Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã cho xuất khẩu vaccine trở lại sau khi việc này phải ngưng trệ vì dịch bùng phát trong nước hồi tháng 4, Reuters cho biết. Ấn Độ đã gửi 4 triệu liều vaccine đến các nước láng giềng như Bangladesh, Iran, nhưng không gửi cho COVAX. Nhiều nước châu Phi phụ thuộc vào COVAX như nguồn cung vaccine chính.
Ngày 18/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong những tổ chức hậu thuẫn COVAX, nói rằng họ không thể "đi tắt" trong việc phê chuẩn cho Covaxin, loại vaccine do Ấn Độ phát triển. Cuộc họp về Covaxin sẽ diễn ra ngày 26/10.
Một người phụ nữ được tiêm Covishield (AstraZeneca) tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Một trong các nguồn tin của Reuters nói rằng WHO "phát điên" vì Ấn Độ chưa xác nhận giao hàng cho COVAX, dù tháng trước bộ trưởng Y tế nước này hứa sẽ đáp ứng cam kết với COVAX và các nước trong quý IV/2021.
"Chúng tôi vẫn đang chờ xác nhận về thời gian và cách thức để nối lại xuất khẩu, và chúng tôi không biết về sự chậm trễ nào", GAVI - Liên minh Vaccine và Miễn dịch Toàn cầu, một trong những tổ chức đứng sau COVAX - cho biết.
Bộ Y tế Ấn Độ, WHO và Viện Serum Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - từ chối bình luận thông tin trên của Reuters.
Các quan chức Ấn Độ đã tự tin rằng WHO sẽ sớm phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine Covaxin. Loại này chiếm 11% trong số 990 triệu liều vaccine đã được tiêm ở Ấn Độ. Số còn lại là vaccine AstraZeneca.
Trước khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước, họ đã bán hoặc quyên góp 66 triệu liều vaccine cho thế giới, trong đó có Covaxin.