Trong một đoạn video viral, Apollos Kent đi chân trần, cởi trần và liên tục vớt ốc từ một ruộng lúa đầy bùn. Anh nấu ốc trên lửa trại với các nguyên liệu địa phương bao gồm ớt ma và cải bẹ xanh.
Sau đó, anh ăn với tiếng húp xì xụp ồn ào, liếm ngón tay một cách thích thú và lầm bầm tán thưởng. Video có gần 4 triệu lượt xem trên YouTube.
Kent, một nông dân 34 tuổi, là một trong những YouTuber nổi tiếng nhất đến từ bang Nagaland, vùng đông bắc Ấn Độ, chuyên làm video mukbang. Có nguồn gốc từ Hàn Quốc, loại video này quay cảnh một người ăn trực tiếp trước camera và tương tác với khán giả qua các nền tảng trực tuyến. Từ "mukbang" xuất phát từ hai từ tiếng Hàn là "muk-ja" (ăn) và "bang-song" (phát sóng).
Gần đây, mukbang đã bị chỉ trích vì cổ súy thói quen ăn uống không lành mạnh và lãng phí thực phẩm. Nhưng Kent cho biết anh làm những video này để giới thiệu một nền văn hóa ẩm thực độc đáo, thường bị rập khuôn là “bẩn” và “bốc mùi”.
Mukbang không có nghĩa là ăn nhiều
“Video của tôi không phải tập trung vào việc ăn một lượng lớn thức ăn. Văn hóa của chúng tôi rất đa dạng: chúng tôi ăn châu chấu, ăn ếch, ăn ốc. Và tôi muốn cho thế giới thấy điều đó”, Kent nói với Rest of World.
Phía đông bắc Ấn Độ có 8 bang và là nơi sinh sống của nhiều bộ lạc và sắc tộc khác nhau. Mỗi bộ tộc đều có sự khác biệt về văn hóa với nhau và với phần còn lại của đất nước. Đối với các YouTuber địa phương như Kent, video mukbang cho phép họ khẳng định danh tính, đồng thời đẩy lùi những định kiến về ẩm thực đã cô lập họ ngay trong chính quốc gia của mình.
Mukbang là “phương tiện để những người sáng tạo nội dung phá vỡ định kiến như 'người ở đây chỉ ăn côn trùng. Những thay đổi này là nhờ người dân ngày càng dễ dàng truy cập Internet và sử dụng smartphone giá rẻ”, Otojit Kshetrimayum, nhà xã hội học tại tại Viện Lao động Quốc gia VV Giri, nói với Rest of World.
Apollos Kent chuẩn bị bữa ăn với ớt Naga King để thực hiện video mukbang - loại video ăn nhiều đồ ăn trước ống kính của Hàn Quốc. Ảnh: Rest of World. |
Theo dữ liệu từ Google Trends, các thành phố phía đông bắc như Dimapur, Kohima, Imphal và Aizawl là nơi có nhiều tìm kiếm từ khóa “mukbang” hơn bất kỳ nơi nào khác ở Ấn Độ.
Thực phẩm thường là tiêu chuẩn để phân biệt đối xử với người Đông Bắc Ấn Độ. Năm 2007, Cảnh sát Delhi đã in một cuốn sổ tay yêu cầu họ hạn chế “nấu akhuni (đậu nành lên men) và các thực phẩm lên men khác có mùi”. Năm ngoái, hai người đàn ông đến từ Nagaland đã bị hành hung vì bán đồ ăn “đông bắc” ở Ahmedabad. Chủ nhà ở các thành phố lớn của Ấn Độ thường không cho người dân trong vùng thuê nhà vì đồ ăn “bốc mùi” mà họ nấu.
Khi Snigdha - một người sáng tạo nội dung YouTube ở Meghalaya - đang làm việc ở Bengaluru, cô thường được hỏi liệu người dân quê cô có ăn gián không. Giờ đây, cô làm các video trên YouTube về các công thức nấu ăn với nhiều món ăn vùng Đông Bắc Ấn Độ.
“Có rất nhiều hiểu lầm về thói quen ăn uống của chúng tôi. Có lẽ đôi khi chúng ta không nên cảm thấy bị xúc phạm mà nên thay đổi quan điểm của họ dần dần”, cô nói.
