Trong 2 ngày cuối tuần 16-17/8, hàng nghìn phụ huynh ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã đưa con lên Hà Nội khám sau khi 19 trường trên địa bàn bị phát hiện dùng thịt lợn nhiễm sán cho bữa ăn của học sinh. Đến hết ngày 17/3, đã có 209 em dương tính với sán lợn, và con số cuối cùng vẫn chưa rõ.
Ấn Độ cũng đã chứng kiến những vụ việc trong đó nhiều người bị ngộ độc thực phẩm, thậm chí tử vong, trong nhiều năm qua. Trong đó có những vụ ảnh hưởng đến trẻ em.
Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra năm 2013 khiến 23 trẻ tử vong, sau khi ăn đồ ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu. Trong vụ này, các em tuổi từ 5-12 đã đổ bệnh chỉ vài phút sau khi ăn bữa cơm và rau sốt cà ri ở trường. Một số em đã chết ngay lập tức, một số khác chết khi tới bệnh viện. Hiệu trưởng đã bị cảnh sát bắt giữ sau một tuần, theo Guardian.
Học sinh Ấn Độ ăn bữa trưa miễn phí ở một trường tiểu học. Ảnh: Reuters. |
Guardian đưa tin nguyên nhân trực tiếp là bữa ăn này bị nhiễm monocrotophos, loại thuốc trừ sâu có khả năng tấn công các dây thần kinh và bị cấm ở nhiều nước. New York Times vào năm 2018 cho biết thêm hộp đựng dầu ăn trong vụ này trước đó đã dùng để đựng thuốc trừ sâu.
Nhưng ngoài ra, chương trình bữa trưa miễn phí cho học sinh ở Ấn Độ cũng bị cho là đầy tham nhũng và lãng phí. Các vụ ngộ độc xảy ra thường xuyên, dù số vụ nghiêm trong đến mức trên không nhiều, báo Guardian bình luận trong một bài viết năm 2013.
Cũng giống như vụ việc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, các bữa ăn cho học sinh ở Ấn Độ thường do các bên thứ 3 cung cấp. Nhiều công ty dùng nguyên liệu kém chất lượng và hối lộ để các quan chức làm ngơ. Ngũ cốc do chính phủ mua về để phân phối thường không được bảo quản tốt.
Chương trình ăn trưa ở trường học của Ấn Độ là lớn nhất trong các chương trình tương tự trên thế giới, phục vụ hơn 120 triệu trẻ em. Chương trình này có ở khoảng 72.000 trường tiểu học trên khắp bang Bihar nghèo nhất Ấn Độ.
Mỗi khi giá thịt, rau, hoa quả leo thang, các gia đình nghèo chỉ có thể dựa vào bữa trưa ở trường để mong con em họ có đủ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng bữa ăn là chủ đề gây tranh cãi. Hiệp hội đại diện cho 300.000 giáo viên tiểu học của bang Bihar đã từ chối việc giám sát bữa ăn trưa của học sinh. “Giáo viên chỉ nên có trách nhiệm dạy học”, Brajnandan Sharma, chủ tịch Hội Giáo viên Tiểu học Bihar, nói với Guardian.
Nhưng giám đốc sở giáo dục bang Bihar nói không có đủ tiền để thuê ngoài việc giám sát chương trình bữa ăn.
Tháng 12/2018, 15 người đã tử vong và khoảng hơn 100 người khác cũng được đưa đến bệnh viện do ngộ độc thực phẩm tại ngôi đền Hindu ở bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, theo Reuters. Thuốc trừ sâu monocrotophos cũng được tìm thấy trong các mẫu thức ăn và chất nôn.