Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai thực sự sở hữu Huawei?

Sự bí ẩn của Huawei khiến nhiều người đặt ra câu hỏi ai ở Trung Quốc thực sự sở hữu tập đoàn công nghệ có doanh thu hơn 100 tỷ USD.

Cơ cấu của các công ty hàng đầu thế giới là rất rõ ràng và cụ thể. Việc xác định người chịu trách nhiệm cao nhất của những tập đoàn này là điều rất đơn giản. Nhưng với Huawei, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, câu hỏi "Ai là chủ sở hữu thực sự?" thì lại không hề dễ trả lời. 

Theo báo New York Times, do phải đối mặt với sự nghi ngờ của chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác, tập đoàn Trung Quốc đang có những động thái thể hiện sự cởi mở và minh bạch nhằm xây dựng lòng tin.

chu so huu huawei la ai anh 1
Trụ sở Huawei tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Japan Times

Tuy nhiên những nỗ lực của Huawei không hẳn lúc nào cũng thành công. Một nguyên nhân là do có nhiều câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng Huawei không thể trả lời một cách rõ ràng.

Công đoàn nắm giữ 99% cổ phần Huawei

Ngày 17/4, tác giả Donald Clark thuộc Đại học George Washington và Christopher Balding thuộc Đại học Fullbright Việt Nam công bố một nghiên cứu với tên gọi “Ai sở hữu Huawei”.

Trong nghiên cứu này, hai tác giả cho biết Huawei được sở hữu hoàn toàn bởi một công ty làm chủ cổ phần (holding company), trong đó 99% do một tổ chức gọi là “ủy ban công đoàn” nắm giữ.

Theo các tài liệu chính thức, một công ty holding có tên Huawei Investment & Holding sở hữu hoàn toàn Huawei Technologies. Công ty này chỉ có cổ đông là ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, và công đoàn của Huawei Investment & Holding. Tuy nhiên, ông Nhậm chỉ sở hữu hơn 1% cổ phần công ty.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng công đoàn này - nếu như có tổ chức giống như các công đoàn khác tại Trung Quốc (có sự tham gia của chính phủ) - thì điều đó đồng nghĩa với việc với Huawei thuộc sở hữu và chịu sự điều khiển của chính phủ Trung Quốc. 

Huawei đã lên tiếng phủ nhận quan điểm này. Theo ông Jiang Xisheng, chánh văn phòng hội đồng quản trị của Huawei, công đoàn không có tác động đến định hướng của công ty, và công đoàn được tổ chức theo quy định của luật pháp.

chu so huu huawei la ai anh 2
Những nghi ngờ về tổ chức của Huawei khiến công ty này bị nhiều quốc gia cấm cửa cung cấp mạng 5G. Ảnh: Reuters.

“Ủy ban công đoàn chỉ quản lý công đoàn của Huawei, tức là tổ chức các hoạt động ngoài giờ như thể dục thể thao, nhằm đảm bảo nhân viên có đời sống cân bằng. Công đoàn không hề có tác động gì đến các quyết định kinh doanh và tổ chức của Huawei”, ông Jiang nhấn mạnh.

Thông tin này được Huawei đưa ra sau khi báo Times của Anh mô tả báo cáo của CIA, khẳng định Huawei nhận tài trợ từ chính phủ và quân đội Trung Quốc cũng như mạng lưới tình báo nước này.

Người sở hữu Huawei là một chủ đề được quan tâm nhưng khó tìm được lời giải, bởi Huawei chưa từng bán cổ phiếu cho công chúng trong hơn 30 năm hoạt động. Công ty này luôn khẳng định rằng quyền sở hữu hoàn toàn thuộc về những nhân viên, và không có tổ chức nào khác có cổ phần.

New York Times cho biết trong cuộc họp báo ngày 25/4, ông Jiang còn đem ra một cuốn sách làm bằng chứng. Cuốn sách này - được đặt trong tủ kính khóa chặt tại trụ sở Huawei tại Thâm Quyến - gồm 10 phần liệt kê tất cả những nhân viên có cổ phần của Huawei. Ông Jiang cho rằng đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc không sở hữu Huawei. 

