Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Âm mưu được sắp đặt trong vụ đánh bom tại sân bay Kabul

Các quan chức Mỹ vẫn đang chắp nối chuỗi sự kiện trong vụ tấn công khiến nhiều người thiệt mạng bên ngoài sân bay Kabul, trong đó có 13 lính Mỹ.

Giới chức Mỹ cho biết kẻ đánh bom tự sát đã chờ đợi đến giây phút cuối cùng trước khi thực hiện kích nổ, theo New York Times.

Khi đó, đám đông hỗn loạn tìm cách để vào sân bay quốc tế Hamid Karzai đã tập trung tại cổng Abbey, một lối vào chính do thủy quân lục chiến và các đội quân khác kiểm soát. Quân đội Mỹ hiểu rằng họ có thể nằm trong tầm ngắm của cuộc tấn công.

Chỉ một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về một mối đe dọa tiềm tàng tại 3 cổng của sân bay, nơi hơn 5.000 lính Mỹ đã giúp sơ tán hơn 100.000 người trong chưa đầy hai tuần. Cổng Abbey là một trong số đó.

Giới chức Mỹ cho biết an ninh sân bay đã đóng 2 cổng, nhưng quyết định mở cổng Abbey.

Họ cũng cho biết rằng vào sáng sớm hôm đó, các chỉ huy và binh lính Taliban tại các trạm kiểm soát dọc theo tuyến đường sân bay đã hai lần đẩy lùi đám đông đang tăng vọt, song họ vẫn cố quay lại.

Lần thứ ba đó, một người khác đi cùng họ.

Kẻ đánh bom chính thức lộ diện

Vào lúc 17h48, kẻ đánh bom mang theo đai nổ nặng 25 pound (hơn 11 kg) dưới lớp quần áo, bước đến nhóm người Mỹ đang lục soát những người muốn vào sân bay. Các quan chức Mỹ cho biết anh ta đã chờ đợi cho đến trước lúc quân đội Mỹ chuẩn bị khám xét.

Và sau đó, anh ta kích nổ quả bom để tự sát và châm ngòi cho một cuộc tấn công khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ.

Tướng Kenneth F. McKenzie Jr., người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đã mô tả sự tiếp xúc gần giữ thuỷ quân lục chiến ở cổng sân bay và những người Afghanistan mà họ phải khám xét trước khi cho phép đi vào trong.

“Đây là cuộc chiến cận cảnh, hơi thở của người bạn khám xét đang hướng về phía bạn”, ông cho biết.

Giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ vẫn đang chắp nối chuỗi sự kiện diễn ra tại Abbey Gate hôm 26/8, từ đó đưa ra những đánh giá và danh sách chi tiết về những mảnh ghép dẫn đến vụ đánh bom.

vu danh bom o san bay Kabul anh 1

Giới chức y tế cho biết khoảng 170 người thiệt mạng sau vụ đánh bom. Ảnh: New York Times.

Những câu hỏi được đặt ra bao gồm: Tại sao nhiều quân đội tập hợp gần nhau như vậy? Làm thế nào kẻ đánh bom tránh được các trạm kiểm soát của Taliban? Ai đó đã cho anh ta qua?

Khi nhận được thông tin rõ ràng hơn về vụ nổ, giới chức y tế ở Kabul đã nâng số người chết lên ít nhất là 170 người. Những người Afghanistan đang cách tháo chạy khỏi sự kiểm soát của Taliban tiếp tục đổ về sân bay hôm 27/8.

Tuy nhiên, quy mô của đám đông đã giảm, chỉ còn vài trăm người so với con số hàng nghìn trước khi vụ đánh bom xảy ra. Sân bay gần như đóng kín, mặc dù các chuyến bay sơ tán vẫn tiếp tục.

Chỉ sau 14h ngày 27/8, khi một chiếc máy bay của Mỹ cất cánh, chở theo quan tài của 13 người Mỹ, đau thương từ vụ đánh bom hôm 26/8 đã lan từ Kabul đến Kansas, Mỹ.

Giới chức cho biết rằng một số người Mỹ và Afghanistan tại cổng Abbey có thể đã bị trúng đạn.

Với trọng lượng 25 pound, đai nổ của kẻ tấn công đã gây ra thiệt hại không thể kể xiết. Chiếc đai nổ chứa các mảnh kim loại như các viên đạn gây chết người đã làm bị thương hàng chục người Afghanistan, cũng như 14 lính Mỹ khác.

