Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Alibaba hồi sinh

Tập đoàn Alibaba của Jack Ma báo lãi quý III tăng vọt 58% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu chưa đạt kỳ vọng do sức mua yếu tại Trung Quốc.

Lợi nhuận ròng quý III của Alibaba tăng vọt 58%. Ảnh: Bloomberg.

Theo CNBC, lợi nhuận ròng quý III của Alibaba đạt 43,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 6,07 tỷ USD), tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Con số này vượt xa dự báo ở mức 25,83 tỷ nhân dân tệ của LSEG.

"Mức tăng chủ yếu nhờ vào biến động giá thị trường của các khoản đầu tư, giảm tổn thất và tăng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh", Alibaba lý giải.

Trong khi đó, doanh thu của tập đoàn đạt 236,5 tỷ nhân dân tệ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo 238,9 tỷ nhân dân tệ của giới phân tích.

Cổ phiếu niêm yết tại New York của Alibaba đã tăng giá hơn 13% trong năm nay. Tuy nhiên, thị giá mã này đã giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 15/11, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III.

Hiện, các nhà đầu tư theo dõi sát sao hiệu suất của Taobao và Tmall, 2 đơn vị kinh doanh chủ chốt của Alibaba, khi doanh thu quý III chỉ ghi nhận mức tăng 1% so với cùng kỳ, đạt 98,99 tỷ nhân dân tệ (13,7 tỷ USD).

Kết quả này đến giữa lúc ngành thương mại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do thị trường bán lẻ nội địa ảm đạm. Đối thủ của Alibaba, JD.com, cũng không đạt kỳ vọng doanh thu trong báo cáo tài chính quý III công bố hôm 14/11.

Dù vậy, hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế từ chính phủ Trung Quốc đang mang lại một số tín hiệu khả quan cho thị trường. Doanh số bán lẻ tháng 10 ở quốc gia này tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong khi dịp lễ mua sắm 11/11 - "Singles’ Day" cũng hồi sinh với doanh số mạnh mẽ.

Đáng chú ý, tập đoàn của tỷ phú Jack Ma ghi nhận tăng trưởng đột phá về tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) và số lượng người mua đạt mức kỷ lục. Doanh thu từ các nền tảng mua sắm quốc tế của Alibaba, như Lazada và AliExpress, tăng 29% so với cùng kỳ, lên 31,67 tỷ nhân dân tệ (4,38 tỷ USD).

Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Cloud Intelligence Group của Alibaba ghi nhận doanh thu tăng 7%, lên mức 29,6 tỷ nhân dân tệ (4,1 tỷ USD) trong quý III, nhỉnh hơn mức tăng 6% của quý trước.

Sự tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn của Jack Ma đang nỗ lực tận dụng cơ sở hạ tầng đám mây và tái định vị mình là công ty tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ.

"Tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh đám mây của chúng tôi đã tăng tốc so với các quý trước, với doanh thu từ các sản phẩm thuộc mảng này tăng ở mức 2 chữ số và doanh thu từ các sản phẩm liên quan đến AI đạt mức tăng trưởng 3 chữ số. Chúng tôi tự tin hơn bao giờ hết vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình và sẽ tiếp tục đầu tư để hỗ trợ phát triển dài hạn", Eddie Wu, Giám đốc Điều hành Alibaba cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15/11.

Sau cuộc chỉnh đốn toàn diện vào năm 2022 của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn, năm ngoái Alibaba đã cải tổ bộ phận lãnh đạo và định hình bộ phận này thành động lực tăng trưởng trong tương lai, đồng thời tăng cường cạnh tranh với các đối thủ trong nước như Baidu và Huawei, cũng như các "gã khổng lồ" quốc tế như Microsoft và OpenAI.

Alibaba đã ra mắt sản phẩm theo phong cách ChatGPT của riêng mình mang tên "Tongyi Qianwen" vào năm ngoái, tuần này tiếp tục giới thiệu công cụ tìm kiếm mới dựa trên nền tảng AI cho các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu và châu Mỹ.

Đồng thời, tập đoàn cũng ký kết thỏa thuận đối tác quan trọng kéo dài 5 năm để cung cấp dịch vụ đám mây cho "ông trùm" công nghệ Indonesia GoTo vào tháng 9.

Phát biểu tại Hội nghị Apsara vào tháng 9, CEO Wu cho biết đơn vị đám mây của công ty đang đầu tư "với cường độ chưa từng có" vào nghiên cứu và phát triển công nghệ AI, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

"Tương lai của AI chỉ mới bắt đầu", vị CEO nhấn mạnh.

Người bán hàng trên Alibaba hưởng lợi trong Lễ độc thân 11/11

Alibaba trở nên “đuối sức” trong cuộc chiến tranh giành người mua với các sàn TMĐT khác. Vì vậy, công ty lựa chọn định hình lại mối quan hệ của sàn với người bán.

Dịch vụ 'order' hàng Trung Quốc thất thế

Trước sức ép về giá, tốc độ giao hàng và chính sách hậu mãi của các sàn TMĐT quốc tế, dịch vụ đặt hàng hộ dần mất đi sức hút, phải thu hẹp kinh doanh do khó kiếm lợi nhuận.

Temu gây 'sốt' toàn cầu nhưng tài sản ông chủ liên tục sụt giảm

Ngày 29/10, ông chủ Temu lại tụt thêm 1 bậc trong bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc, trong khi ông chủ TikTok vươn lên dẫn đầu với khối tài sản 49,3 tỷ USD.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm