Theo Reuters, Thủ tướng Narendra Modi đã yêu cầu Liên doanh BrahMos Aerospace đẩy nhanh tiến bộ bán hàng cho danh sách 5 quốc gia, trong đó có Indonesia, Nam Phi, Chile... Danh sách thứ hai gồm 11 quốc gia khác, trong đó có Philippines, Malaysia, Thái Lan... những nước "bày tỏ mối quan tâm nhưng cần thảo luận và phân tích kỹ hơn".
Một nguồn tin am hiểu vấn đề này cho biết thông tin trên được ban hành hồi đầu năm nay.
Trong khi đó, BrahMos Aerospace cho biết họ đã thảo luận với các nước, nhưng vẫn còn quá sớm để thông báo cụ thể. "Đàm phán đang diễn ra và sẽ có một thoả thuận", người phát ngôn Praveen Pathak nói.
Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos của Ấn Độ. Ảnh: Press Trust of India |
Giới chuyên gia nhận định động thái trên của Ấn Độ phản ánh mối quan ngại của nước này trước các hành động quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc.
Ấn Độ không phải một bên trong tranh chấp trên Biển Đông, nhưng có biên giới đất liền chưa ổn định với Trung Quốc. Trong những năm gần đây, sự hiện diện của quốc gia láng giềng trên Ấn Độ Dương đang làm gia tăng mối lo ngại. Việc Trung Quốc viện trợ quân sự cho Pakistan và tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka đã khiến Ấn Độ tức giận.
Các nhà lập pháp của Ấn Độ từ lâu cho rằng hợp tác quốc phòng với Mỹ và một số nước có thể kéo theo phản ứng không mong muốn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi và các cố vấn kết luận, mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Mỹ hay Nhật Bản sẽ thực sự giúp Ấn Độ có vị thế hơn trong các vấn đề với Trung Quốc.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu tên lửa diễn ra sau hàng thập kỷ Ấn Độ bị cô lập vì chương tình vũ khí hạt nhân. New Delhi mới được đồng ý gia nhập Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR), sau các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Barack Obama.
Gia nhập MCTR cũng có thể mở rộng khả năng Ấn Độ tham gia Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), vốn gặp nhiều khó khăn vì sự cản trở của Trung Quốc. Cả hai tổ chức này đều có thể giúp Ấn Độ tiếp cận nghiên cứu và công nghệ.