Gần Tết, quãng từ ngày rằm, hoặc 20 tháng Chạp trở ra, là những âm thanh của sự rộn ràng, khi người người, nhà nhà tưng bừng mua sắm. Các cửa hàng đua nhau phát những bản nhạc xuân, mở loa rất to mà người đi đường dường như không còn cảm thấy khó chịu nữa.
Các chợ, siêu thị đến chợ cóc, râm ran tiếng hỏi giá, mặc cả. Nhiều mặt hàng mà ngày Tết mới bán hay nhiều người mua, như bánh chưng, giò chả, gà sống, bánh mứt, người quây quần vòng trong vòng ngoài. Tiếng xe cộ, tiếng gà vịt kêu, tiếng người hỏi han tạo thành một bản hợp xướng đa sắc màu mà nếu ai ghi âm lại, khi nào phát ra, ta nhận ra ngay: Âm thanh của chợ Tết.
Tết đem đến cho ta những âm thanh rộn ràng, sôi động. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Người không mua sắm thì đi thăm đường hoa, ngắm sách, ngắm lịch, chụp ảnh… Đâu đâu cũng vang lên những âm thanh vui tai của niềm hứng khởi, của sự hài lòng, của hạnh phúc.
Chợ ở thành phố đông một kiểu, chợ ở thôn quê đông một kiểu. Đi về miền quê, những ngôi chợ đặt cách xa đường mà người ra vào cũng làm nghẽn cả lối, xe cộ đi qua phải tránh người nhích từng chút, nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền. Đi từ xa, đã nghe tiếng nói của hàng trăm, hàng nghìn người cùng lúc, huyên náo cả một vùng.
Các góc phố, vỉa hè trống bỗng biến thành nơi bày bán hoa xuân đủ loại. Bên cạnh việc đem lại sắc màu hấp dẫn cho phố xá, chúng cũng thu hút đông người mua, người ngắm. Ai mua được cành đào, chậu quất hay khóm hoa đẹp đem về cũng có người hỏi giá tham khảo. Trong ngày sát Tết này, không ai tiếc gì câu trả lời, để ngầm tự hào mình mua được với giá rẻ hay kiêu hãnh vì sẵn sàng trả giá đắt để có cành hoa đẹp.
Nếu nhà bạn ở gần đường vành đai, đường quốc lộ, sẽ biết những âm thanh đặc biệt của ngày Tết Việt Nam: Tiếng động cơ ầm ầm của hàng đoàn người xe hối hả tỏa từ các thành phố lớn về quê ăn Tết. Chỉ tĩnh lặng vài giờ lúc nửa đêm, rồi đường xá lại ồn ã suốt từ mờ sáng đến tối mịt, cho đến tận ngày 29, 30 mới ngớt. Nhiều con đường tắc nghẽn, dòng người nối nhau đứng chờ trong tiếng ồn ào nhưng ai cũng cố gắng, cũng nỗ lực vì trước mắt họ, đã là sum họp, là cảnh đoàn viên mong mỏi suốt trong năm.
Có những âm thanh mà chỉ ngày Tết mới có, như tiếng nổ lép bếp của củi, tiếng sôi sùng sục của những nồi bánh chưng. Phố xá giờ chật hẹp, rất nhiều nhà phải bắc nồi bánh chưng ra ngoài vỉa hè để nấu, chất những gốc củi gộc, kéo theo nhiều hàng xóm kéo ghế sưởi ấm, trò chuyện râm ran.
Lâu lắm rồi, người ta cảm thấy xa vắng tiếng liếng lợn kêu eng éc của những ngày giáp Tết. Chiều 29, 30 Tết, nhà nhà đem xe ra rửa, tiếng xịt nước rào rào khắp phố nghe cũng vui tai.
Thời khắc giao thừa, hầu như nhà ai cũng mở đài, vặn âm lượng tivi to lên, để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước, rồi những bản nhạc xuân vui vẻ. Trên bầu trời thành phố, là tiếng những quả pháo hoa nổ lộp bộp, bung ra những vòng hoa đầy màu sắc trong tiếng reo hò của trẻ nhò.
Năm nay, sức nóng của nghị định 100 đã khiến các trận nhậu tất niên giảm rất đáng kể. Những bữa tiệc cuối năm của các gia đình, khi con cái về tụ họp đông vui, xe xếp đầy sân, không còn nhiều tiếng “Dzô dzô” như trước, nhưng không vì thế mà thiếu vắng tiếng cười. Nhậu giảm, thì tiếng loa hát karaoke cũng đã bớt, đỡ gây nhức đầu cho những người cần yên tĩnh.
Ở vùng quê, sau giao thừa là thời khắc yên tĩnh nhất. Chỉ thoang thoảng vẳng nghe tiếng chuông chùa hay chuông nhà thờ từ xa xa vọng lại.
Âm thanh của yên lặng cũng là một nét đặc trưng của những ngày Tết. Cái tĩnh lặng của phố phường mờ sáng mùng Một Tết, khi nhà nhà đã đóng cửa ngủ yên. Cái tĩnh lặng của đường phố họa hoằn mới có một chiếc xe đi qua. Cái lặng yên của đất trời trong thời khắc giao mùa.
Không gian yên tĩnh và thanh vắng của đêm giao thừa khiến ta như nghe thoảng đâu đó, tiếng của giọt sương đang rơi hay một chồi cây vừa tách ra khỏi vỏ.