Trong bài viết gần đây nhất “Tuổi trẻ đói khát”, TS. Alan Phan thổ lộ quyết định rời Việt Nam trở về Mỹ làm ăn: “Có nhiều lý do để tôi rời Việt Nam đi tìm một môi trường kinh doanh khác…nhưng lý do thường níu kéo tôi lại nơi đây là “ngọn lửa” của tuổi trẻ Việt". "Họ làm tôi gợi nhớ đến hình ảnh của tôi khoảng 30, 40 năm về trước… Cũng như tôi ngày xưa, mọi người trẻ đều mang trong mình cái đói khát… đói tự do và khát thành công”.
- Lý do ông "rời bỏ" Việt Nam?
- Chữ “rời bỏ” quá rộng và có thể gây hiểu lầm. Thực sự, 8 năm nay tôi về Việt Nam khá thường xuyên, nhưng nơi định cư chính vẫn là ở Hong Kong và Thượng Hải. Lần này tôi sẽ định cư lâu dài ở Mỹ hơn.
- Nghĩa là rời “châu Á”? Vì lý do kinh doanh hay vì lý do nào khác?
- Trong cuộc sống của tôi, kinh doanh là một “hobby” lớn nên tỷ trọng trong mọi quyết định khá cao. Tuy nhiên, lần này lý do chính là vì một quyết tâm thay đổi. Tôi đã ở châu Á suốt 20 năm qua, đã đến lúc phải lật một trang sử mới cho đời sống cá nhân.
- Ở tuổi 69? Và tại sao là Mỹ?
- Khi tôi bắt đầu thấy sự nhàm chán chiếm hữu phần lớn tư duy và ngọn lửa nội tại, là tôi bắt đầu phân tích và tìm giải pháp để cuộc sống hàng ngày năng động và khởi sắc hơn. Ở bất cứ tuổi nào. Ưu tiên về lựa chọn và phong cách có thể thay đổi theo tuổi tác, nhưng chúng ta luôn cần tìm cho ra hạnh phúc của cá nhân mới đóng góp hữu hiệu được cho gia đình, bạn bè và tha nhân.
TS.Alan Phan. |
Môi trường sống ở Mỹ là lựa chọn số 1 của gia đình. Trẻ em và phụ nữ tìm thấy sự tự lập và hài hòa, rất cần cho tâm hồn dễ bị thương tổn.
Riêng tôi, sau khi nghiên khảo về những lực chuyển của nền kinh tế thế giới gần đây, tôi thấy xứ Mỹ sẽ lại là sân chơi tiên phong cho doanh nhân dựa trên kiến thức, công nghệ và quy luật thị trường. Ít nhất trong vài chục năm tới.Nó sẽ giúp tôi hào hứng và sáng tạo trong cuộc chơi mới.
- Cuộc chơi mới sẽ gồm những gì, ông có thể cho biết cụ thể hơn?
- Tôi đã thiết lập một quỹ đầu tư nhỏ cùng 2 đối tác Mỹ lâu năm trong nghề. Họ đã có sẵn cơ sở, nhân viên, mạng lưới tài chánh…và tôi cũng đã làm hơn 20 năm trong lĩnh vực này, nên chắc sẽ còn dư thì giờ làm những phi vụ khác.
Thực sự, tôi muốn thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D tạo ra một sản phẩm đặc thù và xây dựng hoàn thiện một thương hiệu mình có thể hãnh diện.
- Một dự án như vậy phải mất bao lâu và cơ hội thành công thế nào?
- Tôi dự trù sẽ đầu tư ít nhất 20 năm nữa của cuộc đời mình (nếu sống mạnh khỏe được đến đó) và sau đó sẽ cần một thế hệ lãnh đạo mới cho công ty trong nhiều thập kỷ khác. Còn tỷ lệ thành công thì chắc cũng như các khởi nghiệp khác, khoảng 10 đến 20 phần trăm.
- Nghĩa là rất rủi ro và có thể trở thành một thất bại cuối đời?
- Điều lo ngại duy nhất của tôi là khi vào cuộc chơi mới, mình có giữ được niềm tin và đam mê, đủ sức khỏe để thi thố mọi nội lực và hãnh diện với phong cách chơi của mình. Chuyện thành bại còn cả 20 năm hơn mới rõ ràng, không nên suy tính lo lắng vào thời điểm này. Cứ đi ắt sẽ đến mà!
- Còn chuyện viết “lách” trên Góc nhìn Alan và những cuốn sách? Ông có thì giờ để tiếp tục?
- Ngày xưa, trong 4 món tứ đổ tường, tôi chỉ thích có 1 món và mất khoảng 25% thì giờ vào đó. Bây giờ, già, hết hormone và có gia đình, tôi không còn phải mất thì giờ vào món đó. Như vậy chắc chắn là tôi vẫn còn 25% khung thời gian.
- Quay qua một đề tài khác, ông nghĩ thế nào về cơ hội làm ăn ở Việt Nam?
- Vì GNI (thu nhập cá nhân) đang ở vào mức rất thấp tại châu Á, nên Việt Nam có nhiều room để tăng trưởng lâu dài. Đây là một tiềm năng luôn làm các nhà đầu tư nước ngoài trọng vọng.
Tuy nhiên, sau khi vào cuộc, họ thường thấy sân chơi chia rõ làm hai thị trường, do sự cách biệt quá lớn giữa người giàu và người nghèo. Sự cách biệt này càng ngày càng gia tăng chứ không giảm.
Chính sách tỷ giá và ưu đãi thuế cho FDI khiến sức tiêu thụ của người dân gặp khó khăn; và hoạt động của SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) của tư nhân không vực được gánh nặng của phí thuế hay nợ công.
Do đó, nếu không có một thay đổi sâu rộng từ cốt lõi (tư duy và cơ chế), Việt Nam sẽ vẫn là một thị trường “tiềm năng” nghèo trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc cạnh “cơ hội” của những đại gia có nhiều quan hệ thì Việt Nam là một cơ hội béo bở, không có nhiều đối thủ tài năng cạnh tranh; và lối làm giàu gia tốc qua vài phi vụ vượt xa mọi cơ hội ở các nền kinh tế thị trường ổn định.
- Có thể còn lâu lắm ông mới về lại Việt Nam. Lời nói để chia tay?
- Tôi luôn quan niệm là “never say goodbye”. 8 năm qua, tôi đã thao thức chờ trời sáng để bắt tay vào việc. Nhưng đợi mãi không được, nên bây giờ quay về Mỹ “ngủ tiếp”. Biết đâu vừa về thì mặt trời lại ra khỏi đám mây và rọi sáng vạn vật. Dù sao, đây vẫn là quê hương. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng quá nhiều để gây ra những thất vọng vô ích. Tôi tin là các bạn trẻ của tôi vẫn tiếp tục hàng ngày, làm những việc phải làm, để “tăng giá trị” cho bản thân và cộng đồng. Trời phải bình minh vì đây là quy luật của vũ trụ. Cơn bão dài sẽ qua và những ngày mới sẽ bắt đầu. Tôi tin như vậy.
Tôi chúc mọi người được bình an và may mắn!
Xin trân trọng cám ơn ông!