Tuy nhiên những thông tin mới đây lại khiến nhiều người cảm thấy giật mình trước viễn cảnh bởi những cú đột phá “không tưởng” về mức thưởng Tết Giáp Ngọ.
Sẽ có sự bứt phá cục bộ về tiền thưởng Tết?
Không còn là những dự đoán khi thông tin về thưởng Tết năm 2014 đã bắt đầu hé mở. Theo đó, con số 500.000 đồng/người được cho là thấp nhất và cao nhất đã có đơn vị công bố là 400 triệu đồng. Theo thông tin từ Phòng Chính sách lao động – tiền lương (Sở LĐ - TB & XH Hà Nội), 90 DN trên địa bàn đã được đơn vị này kiểm tra để nắm bắt việc thực hiện pháp luật lao động của DN.
Theo đó kiểm tra nguồn quỹ dành chi cho thưởng Tết, lương tháng 13 của phần lớn DN năm nay xấp xỉ năm trước. Dự kiến, trong khối DN, FDI là khối luôn có mức thưởng Tết ở mức cao thì năm nay con số này khó vượt quá 30 triệu đồng/người. Dự kiến NLĐ trong các DN có vốn Nhà nước sẽ nhận mức thưởng Tết trung bình 5-7 triệu đồng/người. Phát biểu trên báo chí, một số đại diện Tập đoàn “có tiếng” chưa công bố số lỗ, lãi cả năm và cùng với đó là con số cụ thể về thưởng Tết vẫn đang là một ẩn số.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã kịp đưa ra chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại rằng: Nếu chưa cơ cấu nợ, trích lập đủ dự phòng xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ không được tăng lương, thưởng cán bộ, cấp quản lý, điều hành. Ngoài ra, các cổ đông có thể không được chia cổ tức nếu làm sai quy định. Như vậy thì khối ngân hàng năm nay cũng nằm trong diện chờ đợi chẩn đoán chứ cũng chưa có con số cụ thể.
Tại các tỉnh ở khu vực miền Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... thông tin về lương, thưởng Tết vẫn chỉ nằm ở dạng chờ DN báo cáo. Tuy nhiên, theo Sở LĐ - TB & XH các địa phương này, nhìn chung mức lương, thưởng khó cao hơn năm ngoái. Tại Bắc Ninh, NLĐ tại các loại hình DN dự kiến chỉ sẽ nhận được mức thưởng 500.000 - 2.000.000 đồng/người. Mức này tương đương với tháng lương thứ 13 mà NLĐ đang được hưởng.
Tại TP HCM, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các DN trong diện quản lý phải lập kế hoạch chi trả tiền lương, tiền thưởng cuối năm 2013. Theo đó, các thông số về mức lương, thưởng và thời hạn chi trả sẽ buộc DN phải công khai. Công bố này cho thấy, năm 2013 DN trong nước, mức thưởng cao nhất là 400 triệu đồng nằm trong nhóm ngành sản xuất hàng tiêu dùng, mức thấp nhất là 2,1 triệu đồng.
Đối với loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng cao nhất là 217,4 triệu đồng, thấp nhất là 2,3 triệu đồng. Trung bình, năm 2013, mỗi công nhân được thưởng Tết một tháng lương. Bình quân mức thưởng cao nhất là ngành điện - điện tử là 5 triệu đồng; ngành cơ khí thưởng 3,5 triệu đồng; ngành may mặc, da giày thưởng 3,4 triệu đồng; ngành chế biến thực phẩm thưởng 2,5 triệu đồng.
Người lao động luôn mong đợi nhận được mức thưởng Tết xứng đáng sau 1 năm làm việc. Ảnh: Hà Thái |
Thực tế ảm đạm...
Đó là những con số được công bố, nhưng thực tế bức tranh xán lạn này có mang tính đại trà khi không ít lao động thừa nhận họ chưa được nhận lương quý 3 chứ đừng hy vọng thưởng Tết. Kinh tế khó khăn một số Cty đã tính đến nước thay thế tiền thưởng bằng một hình thức khác cho nhân viên.
Chị Hằng, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội cho biết, mới đây đã nhận được gợi ý của Cty về việc đăng ký thêm ngày nghỉ phép cho năm sau như là một cách trả thưởng vào cuối năm. Tuy nhiên, chị cũng cho biết mỗi tuần nhân viên bên chị đều phải nghỉ luân phiên một ngày không lương, nên không có nhu cầu nghỉ thêm nữa, chưa nói đến việc nghỉ như vậy thì thu nhập cũng giảm theo.
Cũng chung tình cảnh giống chị Hằng, anh Nam, một nhân viên tại sàn giao dịch bất động sản có tiếng ở Hà Nội cho biết, nhiều khả năng năm nay thưởng Tết của anh sẽ là con số không tròn trĩnh. Nhớ lại thời điểm cách đây vài năm khi thị trường bất động sản vẫn được xem là một điểm sáng thì chuyện thưởng Tết đối với anh Nam sẽ khiến nhiều người phải kính nể. “Thời điểm đó chuyện được thưởng một căn chung cư hạng trung đối với nhân viên kinh doanh vượt doanh số là hết sức bình thường”, anh Nam nói.
