Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sóng thần ở Nhật: Vì sao 1 trường chết đuối, 1 trường tất cả sống sót?

Sự nhanh nhẹn của vài em nhỏ đã tạo ra “phép màu Kamaishi”, cứu mạng sống cả một trường. Phút do dự đã gây hậu quả chết người ở Okawa trong một bi kịch được cả nước Nhật biết đến.

Hơn 2.500 người vẫn mất tích sau động đất sóng thần ở Nhật năm 2011 Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 làm 15.893 người chết, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích, cùng những thiệt hại về tài sản nặng nề, to lớn.

Ngày 11/3/2011, một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử xảy ra ở ngoài khơi phía đông Nhật Bản. Lên tới 9 độ Richter, trận động đất này mạnh tới mức nước Nhật bị xê dịch 4 mét về phía Mỹ.

Người Nhật ở khắp nơi trải qua những phút địa chấn kinh hoàng, bao gồm ở Tokyo cách xa 500 km. Trận động đất, vì xảy ra dưới đáy biển đã tạo ra sóng thần, dẫn đến rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Những trận đại hồng thủy tràn vào các làng và thị trấn ven biển, cuốn trôi nhà cửa, xí nghiệp và trường học.

Hàng nghìn người được huy động, cùng 8 triệu chai nước và 250.000 hộp thuốc men. Mặc dù vậy, thương vong sau cùng vẫn ở mức kinh hoàng với gần 16.000 người chết. Thiệt hại lên tới 200 tỷ USD và còn tăng. Hơn 2.500 người vẫn còn mất tích.

Trong thảm họa, 2 ngôi trường có kết cục trái ngược. Ở trường trung học Kamaishi, ở thành phố Kamaishi, toàn bộ học sinh sống sót, còn ở trường tiểu học Okawa, 74 trong số 78 học sinh có mặt thiệt mạng trong cơn đại hồng thủy.

dong dat song than Nhat Ban anh 1
Những trận sóng thần tràn vào bờ biển Nhật Bản, cuốn trôi nhà cửa, xí nghiệp và trường học. Ảnh: AP.

“Phép màu ở Kamaishi”

Mai Ogasawara là một học sinh ở Kamaishi vào năm 2011. Cô đang cùng các bạn chơi bóng chuyền khi trận động đất xảy ra. Ngay lập tức, Mai và cả trường chạy xa khỏi bờ biển và lên đồi, một quyết định đã cứu mạng tất cả.

Không lâu sau, những trận sóng thần cao 30 m, như tòa nhà 10 tầng, tràn qua bức tường 10 m dọc bờ biển.

“Cả thị trấn bị nước bao phủ, tất cả trông như biển”, Ogasawara nói với chương trình The Compass của đài BBC. Những người sống sót mô tả những con sóng màu đen “cao không thể tin nổi, và nuốt chửng chân trời chỉ trong vài giây”. Sau cơn sóng đầu tiên, người, xe cộ, cây cối nổi lềnh bềnh, chờ bị trận sóng thần tiếp theo ném vào các tòa nhà thêm một lần nữa.

Điều đáng nói ở Kamaishi là các em học sinh đã tự chạy lên đồi và không phải đợi giáo viên xếp hàng và thúc giục. Câu chuyện sơ tán thành công này được đặt tên “phép màu ở Kamaishi”, bởi vì ở thị trấn xung quanh, rất nhiều học sinh chết đuối.

Robert Muir-Wood là tác giả cuốn “Tránh khỏi thảm họa” bàn về cách để không gây ra các thảm họa “nhân tạo” sau thiên tai. Ông dành hẳn chương đầu để nói về Kamaishi.

“Thực ra đây không phải một phép màu, mà là công sức của một người”, ông nói với BBC.

“Đó là giáo sư Katada ở một đại học gần đó. Ông tới thăm nơi bị tàn phá bởi trận đại hồng thủy năm 2004 ở ven biển Thái lan, Sri Lanka và Indonesia, làm chết 300.000 người. Giáo sư Katada phát hiện ra nhiều người đã đứng đợi. Họ biết có cơn địa chấn nhưng đã không làm gì vì không ai bảo họ phải làm gì. Nhiều người lẽ ra đã sống sót nếu họ tự giác hơn”, Muir-Wood nói.

dong dat song than Nhat Ban anh 2
Sóng thần cuốn trôi nhiều ngôi nhà ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, ra ngoài biển. Ảnh: AP

Tự giác sơ tán

Giáo sư Katada viết sách hướng dẫn mới dùng cho tình huống thiên tai, trong đó có lời dạy như: tìm mọi cách cứu mình trước, hãy đi đầu trong chuyện sơ tán. Mai Ogasawara tin rằng quan niệm đó đã cứu mạng cô, và cô đang học về phòng chống thảm họa ở trường Katada.

Hướng dẫn này trái ngược với những gì vẫn được dạy: chờ đợi và làm theo nhà chức trách. Dẫu sao, Nhật Bản vẫn là đất nước chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho thiên tai.

“Ông ấy lấy cảm hứng từ chuyện một cô bé 10 tuổi ở bãi biển Thái Lan. Em được dạy trong lớp địa lý về các dấu hiệu sắp có sóng thần chỉ 3 tuần trước khi tới đó du lịch: nếu nước biển rút một cách kỳ lạ, nếu có nhiều bọt nổi lên mặt nước. Vì vậy, em gào lên với bố mẹ và những người xung quanh. Mặc dù sóng thần tràn tới chỉ sau vài phút, bãi biển đó là nơi duy nhất không có người chết”, Muir-Wood nói.

Giáo sư Katada bằng mọi cách ép buộc trường Kamaishi để ông dạy học sinh 10 giờ mỗi năm về tình huống thảm họa và các em biết mình phải tự thân vận động, và hiểu rằng một khi mình dám dẫn đầu, mọi người sẽ theo sau.

Sau trận động đất, trong khi các giáo viên ở trường còn loay hoay chưa sử dụng được loa do điện bị cắt, các em học sinh đã tự giác như đã dạy. Sau khi một số em đã hét lên “chạy lên đồi, chạy lên đồi”, các em khác, giáo viên và cả các trường khác cũng chạy theo. Hàng trăm mạng sống được cứu, theo BBC.

Từ trên đồi nhìn xuống, các em thấy trường mình bị các đợt sóng thần nuốt chửng, những chiếc xe hơi dạt lên nóc trường.

dong dat song than Nhat Ban anh 3
"Phép màu ở Kamaishi": Được dạy về tự giác trước thảm họa đã cứu mạng sống của học sinh trường trung học Kamaishi. Ảnh: Đại học Gunma.

Sự chần chừ chết người

Nhưng dọc theo bờ biển xuống phía nam 150 km, không có phép màu nào ở trường tiểu học Okawa. Cũng không có dạy tự thân vận động hàng năm của giáo sư Katada.

Bên ngoài tiểu học Okawa ở thành phố Ishinomaki là một nghĩa trang và chiếc chuông nhỏ. Mỗi tiếng chuông được cho là sẽ giúp linh hồn của những người đã chết ở đây được an nghỉ, bao gồm 74 học sinh, 10 giáo viên và một bác lái xe đưa đón. Dãy phòng học hầu như không còn tường. Tầng trên không còn cửa sổ, cho thấy nước ngập cao tới mức nào. Đồng hồ trên tường dừng lại ở 15h37, thời điểm sóng thần tràn vào ngôi trường.

Phía trước tòa nhà có một ngọn núi cao và có đường lên, nhưng các em đã không sơ tán, theo BBC.

dong dat song than Nhat Ban anh 4
Trường tiểu học Okawa ở đông bắc Nhật Bản sau khi bị sóng thần phá hủy, ảnh chụp ngày 28/3/2011. Ảnh: Reuters.

Tetsuya Tadano là một học sinh may mắn sống sót. Cậu kể với BBC sau khi ngưng động đất, cả trường sơ tán ra ngoài sân, rồi chờ đợi chỉ dẫn của giáo viên.