Tình hình căng thẳng mà quân đội Mỹ phải đối mặt

Từ tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã điều Đơn vị Thuỷ quân Lục chiến Viễn chinh từ tàu U.S.S Iwo Jima xuống Kuwait và sẵn sàng hỗ trợ sơ tán trong trường hợp Kabul rơi vào tay Taliban. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng quân đội Mỹ một lần nữa muốn kết thúc cuộc chiến tại Afghanistan mà nhiều đời tổng thống từng tuyên bố trước đó.

Không mất nhiều thời gian để sân bay quốc tế Hamid Karzai chuyển đổi từ một trung tâm thương mại thành phòng tuyến cuối cùng của quân đội Mỹ. Các trực thăng của Apache bay vòng phía trên và lực lượng phản ứng nhanh của thủy quân lục chiến giám sát xung quanh vành đai.

Trong trung tâm chỉ huy, nguồn cấp dữ liệu từ máy bay không người lái và camera giám sát được truyền hình ảnh hồng ngoại về đám đông tập trung tại các cổng.

vu danh bom o san bay Kabul anh 2

Thuỷ quân lục chiến Mỹ canh gác sân bay quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: New York Times.

Thủy quân lục chiến tại cổng Abbey hôm 26/8 đã đến Kabul khoảng một tuần trước đó. Họ liên kết với lính nhảy dù Anh với một mục tiêu trong đầu: Di tản càng nhiều người càng tốt.

Họ phải sử dụng một thông dịch viên và một chiếc loa để thuyết phục một đám đông lùi lại, một nhiệm vụ khó khăn khiến thuỷ quân lục chiến mở 2 lối vào.

Sự sụp đổ của Kabul đã dẫn đến một làn sóng của các cuộc điện thoại, email và tin nhắn tuyệt vọng từ các tổ chức nước ngoài đã làm việc tại Afghanistan trong 20 năm qua. Tất cả đều cầu xin Lầu Năm Góc giúp đỡ để nhân viên Afghanistan và đồng minh của họ được sơ tán.

Những người khác từng làm việc với người Afghanistan, bao gồm các giáo viên đã đến thăm các trường học ở Afghanistan, đã cùng các thượng nghị sĩ Mỹ, giám đốc truyền thông và người đứng đầu các tổ chức toàn cầu yêu cầu giúp đỡ các đối tác cũ của họ, những người đang có nguy cơ bị Taliban trả đũa.

Rất nhiều yêu cầu được gửi đến quân đội Mỹ tại sân bay Kabul. Cori Shepherd, một nhà làm phim từng giúp các nữ sinh Afghanistan đến trường ở Mỹ cho biết: “Những người lính thủy quân lục chiến đã chết là những người đã giúp đỡ chúng tôi”.

“Những người đàn ông này đã đi vào đám đông và đưa phụ nữ đến nơi an toàn, đồng thời phối hợp với chúng tôi để tìm họ. Những người lính làm việc ở cổng Abbey đã rất dũng cảm", ông nói.

Đô đốc Peter G. Vasely, một cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ, điều hành hoạt động sân bay, đã yêu cầu các chỉ huy Taliban kiểm tra kỹ hơn những người đang hướng về cổng Abbey. Tướng McKenzie nói với các phóng viên hôm 26/8 rằng Taliban có thể đã “cản trở” những nỗ lực khác.

Nhưng cuối cùng, “không có gì thay thế việc người Mỹ đứng đó tiến hành khám xét người đàn ông đó trước khi cho anh ta vào", Tướng McKenzie nói.

Ông cho biết nỗ lực đưa những người dễ bị tổn thương ra khỏi Afghanistan sẽ tiếp tục.

"Bởi vì đó là lý do tại sao chúng tôi ở đó", ông cho biết.

Mỹ không kích IS-K, trả đũa vụ đánh bom ở sân bay Kabul

Lầu Năm Góc xác nhận không quân Mỹ vừa oanh kích vị trí của lực lượng IS ở Afghanistan. Mục tiêu của vụ không kích là người đã lên kế hoạch các hoạt động của ISIS-K.

Vụ đánh bom Kabul nhắc lại lịch sử đau thương của Mỹ ở Afghanistan

Vụ đánh bom hôm 26/8 gợi nhớ đến một sự kiện chết chóc với quân đội Mỹ ở Afghanistan vào năm 2011. Khi ấy, thảm kịch đã khiến 30 người Mỹ thiệt mạng.

Vân Đinh

New York Times

Bạn có thể quan tâm