Chính phủ Ấn Độ nêu các lý do an ninh quốc gia làm cơ sở cho việc ngăn chặn hàng chục ứng dụng của Trung Quốc.
Lệnh cấm được ban hành trong bối cảnh căng thẳng Ấn - Trung leo thang nghiêm trọng trong nhiều thập niên vì xung đột quân sự ở vùng biên giới. Những vụ đụng độ cách đây hai tuần khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều binh lính Trung Quốc bị thương.
Một người dân Ấn Độ ở Hyderabad quay video để đăng Tiktok. Ảnh: Getty. |
“Những ứng dụng của Trung Quốc đánh cắp và lén truyền tải dữ liệu người dùng trái phép tới những máy chủ đặt ở ngoài Ấn Độ. Bản chất việc tổng hợp và khai thác những dữ liệu này đe doạ đến an ninh quốc gia và quốc phòng Ấn Độ, từ đó đe doạ đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ấn Độ, là vấn đề rất nghiêm trọng đòi hỏi biện pháp đối phó khẩn cấp”, thông báo của Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ ngày 29/6 cho biết.
Những công ty viễn thông và các dịch vụ mạng xã hội từ lâu đã để mắt đến tiềm năng của thị trường khổng lồ tại Ấn Độ. Khoảng một nửa trong tổng dân số 1,3 tỷ người ở Ấn Độ có kết nối internet, theo báo New York Times. Khoảng một phần ba người dùng Tiktok toàn cầu là tại Ấn Độ.
Chính phủ Trung Quốc và công ty Tiktok chưa đưa ra bình luận trước động thái của Ấn Độ.
Giới phân tích an ninh mạng Ấn Độ liên tục cảnh báo nguy cơ việc sử dụng các ứng dụng do Trung Quốc phát triển, cho rằng các công ty viễn thông Trung Quốc đang hỗ trợ thu thập tình báo.
“Quan ngại của Ấn Độ không phải là chuyện bé xé ra to mà là có cơ sở. Tôi không cho rằng Bắc Kinh đứng đằng sau việc vận hành tất cả những ứng dụng này, nhưng họ có thể đạt thoả thuận nào đó với những công ty phát triển. Điều này rất dễ thực hiện vì luật pháp Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty phải hợp tác với chính quyền”, Christopher Ahlberg, chuyên gia an ninh mạng ở Massachusetts (Mỹ), nói trên New York Times.
Brahma Chellaney, cựu cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ, cũng cho rằng những công ty công nghệ và phát triển ứng dụng di động là cánh tay nối dài của chính quyền Trung Quốc. “Những công ty này đặt ra nguy cơ về an ninh quốc gia”.
Trước đó không lâu, Ấn Độ cũng yêu cầu hai công ty viễn thông quốc gia ngưng sử dụng thiết bị do công ty Trung Quốc sản xuất, mà chuyển sang tìm nhà cung cấp trong nước.