Một số phụ huynh tới đón con, nhưng họ cũng đứng chờ. Cậu biết mình nên chạy. Ông của cậu là ngư dân luôn dạy cậu phải chạy ngay. “Các bạn đều rất sợ”, Tadano nói.

Sự chần chừ của các giáo viên có hậu quả chết người.

“Chúng tôi đợi khoảng 50 phút, các giáo viên cuối cùng cũng quyết định sơ tán”, Tadano nói. Nhưng họ đã hành động quá muộn. “Chúng tôi không chạy, mà chỉ đi nhanh, tôi thấy cơn sóng thần đằng sau và chạy lên núi”.

Tới dốc khó leo ở chân đồi, Tadano bị sóng thần đuổi kịp. Cậu phải chứng kiến một bạn mình bị dòng xoáy cuốn theo và bỏ mạng cùng hầu hết cả trường. Sóng cuốn Tadano và khiến cậu bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy, cậu thấy mình bị đè bởi một bạn cùng lớp. Cậu bạn này đã leo lên một chiếc tủ lạnh mở toang, đang nổi như chiếc thuyền. 2 cậu bé ướt đẫm, ngập trong bùn, trước mắt là cảnh ghê rợn của ngôi làng, trường học và bạn học bị nhấn chìm bởi sóng thần, theo Richard Lloyd Parry, tác giả cuốn sách “Hồn ma trận sóng thần” về thảm họa năm 2011.

“Tôi sẽ kể chuyện của Okawa”

Bi kịch của trường tiểu học Okawa được cả nước Nhật biết đến, và cũng là tâm điểm của một vụ kiện 7 năm chưa ngã ngũ.

Tadano mất gần như toàn bộ bạn bè, chị, mẹ và ông. Cha cậu, ông Hideyaki Tadano, ngày nay đang dẫn đầu cuộc chiến pháp lý nhằm tìm ra chính xác điều gì đã xảy ra trong 51 phút chần chừ ở ngoài sân trường.

dong dat song than Nhat Ban anh 5
Phụ huynh các em học sinh chết đuối ở trường tiểu học Okawa cáo buộc lãnh đạo trường tắc trách. Ảnh: Richard Lloyd Parry.

“Tôi không muốn ai bị mất con nữa. Mất người thân đau đớn, cay đắng lắm”, ông nói với BBC. “Chuyện những người sống sót đã được kể, giờ tôi sẽ kể câu chuyện của tiểu học Okawa”.

Các trường học đều có “hướng dẫn giáo dục” bao gồm tình huống khẩn cấp, nhưng hướng dẫn của tiểu học Okawa khá sơ sài và chỉ nói “sơ tán tới nơi an toàn”.

Bên ngoài tòa án, các phụ huynh giương băng rôn có tấm ảnh của học sinh bị chết đuối, cùng dòng chữ “Chúng em đã làm theo lời thầy cô”. Sau một phiên căng thẳng, tòa án đã xử họ thắng kiện, phải được bồi thường và cho rằng trường Okawa đã tắc trách. Quá trình kháng cáo sẽ còn kéo dài.

Nhưng không gì có thể làm nguôi nỗi đau mất con. “Các em học sinh vẫn không thể sống lại, cuộc sống của các cha mẹ vẫn không hề thay đổi”, ông Parry nói.

Nơi thời gian ngừng trôi từ ngày 11/3/2011 ở Nhật Sau thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ hạt nhân ở Fukushima ngày 11/3/2011, hàng nghìn người phải sơ tán và chưa bao giờ trở về, bỏ lại một thị trấn hoang tàn và đổ nát.

6 năm ngày thảm họa sóng thần Nhật Bản: Nỗi đau chưa hề phai

Nhiều hoạt động tưởng niệm nạn nhân thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 đã diễn ra hôm 11/3. 6 năm trôi qua, hậu quả thảm họa vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Ngày kinh hoàng vì động đất, sóng thần ở Nhật 5 năm trước

Thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn, gây sự cố rò rỉ hạt nhân và khiến hàng nghìn người dân rơi vào tình cảnh tuyệt vọng.

Trọng Thuấn

(Theo BBC)

Bạn có thể quan tâm