Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn bản 'Việt Nam sử lược' kỷ niệm 100 năm phát hành

Công trình lịch sử của Trần Trọng Kim được in ấn chất lượng với thiết kế mỹ thuật đẹp.

Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim ra mắt năm 1920. Công trình có một vị trí đặc biệt không chỉ bởi nội dung, mà còn vì bối cảnh xuất bản sách lịch sử.

Khi ấy, các bộ đại sử được biết tới là Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Đây là nguồn sử liệu chính thống, nhưng viết bằng chữ Hán. Một số công trình bằng chữ quốc ngữ ra đời nhưng còn sơ sài.

100 nam Viet Nam su luoc anh 1

Ấn bản kỷ niệm 100 năm Việt Nam sử lược. Ảnh: Đ. A.

Bởi vậy, Việt Nam sử lược - công trình có hệ thống về lịch sử nước ta, lại có phương pháp ghi chép mới, cách kể lôi cuốn - đã được đông đảo bạn đọc đón nhận.

100 năm qua, cuốn sách nhiều lần được tái bản. Hiện nay, một số đơn vị cùng phát hành Việt Nam sử lược như Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, Công ty sách Nhã Nam.

Kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu, một ấn bản được đầu tư về biên tập, hình thức do NXB Văn học liên kết công ty Đông A thực hiện.

Cuốn sách được thực hiện theo bản in lần thứ 5, năm 1954, của NXB Tân Việt. Đây là ấn bản được tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Khi in lại cuốn này, đơn vị thực hiện bổ sung thêm một số chi tiết có trong các bản in năm 1920, 1928, 1971.

100 nam Viet Nam su luoc anh 2

Postcard tặng kèm sách. Ảnh: Đ. A.

Ấn bản kỷ niệm 100 năm cuốn sách sử dụng ảnh minh họa theo bản in lần thứ 2 (năm 1928).

Sách cũng được bổ sung thêm gần 60 minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa.

Bản kỷ niệm cũng được bổ sung thêm phần “sách dẫn” từng xuất hiện trong bản in năm 1971, nhằm giúp độc giả dễ tra cứu nhân vật, địa danh, một số mục từ quan trọng.

Trong Việt Nam sử lược, một số chi tiết bị cho là chưa chính xác, thiếu nhất quán. Đối với những chi tiết này, Đông A và NXB Văn học có chú thích ở cuối trang.

Với lợi thế là đơn vị làm sách đẹp, đơn vị thực hiện ấn bản Việt Nam sử lược dụng công trong thiết kế mỹ thuật cuốn sách.

Bìa sách được thiết kế với các hoa văn, hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt (nghê, rồng, trống đồng Đông Sơn, khánh thời Nguyễn...) có màu sắc hoài cổ.

Mỗi cuốn sách có quà tặng kèm là bookmark, postcard với các hình ảnh đậm chất lịch sử Việt, bản đồ Hà Nội năm 1873.

Tình yêu sử Việt của tác giả tiểu thuyết 'Loạn 12 sứ quân'

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư viết “Loạn 12 sứ quân” trong lúc làm nghề sửa xe, không có sách tra cứu. Mọi dữ liệu lịch sử đều được ông sắp xếp, hệ thống lại từ trong trí nhớ.

Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm