Ám ảnh sau vụ thảm sát vũ khí hóa học ở Iraq
Gần 25 năm trước khi cuộc chiến Iran – Iraq sắp kết thúc, quân đội Iraq sử dụng vũ khí hóa học giết chết hàng ngàn thường dân vô tội ở thị trấn Halabja. Đến nay, hậu quả của chất độc vẫn tồn tại và ám ảnh cuộc sống người dân.
Theo phóng viên BBC John Simpson, người có mặt tại hiện trường sau cuộc tấn công ngày 16/3/1988, đó là một trong những cảnh tượng tồi tệ nhất ông từng chứng kiến. Khắp nơi là những xác chết nằm la liệt trên đường phố hoặc dựa vào tường. Khi đến gần, Simpson nhìn thấy xác của nhiều nạn nhân trong tư thế cố bảo vệ một đứa trẻ, một người vợ và tất cả họ đều đã chết.
Người dân ở đây không hề có sự bảo vệ chống lại những khí độc mà quân của Saddam Hussein thả xuống bừa bãi ở Halabja, một thị trấn nằm gần biên giới Iran - Iraq, với mục đích dạy cho người dân theo đạo Kurd ở đây một bài học. Simpson từng nhìn thấy hệ quả khủng khiếp của chiến tranh hóa học nhằm vào các binh sĩ trong Chiến tranh Iran - Iraq. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy bị ám ảnh khi chứng kiến thường dân vô tội ở Halabja, trong đó chủ yếu là trẻ em và phụ nữ, thiệt mạng.
Không quân Iraq cũng sử dụng những loại khí độc có hiệu ứng gần như tức thì. Simpson nhìn thấy một căn phòng, nơi bom xuyên qua trần nhà và ở đó có một số người đang dùng bữa. Tất cả họ đều chết trong vòng một vài giây. Phóng viên BBC miêu tả, một người đàn ông lớn tuổi thiệt mạng khi đang nhai một mẩu bánh mì, một người khác tử vong khi đang cười đùa, những người khác chết từ từ một cách đau đớn. Bên cạnh đó, John cũng thấy một người phụ nữ mà cơ thể của cô xoắn thành vòng tròn, với phần sau đầu chạm vào chân. Nạn nhân nôn và chảy máu khắp quần áo, còn gương mặt nhăn nhó trong đau đớn.
Hàng nghìn thường dân vô tội thiệt mạng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Halabja. |
Theo Simpson, thị trấn Halabja bị ném bom là vì trong những tuần cuối của chiến tranh Iran - Iraq, người dân ở đây hân hoan chào đón quân đội Iran. Vì thế, Saddam Hussein và em họ là Ali Hassan al-Majid (còn có biệt danh Ali hóa học), quyết định ra lệnh hủy diệt diệt thị trấn. Không quân Iraq sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học khác nhau như chất độc thần kinh VX, Sarin,Tabun, thậm chí có cả loại vũ khí nguyên thủy và khủng khiếp là khí mù tạt từng được sử dụng trong Thế chiến I.
Trước vụ tấn công bằng khí độc, quân đội Iraq thực hiện các vụ ném bom kéo dài 2 ngày, bởi Ali Hóa học muốn phá vỡ cửa sổ trong thị trấn và tăng hiệu quả đầu độc người dân trú ẩn trong nhà.
Sau vụ tấn công, Simpson đã bay đến Halabja bằng máy bay của không quân Iran, cùng với một nhóm nhỏ các phóng viên nước ngoài. Hành động chở phóng viên đến hiện trường lúc đó được xem là việc làm khôn ngoan của Iran, nhằm lấy lòng truyền thông và phản ánh tội ác của Saddam Hussein.
Vì giới chức Iran ngăn người thân nạn nhân đang trú ẩn tại đây quay trở lại chôn cất xác chết, nên hàng nghìn thi thể vẫn ở nguyên khi nhóm phóng viên đến. Simpson cùng một chuyên gia chiến tranh hóa học người Bỉ đếm số người chết. Vì thời gian rất gấp rút và nhóm phóng viên có thể bị quân đội Iraq tấn công bất kỳ lúc nào, Simpson chỉ đếm qua loa và không đầy đủ, nhưng ước tính có ít nhất 5.000 thi thể nằm rải rác quanh thị trấn. Ngoài ra, còn có nhiều người khác nằm chết ở ngoại ô, vì họ bị tấn công khi đang cố gắng chạy sang lãnh thổ Iran.
Nhiều nạn nhân chết ngay và nằm trên đường phố sau khi hít phải khí độc. |
Một phần tư thế kỷ sau, sự sợ hãi vẫn chưa kết thúc với người dân tại Halabja. Sau hàng chục năm, khí mù tạt vẫn tồn tại trong những căn hầm của thị trấn, nơi người dân trú ẩn trong vụ đánh bom. Không như những chất độc thần kinh khác vốn bốc hơi rất nhanh, khí mù tạt là chất nặng hơn không khí. Loại khí này chìm xuống và tồn tại cho đến ngày nay.
Khi Simpson trở lại thị trấn và đi xuống căn hầm của một ngôi nhà, khí độc vẫn còn lẫn khuất trong tấm thảm cũ, khiến mắt họ đau nhói và đau đầu trong khoảng 4 tiếng sau đó. Trên sàn là thi thể của một đôi chuột và xương của một con mèo chết vì hít khí độc. Người dân cho hay, một người đàn ông chết gần đây vì hít khí độc trong một căn hầm gần đó.
Phóng viên John Simpson đưa tin về vụ thảm sát năm 1988. |
Hamish de Bretton-Gordon là chuyên gia hàng đầu nước Anh về lĩnh vực chiến tranh hóa học và đang thảo luận với chính quyền người Kurd về cách khử độc cho Halabja. "Một số vấn đề nảy sinh ở đây khi người dân xây những ngôi nhà mới. Một vài người thiệt mạng vì gặp phải những túi khí độc mù tạt khi đào móng. Đó là một nhiệm vụ chúng tôi hy vọng sẽ giúp họ giải quyết, bằng cách dựng các điểm giám sát để đảm bảo người dân không tiếp xúc với khí độc. Một khi Halabja được tẩy sạch, thị trấn sẽ phát triển như các vùng còn lại của đất nước", ông Hamish nói.
Theo chuyên gia người Anh, việc phân tích các mẫu chất hóa học ở Halabja có thể giúp xác định người cung cấp hóa chất cho chính quyền Saddam Hussein. Ông Hamish tin rằng, nếu được phép lấy mẫu khí độc hóa học từ các xác chết dưới mộ, trong hầm và đem đi xét nghiệm, điều đó sẽ giúp tìm ra quốc gia thậm chí nhà máy nào cung cấp hóa chất ban đầu chế tạo khí mù tạt cho Iraq. Đó là bằng chứng không thể chối cãi mà Tòa án Hình sự Quốc tế vác các tổ chức khác có thể tham khảo để đưa ra quyết định trừng phạt.
“Chúng tôi biết còn có một số kho dự trữ hóa chất ở Iraq đang được xử lý và thông tin về chúng là công khai. Chúng tôi có thể lấy một mẫu ở đó và đối chiếu với mẫu chúng tôi tìm được ở Halabja để đưa ra kết luận”, chuyên gia Hamish nói thêm.
Tuy nhiên, hiện tại chính quyền của khu vực người Kurd vẫn chưa phê duyệt kế hoạch như vậy. Họ nói rằng muốn tham khảo ý kiến của một loạt công ty và người dân thị trấn trước khi đồng ý cho phép xét nghiệm các thi thể nằm dưới mộ.
Nhưng có một điều rõ ràng rằng, tấm thảm kịch trên sẽ không bao giờ khép lại hoàn toàn nếu các công ty nước ngoài cung cấp những vũ khí chết người đó chưa bị trừng phạt. “Tôi nghĩ chúng ta đang mắc nợ bản thân và các nạn nhân, bởi chưa làm sáng tỏ ai là kẻ cung cấp các chất độc đó và tấm thảm kịch xảy ra như thế nào”, Qubad Talabani, một quan chức cao cấp trong chính quyền địa phương và con trai của của tổng thống Iraq hiện tại, phát biểu.
Ông Talabani khẳng định, nếu các công ty nước ngoài cung cấp chất hóa học được xác định, chính quyền địa phương sẽ đưa ra các biện pháp xử lý. “Chắc chắn như vậy. Không riêng gì chúng tôi, gia đình của các nạn nhân cũng rất quan tâm về điều đó”, Talabani nói.
Cho dù chất độc vẫn tồn tại trong đất và khiến nhiều người mắc bệnh như ung thư, người dân Halabja đang cố gắng vươn lên từ đống tro tàn. Tài nguyên dầu lửa dồi dào đang giúp thị trấn này thay đổi bộ mặt. Tuy nhiên, không ai trong thị trấn có thể quên thảm họa xảy ra và việc nhắc lại lịch sử vẫn khiến nhiều người rơi lệ.
Bình An
Theo Infonet