Nhân viên được sở hữu “cổ phần ảo”

Theo ông Jiang, mọi nhân viên đều được sở hữu một “cổ phần ảo” của Huawei. Ông giải thích việc sở hữu cổ phần ảo giúp cho nhân viên chia sẻ với các khó khăn của công ty hoặc được hưởng lợi khi công ty làm ăn phát đạt. Cổ phần ảo cũng giúp cho họ có quyền lựa chọn ủy ban đại diện, từ đó chọn lên hội đồng quản trị.

Lượng cổ phần ảo này về lý thuyết không liên quan gì đến cổ phần thực tế do công đoàn nắm giữ. Cổ phần ảo cũng có những sự khác biệt so với cổ phần thật: chúng không thể được chuyển nhượng cho người khác, và nhân viên nghỉ việc sẽ không được sở hữu cổ phần ảo nữa.

Khi một người nghỉ việc, Huawei sẽ mua lại lượng cổ phần của người đó, nhưng điều này sẽ không xảy ra đối với những người đã làm việc lâu năm.

Theo tác giả nghiên cứu “Ai sở hữu Huawei”, chương trình cổ phần ảo của Huawei chỉ là cách để công ty này chia sẻ lợi nhuận với nhân viên khi làm ăn phát đạt, và những người sở hữu cổ phần ảo không có tiếng nói trong định hướng công ty.

chu so huu huawei la ai anh 3
Đại diện của Huawei cho rằng mô hình "cổ phần ảo" giúp nhân viên công ty có động lực làm việc, trong khi họ vẫn là một công ty tư nhân. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên ông Jiang thì khẳng định cổ phần ảo là thứ giúp cho nhân viên chia sẻ khó khăn khi công ty thua lỗ, và nếu Huawei phá sản thì họ vẫn có quyền được hưởng một phần tài sản của công ty.

Trong nỗ lực tỏ ra minh bạch, Huawei vừa qua đã lần đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý. Họ cũng mời rất nhiều nhà báo trên thế giới tới trụ sở công ty ở Thâm Quyến để phỏng vấn các lãnh đạo, bao gồm cả ông Nhậm Chính Phi, người hiện giữ chức tổng giám đốc.

Tuy nhiên với giới quan sát, những động thái này vẫn chưa giúp cho hình ảnh của Huawei bớt phần bí mật. Dù Huawei liên tục khẳng định không làm theo những mệnh lệnh từ chính phủ Trung Quốc, người ngoài vẫn không đủ thông tin để kết luận.

“Sẽ rất khó khẳng định điều gì nếu như bạn không phải là một công ty đại chúng”, New York Times dẫn lời chuyên gia Xiaomeng Lu thuộc công ty tư vấn Access Partnership nhận định. Theo bà Lu, nếu niêm yết tại các sàn chứng khoán của Mỹ, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ giúp cả thế giới biết rõ hơn cách họ vận hành.

Tuy nhiên theo góc nhìn của Huawei, một phần thành công của họ đến từ việc họ không phải chịu những áp lực tài chính ngắn hạn mà các công ty đại chúng thông thường phải nhận. Ông Jiang mô tả mô hình của Huawei vừa giúp tạo động lực cho nhân viên, vừa giúp hãng vẫn hoạt động theo mô hình tư nhân.

“Với nhiều người, dù bạn có nói thế nào thì họ cũng chỉ nói theo cách họ muốn. Họ sẽ không nghe những gì bạn trình bày”, ông Jiang than thở.

Tại sao Trung Quốc hào hứng chạy đua công nghệ 5G? Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ để có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc.

Cư dân mạng Trung Quốc phản đối văn hóa làm việc '996' của Jack Ma

Những người phản đối đã lên kế hoạch gửi bản sao của Luật lao động Trung Quốc đến trụ sở Alibaba.


Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm