Từ những vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, đến thảm họa động đất, sóng thần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị rò rỉ phóng xạ năm 2011, những người sống sót được gọi bằng từ “hibakusha”.
Họ đều phải chống chọi với sự phân biệt và muôn vàn khó khăn khi cố gắng tạo dựng cuộc sống mới sau thảm họa.
Các ngôi mộ gần bãi biển ở Namie, Nhật Bản, bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters. |
Khó lập gia đình, sinh con
Shuntaro Hida, nhân chứng sống của thảm họa Hiroshima mà sau này trở thành giám đốc Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ Hibakusha, cho biết khoảng 80% người sống sót thảm họa bom nguyên tử che giấu quá khứ của mình, kể cả với vợ chồng, vì sợ bị kỳ thị.
Lee Jong Keun, một hibakusha người Nhật gốc Hàn từ Hiroshima đã kết hôn, giấu kín quá khứ của mình trước vợ và ba con gái cho đến năm 2012, vì “việc là nạn nhân của bom (nguyên tử) bị cho là vô cùng xấu hổ”.
Kazue Inoue bị nhiều đối tượng kết hôn từ chối vì bà là hibakusha từ Nagasaki. Cuối cùng, bà quyết định che giấu điều này, và cũng đã lập gia đình những năm 1960. Nhưng khi mẹ chồng phát hiện ra Inoue là một hibakusha, bà nhất quyết không cho Inoue sinh con: “Nếu cô sinh ra quái vật thì sao?”
Cuộc hôn nhân của Inoue kết thúc không lâu sau đó. Bà kể chuyện của mình trên tờ Asahi Shimbun năm 2010, và viết: “Làm sao có thể trách mẹ chồng tôi được? Tôi hoàn toàn hiểu suy nghĩ của bà”.
Những hibakusha như họ phải mặc áo dài tay ngay cả trong mùa hè, vì một số họ có sẹo lồi mà người khác cho là sẽ lây. Dù không bị cấm, nhưng hibakusha không thể đến sentō (nhà tắm công cộng, có bể nước nóng lớn ở giữa dùng chung), vì phải chịu những ánh nhìn e sợ, theo Sayuri Romei, nhà nghiên cứu về an ninh hạt nhân tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc đại học Stanford, trong một bài viết năm 2017 trên Washington Post.
Ảnh từ trên cao khu vực Sukuiso, Nhật Bản bị tàn phá bởi động đất và sóng thần. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Nạn nhân Fukushima bị xa lánh
Những người sống sót ở Fukushima cũng chịu chung cảnh ngộ với những hibakusha từ Chiến tranh Thế giới II.
Theo khảo sát năm 2017, 62% trong số 348 người sơ tán được hỏi cho biết đã bị hoặc đã chứng kiến sự kỳ thị, bắt nạt vì quê hương của họ bị nhiễm phóng xạ. Cuộc sống của họ bị đảo lộn, trở nên bấp bênh, đầy lo lắng vì nhiễu thông tin và vì sợ kỳ thị.
Những người ở lại luôn nơm nớp theo dõi thông tin về phóng xạ, mua nước đóng chai và rau củ quả từ các vùng khác của Nhật, và phải chi rất nhiều tiền để đưa con cái đi nơi khác tránh chất độc. Suy tính giữa tiền nong và tránh nhiễm xạ luôn đè nặng tâm trí họ.
Những người rời Fukushima sẽ bị xa lánh. Một cậu bé 13 tuổi chuyển từ Fukushima tới Yokohama bị bắt nạt nghiêm trọng ở trường, bị gọi là “vi khuẩn” và bị đòi tiền vì các học sinh khác cho rằng người Fukushima được tiền bồi thường.
Sau này cậu bé khai với cảnh sát cậu đã giữ im lặng vì nghĩ “người từ Fukushima kiểu gì cũng bị bắt nạt”, Asahi Shimbun đưa tin năm 2016.
“Hàng xóm không bao giờ chào tôi. Tôi nghĩ do khoản đền bù mà tôi nhận được nên họ biết tôi đến từ Fukushima”, Keiko Owada, 66 tuổi, sơ tán từ Fukushima tới Tokyo, trả lời VICE News năm 2018.
Một số người sơ tán khác mà Owada biết đã bị phá hoại xe ôtô, vì xe của họ có biển số Fukushima. “Thế nên tôi luôn phải đỗ xe ở phía góc của bãi đỗ, thay vì ở giữa, để không ai nhìn thấy”, Owada nói.
Trong khi đó, Akiko Kamata đã bị sốc khi nghe chị dâu nói bà đừng đến chỗ của họ ở Chiba sơ tán, vì bà đã bị nhiễm xạ.
Kamata nhận được 7 triệu yen (khoảng 65.600 USD) từ TEPCO. Chồng của bà cũng nhận được khoản tương tự. Bà quyết định không quay lại quê hương dù sau này chính quyền tuyên bố vùng đó đã an toàn.
Bà lo sợ người chồng bị bệnh sẽ càng nặng thêm nếu quay lại. Nhớ lại cuộc sống ở Fukushima, bà Kamata lấy khăn lau nước mắt. Bà không còn nói chuyện với bạn bè ở quê hương nữa.
“Thảm họa chia rẽ cộng đồng, cả về địa lý lẫn về tình cảm”, Kamata nói với VICE News. “Một bạn tôi ở Chiba đang cân nhắc ly hôn, vì chồng muốn cô ấy trở về Fukushima, nhưng cô ấy không muốn”.
Ngay cả các trí thức như giáo viên, nhà khoa học hay giáo sư đại học cũng nói những lời thù ghét. “Tôi không quan tâm nếu chúng chết hết. Không phải việc của tôi”, Yukio Hayakawa, giáo sư địa lý ở đại học Gunma viết trên Twitter. “Tôi chỉ quan tâm tới gia đình mình. Tôi không thể chịu được việc những người đó đang đầu độc chúng ta bằng sản phẩm của họ”.
Keiko Owada: “Hàng xóm không bao giờ chào tôi”. Ảnh: VICE News. |
Mập mờ thông tin về nhiễm độc trong không khí
Khi chuyển đi nơi khác sau thảm họa 2011, Satsuki Sekine bị bạn cùng lớp bắt nạt với những câu đùa độc ác. “Nhà bị phá hủy bởi trận động đất, rồi bị sóng thần cuốn đi”, cô bé 15 tuổi nói với AFP. “Một người họ hàng đã chết, nhà chúng tôi phải sơ tán. Vậy mà ở trường, chúng còn bắt nạt tôi”.
Khó xác định số người bị ảnh hưởng bởi thảm họa phát tán phóng xạ Fukushima. Những người sống trong vùng thảm họa, buộc phải sơ tán, sẽ được nhận đền bù từ công ty điện lực Tokyo (TEPCO), chủ nhà máy điện hạt nhân gặp nạn. Những người sống ngoài khu vực thảm họa, nhưng vẫn phải sơ tán vì nỗi sợ tâm lý cũng như cuộc sống đảo lộn, sẽ không được chính phủ đền bù, mà chỉ được địa phương hỗ trợ một ít.
Những người sống sót chưa được hỗ trợ cũng có thể xin chứng nhận là nạn nhân của bom nguyên tử, dựa vào một số chứng bệnh nhất định, để từ đó nhận hỗ trợ của chính phủ. Nhưng nhiều người không muốn xin chứng nhận này, đơn giản vì sợ sẽ bị kỳ thị suốt đời.
Ngoài ra, các chứng bệnh để được công nhận là nạn nhân của bom nguyên tử rất giới hạn. Vậy nên có những vụ kiện “mưa đen” (kuroi ame soshō) nhằm mở rộng danh sách các bệnh.
Trong một khoảng thời gian dài sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, người Nhật không có thông tin rõ ràng, đáng tin về tác hại tới sức khỏe. Sự mập mờ này vẫn tái diễn sau sự cố ở nhà máy Fukushima.
Vì trách nhiệm không được làm rõ giữa các bên, trong tiềm thức, dư luận Nhật không coi những người phải sơ tán từ Fukushima là những nạn nhân của một sự cố ngoài ý muốn, và trở nên thiếu cảm thông dành đối với họ, theo nhà nghiên cứu Sayuri Romei trong bài viết trên Washington Post.