Nhiều công nhân trong các Khu công nghiệp sẽ đón Tết mà chưa nhận đươjợc lương Quý 4. Ảnh: Hà Thái |
Không chỉ hoạt động bất động sản mà các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trao đổi với một số lãnh đạo của các ngân hàng về lương thưởng Tết 2014, họ đều cho rằng còn quá sớm để nói về thưởng Tết tuy nhiên chắc chắn khoản thưởng năm nay sẽ rất thấp. Anh Nguyễn Vũ Thịnh, nhân viên thuộc chi nhánh Ngân hàng Vietcombank Thành Công cho biết: “Lãnh đạo ngân hàng chưa chính thức công bố về việc thưởng Tết, nhưng anh em cũng đã có nhiều thông tin rằng khoản thưởng Tết sẽ bị cắt giảm nhiều do tình hình khó khăn chung”.
Trong khi đó, ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dự đoán năm nay ngành ngân hàng sẽ có mức thưởng Tết khá khiêm tốn. Lý do, kinh tế lạm phát nhiều ngân hàng không làm ăn được, đối với những ngân hàng có lãi thì phải dành lợi nhuận để xử lý nợ xấu.
“Cả năm ký được 3 hợp đồng nhỏ, 2 cái đã xong cách đây 3 tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán, cái thứ ba làm cầm chừng vì chủ đầu tư khó có thể thanh toán do "nợ xấu”. 3 tháng nay Cty phải ký nợ lương NLĐ, Tết này thanh toán được hết số nợ lương là may lắm rồi, thế nên không dám nói tới thưởng Tết”, đó là lời chia sẻ của GĐ Cty TNHH thương mại và xây dựng NT khi được đề cập tới vấn đề lương, thưởng cho NLĐ vào dịp cuối năm.
Mặc dù từ đầu năm tới giờ, Nguyễn Thanh Hải, nhân viên Cty TNHH thương mại và xây dựng NT, chỉ nhận được vỏn vẹn 6 tháng lương nhưng với anh Hải thì vẫn còn may chán so với nhiều đồng nghiệp. “Bị nợ lương nhưng vẫn được công ty lo cho chỗ ở, ăn uống hàng ngày, nhiều nơi lương vẫn nợ đều mà không có chế độ đó, thế nên dù 3 tháng mới được lĩnh lương một lần, tính ra từ đầu năm tới giờ tôi mới lĩnh lương có 2 lần, nhưng cũng như mọi người tôi không nghĩ đến chuyện xin chuyển công tác. Trong giai đoạn khó khăn này biết chia sẻ với Cty là việc nên làm, hơn nữa cũng khó có thể tìm được công việc mới với mức lương hấp dẫn trong giai đoạn người khôn của khó này…”, anh Hải cho biết.
Dự báo về tình hình lương thưởng Tết Nguyên đán sắp tới trên địa bàn Hà Nội, ông Phạm Văn Thanh trưởng phòng Lao động-tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, tùy theo lĩnh vực sẽ có mức lương, thưởng Tết khác nhau. Với những DN hiện đang hoạt động, lương thưởng Tết chắc chắn sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Chủ yếu thưởng Tết được trả theo nguyên tắc, lợi nhuận cao thì thưởng cao, lợi nhuận thấp thưởng thấp, tùy từng Cty, tùy từng loại hình DN. Bên cạnh đó, hiện Nhà nước mới chỉ ban hành chính sách hỗ trợ cho những lao động bị nợ lương do DN phá sản.
Ở những DN vẫn đang hoạt động nhưng èo uột, cầm chừng thì đó lại là thỏa thuận giữa hai phía. Vì thế khó nhất là người lao động làm việc cho các DN đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Chắc chắn, đối tượng này sẽ không có lương cũng như thưởng Tết. “Tính riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trong số 140.000 DN đã có 12.000 DN giải thể, phá sản. Đây là con số tương đối cao so với các năm gần đây. Vì số lượng DN giải thể, phá sản cao nên kéo theo hàng nghìn NLĐ không được đảm bảo về lương, thưởng Tết”, ông Thanh cho biết.
Thưởng Tết “khủng” chỉ còn là “vang bóng một thời”
Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên PGĐ Sở Công Thương Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội tỏ ra lo lắng với bức tranh kinh tế năm nay.
Ông cho rằng, các DN kinh doanh không mấy thuận lợi. Tình trạng các DN ngừng hoạt động, phá sản... vẫn còn nhiều nên thưởng Tết chắc chắn sẽ giảm so với trước. Thưởng Tết đến con số hàng chục, hàng trăm triệu của các đơn vị, DN trong ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... chỉ còn là "vang bóng một thời", thậm chí một số ngân hàng sẽ có thể rơi vào tình trạng không có thưởng Tết như năm vừa qua.
Petrolimex không có thưởng Tết
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, năm nay cán bộ, nhân viên của Tập đoàn sẽ không có chế độ thưởng Tết.
"Năm 2012 được xem là một năm kinh doanh khó khăn của Petrolimex, nhân viên của Tập đoàn không có chế độ thưởng Tết. Và năm nay chúng tôi cũng cố gắng duy trì như năm ngoái", ông Bảo nói. Kết quả kinh doanh hợp nhất của toàn Tập đoàn trong 9 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt 1.579 tỷ đồng, tăng 53% so với mức 1.030 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm ngoái.