Theo Bloomberg, Alibaba cho biết nguyên nhân trực tiếp gây lỗ là khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. Lỗ ròng của tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc quý tính đến hết ngày 31/3 vào khoảng 852 triệu USD. Đây là lần đầu tiên từ năm 2012 Alibaba chịu lỗ.
Trước khi công bố án phạt hồi tháng 4, chính quyền Trung Quốc điều tra Alibaba suốt bốn tháng. Hậu quả là giá cổ phiếu Alibaba lao dốc 31% từ mức đỉnh hồi tháng 10/2020. Giá trị vốn hóa của Alibaba bay hơi tới 260 tỷ USD. Hiện định giá công ty đạt khoảng 573 tỷ USD.
Trong cuộc họp ngày 13/5, CEO Alibaba Daniel Zhang khẳng định công ty chấp nhận án phạt và sẽ tuân thủ luật pháp. “Trong năm tài chính vừa qua, chúng ta đã vượt qua đủ mọi thử thách, bao gồm dịch Covid-19, cạnh tranh dữ dội, cuộc điều tra chống độc quyền và án phạt. Cách tốt nhất để vượt qua thử thách là hướng về phía trước và đầu tư dài hạn”, ông Zhang nhấn mạnh.
Alibaba đối mặt “vận đen” sau khi nhà sáng lập Jack Ma chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc là “tiệm cầm đồ” hồi tháng 10/2020. Ngay sau đó, startup tài chính Ant Group - công ty chị em của Alibaba - buộc phải hủy đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trị giá 35 tỷ USD.
Alibaba lỗ ròng khoảng 852 triệu USD trong quý tài chính vừa qua. Ảnh: Bloomberg. |
“Vẫn còn nhiều bất ổn ở Alibaba”, Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Andy Halliwell thuộc hãng tư vấn Publicis Sapient nhận định. “Chưa rõ những gì Jack Ma đã làm hồi năm ngoái có ảnh hưởng lâu dài đến thương hiệu của Alibaba và niềm tin của các nhà đầu tư hay không”, ông đặt câu hỏi.
Alibaba vẫn tỏ ra rất tự tin. Công ty dự báo doanh thu năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2002 tăng ít nhất 30% lên 144,1 tỷ USD. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định công ty đối mặt với nhiều khó khăn lớn sắp tới. Alibaba cùng 33 tập đoàn công nghệ Trung Quốc cam kết tuân thủ luật chống độc quyền và điều đó có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng.
Chính quyền Trung Quốc cũng đang tính toán việc siết chặt kiểm soát khối dữ liệu người dùng khổng lồ mà các công ty công nghệ thu thập được trong những năm qua. Nguồn tin Bloomberg cho biết Bắc Kinh có thể buộc Alibaba bán các tài sản truyền thông. Ant Group cũng đang phải tái cơ cấu.
Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đang ngày càng dữ dội. Các công ty như Pinduoduo, ByteDance và Kuaishou Technology đều tăng cường đầu tư để mở rộng thị phần, trong khi những nền tảng như Meituan, Didi và MissFresh của Tencent tấn công mạnh vào lĩnh vực giao hàng tạp hóa.