Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ ủng hộ Philippines về vấn đề Biển Đông

Ấn Độ hôm 14/10 thể hiện tán đồng với Philippines trong tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời muốn các bên giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và người đồng cấp Philippines Albert Del Rosario đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban hỗ hợp song phương lần thứ 3 (IPJC-3) hôm 14/10.

Tại cuộc họp, bà Swaraj ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp tại Biển Đông.

Lập trường của Ấn Độ ngụ ý ủng hộ về mặt ngoại giao trước quyết định của Philippines khi kiện những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc hồi đầu năm 2013 ra Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan). Manila kiên quyết theo đuổi vụ kiện cho dù Bắc Kinh tẩy chay.

PCA nhiều khả năng sẽ đưa ra phán quyết trong tháng này. Thậm chí nếu Trung Quốc vẫn phớt lờ phán quyết bất lợi cho mình, họ sẽ bị mất mặt. Nhiều người hy vọng việc này sẽ buộc Bắc Kinh giảm bớt việc tăng cường quân sự gần đây ở Biển Đông.

Tại cuộc họp, hai ngoại trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời hạn chế các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Ngoại trưởng Ấn Độ và Philippines cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Như phần lớn cộng đồng quốc tế, Manila cho rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm UNCLOS năm 1982. Bắc Kinh lý lẽ rằng UNCLOS không áp dụng cho các tranh chấp ở Biển Đông mặc dù họ sử dụng luật này để đưa ra tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Philippines tố Trung Quốc theo đuổi ADIZ ở Biển Đông

Một thẩm phán của Philippines cho rằng, Trung Quốc đang áp đặt Vùng nhận dạng Phòng không ở Trường Sa khi mọi máy bay của Manila di chuyển qua khu vực đều bị Bắc Kinh xua đuổi.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm