Tàu sân bay USS Thedore Roosevelt hoạt động ở Biển Đông cuối tháng 10/2015. Ảnh: US Navy |
Ngày 10/2, Reuters đăng một thông tin độc quyền gây sự chú ý của dư luận quốc tế khi cho biết Hải quân Mỹ và Ấn Độ đang cân nhắc tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Thông tin được đưa ra một năm sau chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Ấn Độ vào đầu năm 2015. Khi đó, ông Obama và Thủ tướng Narendra Modi đã đồng thuận về việc “xác định những lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác hàng hải” và “bảo đảm tự do lưu thông” trên Biển Đông. Hai ông cũng từng bày tỏ mối quan ngại chung về “những căng thẳng gia tăng do tranh chấp hàng hải” trong khu vực.
Chính sách Biển Đông của Ấn Độ
Theo trang The Diplomat, các mối quan hệ chiến lược và quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đang trên đường phát triển ổn định trong thập kỷ qua. Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm chung của hai nước. Ấn Độ cũng đang theo đuổi chính sách Hướng Đông, các hành động ngoại giao tích cực với ASEAN.
Hơn nữa, tài liệu về Chiến lược An ninh Hàng hải năm 2015 của Ấn Độ cùng với Học thuyết Hàng hải 2009 đã xác định Biển Đông là "vùng lợi ích thứ cấp" đối với Hải quân Ấn Độ. Ấn Độ cũng đang có nhiều dự án hợp tác về dầu khí ở Biển Đông.
Các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ và Ấn Độ nhanh chóng lên tiếng phủ nhận bản tin của Reuters. Nếu một cuộc tuần tra chung thực sự được xúc tiến, nó có thể diễn ra vào cuối năm nay, tại Ấn Độ Dương và tại Biển Đông.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, Hải quân Ấn Độ chưa từng thực hiện cuộc tuần tra chung với một quốc gia khác. Nước này chủ yếu tham gia những chiến dịch đa phương bên ngoài các khu vực lân cận do Liên Hợp Quốc dẫn đầu.
Cựu ngoại trưởng Ấn Độ bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tuần tra chung với Mỹ. “Đến nay, hoạt động của tàu thuyền Ấn Độ trong khu vực này chưa vấp phải sự cố nào, trừ phi một hành vi khiêu khích cố ý diễn ra. Do vậy, Ấn Độ chưa cần phải tham gia tuần tra chung như vậy. Những hệ quả của việc này có thể rất lớn”, ông Sibal nói với trang Quartz.
Dẫu vậy, thông tin về việc Mỹ - Ấn thảo luận tiến hành tuần tra chung cho thấy vai trò của Ấn Độ trong nỗ lực của Mỹ vận động đối tác và đồng minh cùng tham gia thách thức tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington muốn các đồng minh trong khu vực và các quốc gia châu Á khác có lập trường thống nhất hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi chia sẻ sự lo ngại chung về tình hình Biển Đông. Ảnh: TOI |
Theo Channel News Asia, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc Harry Harris, tư lệnh PACOM, hoan nghênh một cuộc tuần tra chung với Hải quân Ấn Độ trên Biển Đông. “Chính sách tái cân bằng hướng về châu Á của Mỹ và chính sách Hướng Đông của Ấn Độ đã gặp nhau ở Biển Đông. Đây là điều tích cực. Ấn Độ có lợi ích ở khu vực này và họ sẽ theo dõi cũng như chia sẻ những lo ngại về tình hình Biển Đông”, đô đốc Harris nói ngày 11/2.
Gửi thông điệp đến Trung Quốc
Phản ứng trước khả năng Mỹ - Ấn tuần tra chung, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/2 cảnh báo rằng sự can thiệp của những quốc gia bên ngoài khu vực sẽ gây bất ổn.
“Mọi sự hợp tác giữa các nước không nên nhắm trực tiếp vào một bên thứ 3. Các nước bên ngoài phải chấm dứt việc thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông, ngừng những hành động dưới danh nghĩa ‘tự do hàng hải’ nhưng gây nguy hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực”, người phát ngôn Hồng Lỗi nói.
Tiến sĩ Denny Roy, nghiên cứu viên tại Trung tâm East-West (Mỹ), cũng nhận định việc Mỹ - Ấn cùng tuần tra ở Biển Đông chắc chắn khiến Bắc Kinh tức giận. “Tuy nhiên, việc gửi tín hiệu đến Trung Quốc, rằng những hành động của nước này đang gây căng thẳng và sẽ vấp phải phản ứng của những nước khác, là điều cần thiết”, ông Roy nói với Channel News Asia.
Một số nhà phân tích khác cho rằng tuần tra chung biểu hiện động thái quyết liệt hơn của New Delhi. Sameer Patil, nhà nghiên cứu tại Viện Gateway (Mumbai, Ấn Độ) nói: “Tôi nghĩ Ấn Độ đang ngày càng rõ ràng hơn về chính sách đối ngoại của mình. Trước đây, Ấn Độ chưa bao giờ đề cập đến những mối quan ngại song phương trong văn bản, nhưng họ đã thể hiện điều này trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ vừa qua. Một quyết định tuần tra chung sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc”.
Đồng tình với nhận định trên, Manoj Joshi, chuyên gia tại Observer Research Foundation (New Delhi), nói “Ấn Độ có thể muốn nhắc nhở Trung Quốc rằng ‘Đừng đánh giá thấp chúng tôi’ hoặc Bắc Kinh không nên nghĩ New Delhi sẽ không có phản ứng nào”.
Thông tin về khả năng tuần tra chung cho thấy sự điều chỉnh lại về chính sách đối ngoại của Ấn Độ. “Ấn Độ rõ ràng đang xích lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản. Điều này cũng thể hiện rằng Ấn Độ không trông đợi quá nhiều từ Trung Quốc, dù là hợp tác giải quyết tranh chấp biên giới ở đất liền hay đầu tư kinh tế”, ông Joshi nhận định trên trang Quartz.