Người chuyên mukbang phá vỡ kỳ thị
YouTuber và nông dân Shawalo Seb, sống ở Nagaland, đã chạy theo xu hướng mukbang bằng cách ăn 30 quả trứng luộc trong video đầu tiên của mình. Nhưng anh ấy nhanh chóng nhận ra rằng nền văn hóa của mình có “nhiều điều đặc biệt hơn để thể hiện”. Giờ đây, anh ấy tạo video về ẩm thực địa phương của người Naga.
Cụ thể, anh ấy làm video mình chuẩn bị honkerü marü, một loại tương ớt được làm từ lá mù tạt khô lên men, tỏi rừng, ớt và cà chua. “Nó đã trở thành món ăn đặc trưng của chúng tôi", Shawalo nói.
Kent đã mua một chiếc tủ lạnh, một chiếc xe đạp và một chiếc ô tô cho vợ và 3 con trai từ số tiền kiếm được từ YouTube.
“Mọi người biết rất nhiều về thịt gà và thịt cừu. Nhưng tôi muốn chứng minh rằng chúng ta cũng ăn nhiều rau xanh”, Bitul Chakma, người thực hiện video mukbang về trái cây và rau dại ở Arunachal Pradesh, nói với Rest of World. Trong nhiều video của mình, Chakma đi tìm nấm dại trong rừng và nấu chúng.
Nhiều người chuyên mukbang ở vùng Đông Bắc cũng làm video nấu ăn hoặc tìm kiếm các nguyên liệu như trứng từ tổ kiến đỏ, cua bùn hoặc ve sầu. Theo Dolly Kikon, giáo sư khoa nhân chủng học tại Đại học California, điều này thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa các cộng đồng bộ lạc, đất đai và tài nguyên thiên nhiên của họ.
Nhiều người làm video ở vùng đông bắc Ấn Độ gặp khó khăn do kết nối Internet kém. Đối với Kent, nơi đăng video tốt nhất chính là chậu hoa bên ngoài bếp. Ảnh: Rest of World. |
“Trong những video này, quá trình món ăn đi từ thiên nhiên đến bàn ăn đều được nhấn mạnh. Họ muốn khẳng định về tính bản địa, yếu tố sinh thái qua video. Không lâu nữa, họ sẽ có thể đưa toàn bộ khung cảnh vào và kể câu chuyện của riêng họ”, Kikon nói với Rest of World.
Ngoài video về ốc sên, Kent còn đăng tải video anh nấu và ăn các món ăn địa phương như thịt lợn hun khói với đậu nành lên men, tương ớt trứng cua. Nói về kỹ năng nấu nướng của mình, Kent chia sẻ: “Tôi không kém gì một đầu bếp bậc thầy.
Kent không tiết lộ số tiền anh kiếm được từ các video của mình nhưng cho biết số tiền đó đủ để anh mua một chiếc tủ lạnh, một chiếc xe đạp và một chiếc ôtô. Đây đều là những thứ mà anh coi là xa xỉ trước khi kênh YouTube thành công. Seb cho biết anh kiếm được khoảng 12.000 rupee (144 USD) mỗi tháng, đủ để mua tã và quần áo cho con.
Mặc dù Internet đã giúp họ trở thành người nổi tiếng, nhiều người sáng tạo nội dung vẫn liên tục gặp khó khăn với kết nối kém và tốc độ chậm.
Trước khi cây phát sóng được xây dựng tại ngôi làng hẻo lánh ở Arunachal Pradesh 5 năm trước, Chakma đã đi bộ gần 7 km đến một ngôi làng khác có mạng Internet tốt hơn để tải video của mình lên.
Với Kent, anh đã tìm ra vị trí tốt nhất để tải video lên - đặt điện thoại trên chậu hoa bên ngoài bếp. Trong khi đó, Seb thường đi bộ 5 km đến một ngôi làng khác để sạc thiết bị của mình khi mất điện.
Giống như những người làm sáng tạo nội dung khác, những YouTuber mukbang này phải đối mặt với những lời đùa cợt và kỳ thị. Trong một video của Kent, một người bình luận nói “đừng ăn thịt người nữa”. Kent đã xóa bình luận ngay lập tức nhưng vẫn cảm thấy rất buồn.
“Đây là những gì tôi ăn và đây là cách tôi sống”, anh nói. Anh ấy không nản lòng và vẫn tiếp tục đăng tải nhiều loại mukbang với châu chấu giòn, tằm cay và nhện chiên.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.