Alexander Dang và đội hình Việt kiều đủ sức khoác áo tuyển Việt Nam
Thứ bảy, 16/3/2019 07:00 (GMT+7)
07:00 16/3/2019
Không chỉ có Đặng Văn Lâm hay Mạc Hồng Quân, bóng đá Việt Nam còn sở hữu rất nhiều tài năng sáng giá đang lưu lạc tại nước ngoài đủ khả năng cống hiến cho đội tuyển quốc gia.
Thủ môn Filip Nguyễn (Slovan Liberec - CH Séc): Sở hữu chiều cao khủng 1,9 m cùng phong cách thi đấu hiện đại, thủ thành sinh năm 1992 là lựa chọn số một trong khung gỗ của CLB Slovan Liberec, đội bóng hiện xếp hạng 7 tại giải vô địch CH Séc. Mùa giải 2018/19, Filip Nguyễn đang là thủ thành xuất sắc thứ hai giải đấu với tỷ lệ cản phá lên tới 82,5% cùng chuỗi thời gian giữ sạch lưới liên tiếp ấn tượng (440 phút). Trên trang chuyển nhượng Transfermarkt, Filip Nguyễn cũng được định giá lên tới 450.000 euro, tức bằng tổng giá trị của Văn Lâm, Anh Đức, Công Phượng và Xuân Trường cộng lại. Chia sẻ với phóng viên Zing.vn, Filip Nguyễn cho biết đang lên kế hoạch xin lại quốc tịch Việt Nam và lên kế hoạch trở lại Việt Nam vào tháng 6 tới.
Trung vệ trái Nguyễn Quốc Trung (SC Bruhl - Thụy Sĩ): Từng là cái tên "nhẵn mặt" với các đội tuyển từ U17 tới U19 Thụy Sĩ, tuy nhiên, càng về sau, sự nghiệp của Quốc Trung càng chững lại và phải yên phận ở những hạng đấu thấp của Thụy Sĩ. Hiện tại, cầu thủ sinh năm 1990 đang là đội trưởng CLB SC Bruhl tại giải hạng 3 Thụy Sĩ. Trong quá khứ, Quốc Trung từng có cơ hội trở về Việt Nam thử việc. Tuy nhiên, vì HLV ở đội sở tại chưa cho phép, anh đành lỡ hẹn với quê nhà.
Trung vệ thòng Davide Nguyễn Đức (Bình Dương): Trưởng thành từ lò đào tạo Nuova Tor Tre Teste tại Roma, sở hữu chiều cao 1,81 m cùng nền tảng thể chất tốt, Davide Nguyễn sớm lọt vào mắt xanh của nhiều đội bóng tại Serie A. Tuy nhiên, biến cố gia đình buộc Davide phải rời Roma để trở về Việt Nam chăm sóc bố. Tại đây, trung vệ sinh năm 2001 gia nhập CLB Bình Dương và đang cùng U19 Bình Dương tham dự vòng chung kết U19 Quốc gia diễn ra tại Pleiku. Dù có xuất phát điểm tốt, nhưng theo trung vệ Việt kiều này, anh sẽ còn rất nhiều điều phải cải thiện nếu muốn trụ lại ở môi trường bóng đá Việt Nam. Ảnh: Trần Minh.
Trung vệ phải Florentin Phạm Huy Tiến (Steaua Bucharest - Romania): Là thành viên chủ chốt của U19 Romania, được đôn lên đội một năm 17 tuổi và có tên trong danh sách đăng ký tham dự Champions League của Steaua Bucharest, Florentin Phạm từng có một tương lai vô cùng sáng lạn. Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ. Trong những mùa giải gần đây, cầu thủ này bắt đầu có dấu hiệu chững lại và thậm chí phải xuống tập luyện cùng đội hai của Steaua Bucharest. Cánh cửa đội tuyển Việt Nam vẫn rộng mở, và trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại, Florentin Phạm hoàn toàn có thể suy nghĩ lại về việc khoác áo đội tuyển nơi cha mình sinh ra.
Tiền vệ trái Jason Pendant (Sochaux - Pháp): Trong đội hình này, Jason Quang Vinh Pendant chính là cái tên sở hữu bản lý lịch khủng hơn cả. Sau khi được đôn lên đội một Sochaux mùa giải 2016, Jason từng bước khẳng định bản thân và chiếm lấy một suất chính thức bên hành lang trái đội bóng này. Tại Ligue 2 mùa giải năm nay, hậu vệ sinh năm 1997 có 22 lần ra sân cho đội bóng chủ sân Stade Auguste Bonal và là nhân tố không thể thiếu trong đội hình của HLV Peter Zeidler. Chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt cũng đánh giá rất cao cầu thủ này khi định giá anh lên tới 540.000 euro, tức gần gấp đôi giá trị của Đặng Văn Lâm. Trong quá khứ, Jason từng khoác áo đội tuyển U16 và U18 Pháp. Tuy nhiên, ở một đất nước dư thừa tài năng, việc khoác áo đội tuyển quốc gia Pháp gần như là điều không tưởng. Và lựa chọn đội tuyển Việt Nam, quê hương của mẹ anh sẽ là lựa chọn hợp lý hơn đối với cầu thủ này.
Tiền vệ trung tâm Nguyễn Phi (tự do - Thụy Sĩ): Cũng là thành viên quen mặt của các đội tuyển từ U15 đến U19 Thụy Sĩ và thậm chí từng làm đội trưởng U19 Thụy Sĩ tại vòng loại U19 châu Âu 2014, tuy nhiên, chấn thương đầu gối nghiêm trọng hồi tháng 7/2015 cùng 14 tháng ngồi ngoài đã lấy đi tất cả của Nguyễn Phi. Không chỉ "bật bãi" khỏi các cấp độ đội tuyển Thụy Sĩ, anh cũng không thể hiện được nhiều trong màu áo Luzern FC và hiện là cầu thủ tự do sau khi hết hạn hợp đồng với đội bóng. Dẫu vậy, tài năng của cầu thủ sinh năm 1996 vẫn là không thể phủ nhận, và trở về Việt Nam thi đấu sẽ không phải một nước đi tồi với Nguyễn Phi thời điểm này.
Tiền vệ trung tâm Tony Lê Tuấn Anh (Bohemians 1905 - CH Séc): Từng thử việc trong màu áo U20 Việt Nam, thế nhưng, khoảng thời gian làm quen ngắn ngủi cùng chấn thương gặp phải khiến Tony Lê Tuấn Anh không để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, khi trở về CH Séc, tiền vệ này đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc và là thủ quân của U19 Bohemians, CLB đang thi đấu tại giải vô địch quốc gia CH Séc. Nếu tiếp tục duy trì đà thăng tiến hiện tại, đây chắc chắn sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho tuyến giữa đội tuyển Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Goal.com.
Tiền vệ phải Fabian Vy Ngọc (Eintracht Braunschweig - Đức): Trong lần trở về Việt Nam đầu tiên vào năm ngoái, Fabian Vy Ngọc thừa nhận vô cùng hào hứng với khả năng thử sức tại V.League. Tuy nhiên, việc không có mối liên hệ nào với các tuyển trạch viên tại đây khiến anh cùng gia đình lựa chọn giải pháp an toàn, đó là ký hợp đồng thêm 1 năm với Braunschweig. Tháng 7 tới đây, hợp đồng của anh với đội bóng đang chơi tại giải hạng 3 Đức sẽ đáo hạn, và dù khẳng định mình thích hợp với môi trường tại Đức hơn nhưng tiền vệ sinh năm 1999 vẫn hoàn toàn bỏ ngỏ khả năng trở về thi đấu tại Việt Nam.
Tiền đạo trái Nguyễn Anh Hiệp (Sparta Rotterdam - Hà Lan): Từng khoác áo U15 Hà Lan và là bạn thân với Justin Kluivert, con trai huyền thoại Patrick Kluivert, tuy nhiên, Anh Hiệp cũng gặp vấn đề giống nhiều cầu thủ Việt kiều khác. Đó là việc bắt đầu chững lại khi bước vào độ tuổi trưởng thành. Khoác áo đội tuyển Hà Lan gần như là nhiệm vụ bất khả thi ở thời điểm này với Anh Hiệp, bởi vậy, anh cho biết sẵn sàng thi đấu cho đội tuyển Việt Nam nếu nhận được lời mời. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Anh Hiệp chính là quốc tịch. Dù có bố mẹ là người Việt nhưng Anh Hiệp không có quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tuổi thơ gắn liền với bố mẹ nuôi người Hà Lan khiến cầu thủ này hoàn toàn không biết tiếng Việt, và đây sẽ là rào cản lớn cho cầu thủ sinh năm 1999 này nếu trở về Việt Nam thi đấu.
Tiền đạo phải Daniel Prochazka (Usti nad Labern - CH Séc): Trước khi tốt nghiệp học viện bóng đá Teplice, Prochazka từng lọt vào top 100 cuộc thi Nike The Chance và có vinh dự đến Barcelona để tập luyện cùng thần tượng Andres Iniesta. Sau đó, anh trở lại CH Séc và khoác áo CLB Usti nad Labern tại giải hạng hai nước này nhằm tìm kiếm cơ hội ra sân thường xuyên thay vì chỉ thi đấu ở đội dự bị của các CLB lớn hơn. Cuối năm 2017, thông qua giới thiệu, Prochazka từng thử việc tại CLB Viettel nhưng không thành công. Tuy nhiên, với sự tiến bộ nhanh chóng trong hơn một năm vừa qua, cánh cửa trở lại Việt Nam thi đấu vẫn hoàn toàn rộng mở với tiền đạo sinh năm 1995 này.
Tiền đạo cắm Alexander Dang (Nest-Sotra - Na Uy): Thời gian qua, Alexander Dang chính là cái tên Việt kiều được người hâm mộ Việt Nam săn lùng gắt gao nhất bên cạnh Đặng Văn Lâm. Trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam đang thiếu vắng một trung phong đích thực sau khi chia tay Anh Đức, tiền đạo cao 1,84 m và ghi tới 186 bàn thắng sau 174 trận gần nhất này sẽ là lựa chọn hoàn hảo trên hàng công cho HLV Park Hang-seo. Thông qua người đại diện Mikail Adampour, Alex cũng bày tỏ nguyện vọng được khoác áo tuyển Việt Nam và sẵn sàng hồi hương nếu nhận được lời mời.
Đội hình cầu thủ Việt kiều đủ khả năng khoác áo đội tuyển Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc.
Dự bị:
Thủ môn Patrik Lê Giang (MFK Karvina - CH Séc).
Hậu vệ Võ Thành Nhân (U19 Hannover 96 - Đức).
Hậu vệ Adriano Schmidt (Hải Phòng).
Tiền vệ Boby Lương Nguyên Bảo (Viettel).
Tiền đạo Emil Lê Giang (FK Iskra Borcice - CH Séc).
Nguyễn Công Phượng là một cầu thủ bóng đá đang thi đấu ở vị trí tiền đạo câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trải qua vòng tuyển chọn gắt gao, Công Phượng là một trong các cầu thủ nhí được ghi danh vào Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG khóa 1. Công Phượng được huấn luyện viên Miura Toshiya triệu tập vào đội tuyển quốc gia U23 Việt Nam để tham dự SEA Games 28. Tại giải đấu lần này, Công Phượng ghi 3 bàn thắng cùng nhiều pha kiến tạo.
Lương Xuân Trường là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam thuộc lứa Học viện HAGL-JMG. Năm 2015, Xuân Trường cùng lứa cầu thủ khóa 1 học viện HAGL – JMG được chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đôn lên đá V.League 2015 trong màu áo câu lạc bộ HAGL. Ngày 28/12/2015, Xuân Trường chuyển sang thi đấu cho CLB Hàn Quốc Incheon United, đội đang thi đấu tại K League Classic, theo diện cho mượn trong 2 năm, với mức phí chuyển nhượng được cho là khoảng 300.000 USD/năm. Vào 21/12/2016, Xuân Trường chuyển từ Incheon United sang Gangwon FC dưới dạng hợp đồng cho mượn thời hạn 1 năm. Tuy nhiên trong năm 2017, Xuân Trường cũng chỉ được đá 3 trận ở Gangwon United, với thời gian 152 phút.
Bạn có biết: Bàn thắng quốc tế đầu tiên của Xuân Trường ghi cho ĐT Việt Nam vào lưới CHDCND Triều Tiên ngày 16/10/2016 trên SVĐ Thống Nhất (TP.HCM).
Đặng Văn Lâm (tên tiếng Nga Lev Shonovich Dang) là một cầu thủ bóng đá mang hai dòng máu Việt - Nga, hiện đang chơi ở vị trí thủ môn tại câu lạc bộ Hải Phòng và Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.
Nguyễn Anh Đức là một cầu thủ bóng đá, hiện thi đấu cho Câu lạc bộ bóng đá Bình Dương. Vị trí sở trường của anh là tiền đạo. Năm 2015 anh được trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2015 sau khi giúp Becamex Bình Dương đoạt cú đúp V-League và Cúp Quốc gia. Năm 2017 anh giành được giải Quả bóng bạc Việt Nam.
Thông qua người cha Phillip Chandler, tài năng trẻ mang 2 dòng máu Việt - Mỹ là Kenny Phi Hoang Chandler đã bày tỏ khát vọng mãnh liệt được thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam.
Sinh ra và được đào tạo chuyên nghiệp tại CH Czech, thủ môn Việt kiều Filip Nguyễn đau đáu ước mơ được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam dù từng một lần thất bại trong quá khứ.