Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ bước sang một giai đoạn mới khi Tổng thống Joe Biden rút quân khỏi Afghanistan, với hạn chót là 11/9, dịp kỷ niệm sự kiện tổ chức khủng bố Al Qaeda tấn công tòa tháp đôi ở New York năm 2001.
Giờ đây, Washington đứng trước một mối lo mới, khi Al Qaeda tuyên bố cuộc chiến chống phương Tây "còn xa mới kết thúc", với mục tiêu cuối cùng là Mỹ rời khỏi thế giới Hồi giáo.
Lời đe dọa từ Al Qaeda
Lời đe dọa mới nhất được hai chỉ huy của Al Qaeda đưa ra thông qua một cuộc phỏng vấn hiếm hoi bất thường với CNN.
Trong quá khứ, Al Qaeda hiếm khi phản hồi trước các câu hỏi của giới truyền thông phương Tây. Thay vào đó, tổ chức này chỉ phát đi những luận điệu tuyên truyền của riêng mình. Hiện chưa rõ vì sao Al Qaeda bất ngờ thay đổi sách lược.
Paul Cruickshank, chuyên gia về khủng bố từ mạng lưới nghiên cứu CTC Sentinel, cho rằng Al Qaeda có thể đang "phấn khích bởi quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Biden".
Trả lời CNN, hai thành viên Al Qaeda ca ngợi Taliban vì đã kéo dài cuộc chiến với Mỹ suốt 20 năm qua.
"Nhờ có những người anh em ở Afghanistan, nhiều mặt trận thánh chiến khác đã có thể hoạt động thành công trong khắp thế giới Hồi giáo suốt một thời gian dài", đại diện Al Qaeda nói.
Tháng 9 tới, cuộc chiến dài nhất của Mỹ, với mục tiêu ban đầu là tiêu diệt Al Qaeda, sẽ chính thức đi đến hồi kết.
Binh sĩ Mỹ sẽ rút hết khỏi Afghanistan vào 11/9. Ảnh: AFP. |
"Bin Laden đã chết, Al Qaeda đã rệu rã ở Afghanistan. Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến không hồi kết này", Tổng thống Biden phát biểu khi công bố kế hoạch rút quân.
Cơ sở cho quyết định rút quân của Washington là thỏa thuận đạt được với Taliban vào tháng 2/2020, theo đó tổ chức này cam kết cắt đứt quan hệ với Al Qaeda.
Thế nhưng, việc đại diện Al Qaeda bất ngờ phản hồi lại đề nghị liên hệ của CNN cho thấy một câu chuyện khác. Rất có thể Taliban không có ý định tuân thủ cam kết với Washington về mối quan hệ với Al Qaeda.
CNN đã liên hệ với Taliban đề nghị bình luận về quan hệ của tổ chức này với Al Qaeda, nhưng không nhận được phản hồi. Vì thế, phản hồi của Al Qaeda đối với CNN trở thành nguồn thông tin hiếm hoi về kịch bản có thể xảy ra sau khi Mỹ rút quân.
Peter Bergen, chuyên gia nghiên cứu về các tổ chức khủng bố, phân tích các câu trả lời của đại diện Al Qaeda và nhận định chúng có tính xác thực cao.
Ông Bergen nhấn mạnh một đoạn hội thoại, trong đó đại diện Al Qaeda cho biết nhóm Taliban ở cả Pakistan và Afghanistan duy trì quan hệ "anh em Hồi giáo" với Al Qaeda.
"Câu trả lời xác nhận những gì Liên Hợp Quốc từng cho biết, rằng Taliban thường xuyên tham vấn Al Qaeda trong quá trình đàm phán với Mỹ, đồng thời cam đoan (với Al Qaeda) rằng nhóm này (Taliban) trân trọng mối quan hệ lịch sử với tổ chức khủng bố", ông Bergen nói.
Vùng đất tự do cho Al Qaeda?
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, hai đại diện Al Qaeda tuyên bố cuộc chiến Afghanistan là một chiến thắng.
"Người Mỹ giờ đã bị đẩy lùi. Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã giáng một đòn vào nền kinh tế Mỹ", đại diện Al Qaeda nói.
Dù vậy Al Qaeda thừa nhận những thiệt hại mà tổ chức này đã phải hứng chịu, cho biết đã gửi nhiều chiến binh lão luyện tới Syria, và nhiều tay súng trong số này đã "tử vì đạo trong những năm gần đây".
Al Qaeda cũng thừa nhận sự kiện biệt kích Seal Team 6 của Mỹ tiêu diệt ông trùm Osama Bin Laden đã khiến tổ chức này suy yếu, khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan ít danh tiếng khác như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy.
"Họ đã hưởng lợi từ cái chết của các thủ lĩnh Osama, Atiyahullah, Abu Yahya Al-Libi và nhiều chiến binh khác", đại diện Al Qaeda nói.
Hình ảnh từ một đoạn video tuyên truyền của Al Qaeda. Ảnh: Inside Arabia. |
Những năm gần đây, những tội ác của IS ở Trung Đông cũng như châu Âu đã phần nào lấn át hình ảnh của Al Qaeda. Tuy nhiên, đại diện Al Qaeda khẳng định tổ chức này chỉ "im hơi lặng tiếng chiến thuật" và đang theo đuổi "cuộc chiến trường kỳ" trên "những mặt trận khác".
Thủ lĩnh hiện nay của Al Qaeda là Ayman al-Zawahiri ít danh tiếng hơn so với ông trùm Bin Laden. Tuy thế, Al Qaeda vẫn tự cho mình là lãnh đạo của phong trào thánh chiến. Các chi nhánh của Al Qaeda vẫn hoạt động từ Yemen, Syria cho tới Bắc Phi.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden gián tiếp thừa nhận nguy cơ Taliban trở mặt và Al Qaeda một lần nữa trỗi dậy.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định Washington sẽ tiếp tục duy trì các nguồn lực đủ để ngăn chặn những mối đe dọa nhắm vào nước Mỹ trong tương lai.
"Đe dọa khủng bố đã phát triển vượt ra ngoài phạm vi Afghanistan, chúng ta sẽ tiếp tục cảnh giác trước các đe dọa, dù chúng đến từ đâu. Al Qaeda và ISIS ở Yemen, Syria, Somalia và những nơi khác ở châu Phi, Trung Đông, và xa hơn nữa", ông Biden nói.
Trong bài phỏng vấn, Al Qaeda dường như nhấn mạnh vào ảnh hưởng của tổ chức này đối với Taliban ở Pakistan.
"Taliban Pakistan và các lãnh đạo của họ không chỉ đang tiếp tục bước đi dưới ánh sáng của Sharia (luật Hồi giáo), họ còn có thể đưa ra những quyết định ngày càng sáng suốt dựa trên những sai lầm trong quá khứ và những thành tựu đạt được nhờ gắn bó với Sharia", đại diện Al Qaeda nói.
Không rõ tuyên bố này có nhằm ám chỉ Taliban đứng sau vụ tấn công vào một khách sạn ở Pakistan nơi đại sứ Trung Quốc lưu lại xảy ra tuần trước hay không.
Lực lượng an ninh Pakistan cho biết đại sứ Trung Quốc không phải mục tiêu cuộc tấn công. Dù vậy, vụ việc cũng cho thấy Al Qaeda đang khôi phục lại sức mạnh.
"Nếu Taliban tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với Al Qaeda như những gì đại diện tổ chức này tuyên bố và theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, bài phỏng vấn cho thấy thay vì ngừng bắn với Mỹ, Taliban sẽ tiếp tay cho Al Qaeda trong cuộc chiến chống lại Mỹ, như từng xảy ra trong quá khứ", CNN nhận định.
Al Qaeda không hề giấu diếm rằng Afghanistan, đất nước từng là căn cứ lên kế hoạch vụ tấn công đẫm máu nhất vào Mỹ, một lần nữa là vùng đất mở để tổ chức này tự do sử dụng.
"Mỹ không phải là vấn đề của những người anh em Afghanistan, nhưng nhờ sự hy sinh của họ trong cuộc chiến, người Mỹ giờ đã bị đẩy lùi. Dù là Cộng hòa hay Dân chủ, cả hai (tổng thống) đều đưa ra quyết định cuối cùng là rút lui khỏi cuộc chiến", đại diện Al Qaeda nói.