng ở Ấn Độ chỉ được ngủ 2 giờ mỗi đêm

Jitender Signh Shunty, người cung cấp dịch vụ y tế phi lợi nhuận, đau lòng khi chứng kiến nhiều thi thể trẻ em, phụ nữ trong quá trình làm việc ở lò hỏa táng.

Tuấn Đạt

Bạn có thể quan tâm