Kiren Rijiju, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về cộng đồng thiểu số của Ấn Độ, cũng là nhà lập pháp đến từ bang biên giới Arunachal Pradesh, cho biết đường dây nóng quân sự nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới đã được kích hoạt.
"Quân đội Ấn Độ đã gửi tin nhắn qua đường dây nóng tới phía đối tác PLA tại chốt biên giới ở Arunachal Pradesh. Chúng tôi đang chờ phản hồi", ông cho biết trên Twitter hôm 6/9.
Xe quân sự Ấn Độ trên tuyến đường Srinagar - Ladakh hôm 1/9. Ảnh: AP. |
Cảnh sát ở bang đông bắc Ấn Độ nói với truyền thông địa phương rằng họ đang điều tra tuyên bố người thân của một trong 5 người đàn ông này đưa ra trên Facebook, rằng quân đội Trung Quốc đã bắt cóc họ.
Tờ Arunachal Times hôm 5/9 đưa tin những người đàn ông này bị bắt khi đang đi săn, và vẫn chưa lập tức rõ họ có thể mất tích từ lúc nào.
Mối quan hệ giữa hai nước lớn châu Á đã trở nên xấu đi kể từ vụ đụng độ ở khu vực Ladakh vào ngày 15/6, trong đó 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Cáo buộc bắt cóc được nêu ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa gặp nhau bên lề một hội nghị quốc tế ở Moscow, theo AFP.
Ông Singh cho biết họ đã trao đổi "thẳng thắn" về biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya và căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới vào cuối ngày 4/9.
Hai bên đã đưa ra các tuyên bố trái ngược nhau, cáo buộc bên còn lại làm gia tăng căng thẳng.
Kể từ sau vụ đụng độ chết người hồi tháng 6, Ấn Độ đã tăng cường áp lực kinh tế bằng cách cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc, chặn sản phẩm Trung Quốc tại cảng và ngăn các công ty của họ đấu thầu.
Ấn Độ và Trung Quốc từng gây chiến vào năm 1962 tại Arunachal Pradesh, vùng biên giới quan trọng về mặt chiến lược, và quân đội Trung Quốc tạm thời chiếm giữ một phần khu vực này.
Tranh chấp vẫn chưa được giải quyết. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90.000 km2 diện tích khu vực, tức gần như toàn bộ Arunachal Pradesh.