Một chiếc xe lửa điện màu đỏ đang chạy, nối các thành phố Paris, Verona và Grenada với nhau qua cầy cầu Budapest Liberty. Chuyến xe lửa này hướng tới lâu đài Heidelberg trong một công viên rộng 120 ha. Tất cả nhũng ý tưởng này đang dần thành hình trong đầu của vị tỷ phú Trung Quốc Nhậm Chính Phi.
Ông Nhậm Chính Phi, 74 tuổi, cựu quân nhân và là người sáng lập công ty viễn thông Huawei năm 1987. Ông đã yêu cầu kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma tái tạo một số thành phố lịch sử của Châu Âu với hy vọng truyền cảm hứng cho một “đội quân” gồm 25.000 nhà nghiên cứu và phát triển của mình. Tất cả vì mục tiêu thách thức Apple, Google và Samsung.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ luôn giữ kín cơ sở nghiên cứu để ngăn chặn gián điệp từ Huawei (được cho là được chống lưng bởi chính phủ Trung Quốc), thì công ty này lại mời những kênh truyền thông quốc tế vào phòng thí nghiệm và nhà máy của mình. Động thái của Huawei nhằm phản ứng lại tuyên bố từ chính phủ Mỹ, rằng công ty là một cánh tay của nhà nước Trung Quốc nhằm tấn công nền chinh trị phương Tây,
Giai đoạn khó khăn của Huawei
Các chính trị gia Mỹ cáo buộc mạng viễn thông mà Huawei sắp cung cấp có thể bị các điệp viên Trung Quốc tấn công để nghe lén các cuộc gọi nhạy cảm, tiếp cận những cuộc điện đàm phỏng vấn, và thậm chí giết chết chính khách bằng cách cho xe tự hành đâm vào xe chở họ. Những quốc gia đã cho phép công nghệ 5G của Huawei hoạt động cũng bị cảnh báo về việc buộc chấm dứt nhận nguồn thông tin tình báo mà Mỹ chia sẻ.
Mỹ cũng đã ra lệnh bắt giữ con gái chủ tịch Huawei, Meng Wanzhou, đồng thời là giám đốc tài chính của công ty vì những cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ nước này đối với Iran.
Bà Meng bị giam giữ tại Vancouver, Canada vào tháng 12 và vẫn đang bị quản thúc tại gia trong khi chờ dẫn độ về Mỹ. Huawei kịch liệt phủ nhận các cáo buộc và cho rằng đây là một ví dụ khác về chiến thuật gây áp lực chính trị của Mỹ. Meng Wanzhou hiện kiện ngược lại Canada vì tội bắt người vô căn cứ.
Bà Mạnh Vãn Châu trong thời gian quản thúc tại gia. Ảnh: Caixin. |
“Chúng tôi đã dành hơn một thập kỷ để tìm tiếng nói chung với chính phủ Mỹ, qua đó tìm cách cho họ thấy Huawei thực sự là ai”, Catherine Chen, một phó giám đốc của Huawei trả lời phỏng vấn của The Guardian tại trụ sở của tập đoàn ở Thâm Quyến: “Đã đến lúc chính phủ nước này trình bày các bằng chứng và sự thật để chứng minh cho cáo buộc của họ”.
Chen, người đã từng nhiều lần thăng cấp tại Huawei trong suốt 25 năm làm việc, cho biết công ty đã cố gắng tránh một cuộc tranh cãi công khai với Mỹ, nhưng vẫn trong trạng thái sẵn sàng cho cuộc chiến. “Bên đối lập đang sử dụng rất nhiều nguồn lực của họ, cả các biện pháp chính trị và ngoại giao để bôi bác chúng tôi”, cô nói: “Họ đã can thiệp và hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này khá hiếm gặp. Các công ty hiếm khi bị đối xử thế này”.
Đại bản doanh Huawei có gì?
Chiến thuật của Huawei hiện tại có vẻ không giống với những gì một công ty Trung Quốc thường làm: mời hàng chục phóng viên quốc tế đến thăm văn phòng và tự do đặt câu hỏi cho các giám đốc điều hành. Chỉ riêng trong tuần này, công ty đã chi hàng trăm nghìn USD để chi trả cho đông đảo nhà báo từ khắp Châu Âu, Australia, Ấn Độ, Châu Phi và Nam Mỹ để đến dự hội nghị của mình.
Bên trong nhà máy của Huawei. Ảnh: The Guardian. |
Khu phức hợp mới trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) tại Đông Quản của Huawei có diện tích tương đương với khoảng 140 sân bóng đá. Một chuyến khứ hồi trên tàu điện quanh khuôn viên sẽ mất 22 phút để đi qua toàn bộ 12 “thành phố” bên trong. Khu phức hợp cũng sẽ bao gồm nhà ở cho hàng nghìn công nhân, được cấp với thời hạn kéo dài đến 8 năm.
Khi tàu điện đến trạm dừng Heidelberg vào buổi trưa, hàng chục nhân viên - trong trang phục ảnh hưởng từ “thời trang thung lũng Silicon”, với quần jean, áo phông in logo và hoodie - tiến đến bàn của họ tại 1 trong 24 căn-tin ở khu Heidelberger Schloss để cùng nhau ăn trưa. Ngoài ra, trong khu phức hợp còn những nhà hàng cao cấp hơn phục vụ cho dịp đặc biệt.
Thực đơn tiêu biểu có đậu phụ với mì, thịt lợn chua ngọt giá 10 tệ (1,5 USD), và có món đặc biệt cho từng ngày. Tấm áp phích treo trên tường trông khá vẻ hấp dẫn khi tiếp thị ly rượu vang Mossel chỉ với giá vài tệ, cùng khẩu hiệu bằng tiếng Anh và tiếng Trung: “Uống Mossel hoặc đừng uống gì cả”. Nhà sản xuất rượu vang Mossel cũng là một công ty con của Huawei.
Huawei bắt đầu thương hiệu rượu này sau khi công ty nhận thanh toán từ một khách hàng Argentina, người này đã đề nghị “trả tiền” bằng rượu và thịt bò để tránh việc kiểm soát tiền tệ. Hầu hết loại rượu từ thoả thuận đó hiện được dùng hết, và phát ngôn viên của Huawei cũng giải thích rằng số thịt bò nhận được là thịt bò đã xử lý, không phải dưới dạng bò sống thực sự.
“Chúng tôi đã thoả thuận với một nhà điều hành Argentina và nhận thanh toán bằng thịt bò. Một số dùng để bán và số khác được chuyển về cho các nhân viên, cũng để bán”, người phát ngôn nói. “Công ty cũng đã chấp nhận thành toán bằng ngũ cốc và các mặt hàng khác do hệ quả của việc kiểm soát đồng nhân dân tệ”.
Tại một nhà máy sản xuất điện thoại, cũng trong khu phức hợp, công nhân mặc quần áo đồng phục - gồm áo khoác phòng thí nghiệm màu trắng, giày đen và mũ lưỡi trai với một trong 3 màu: trắng cho người vận hành máy, hồng cho bộ điều khiển chất lượng và màu xanh cho kỹ sư. Trong những năm gần đây, số lượng mũ trắng đã giảm đáng kể khi Huawei cố gắng hạn chế lượng nhân công tay nghề thấp trong số 188.000 công nhân của mình.
Những công nhân "mũ trắng". Ảnh: The Guardian. |
Lúc phóng viên trang The Guardian đến thăm nhà máy năm 2015, số lượng công nhân trên dây chuyền sản xuất là 86 người so với con số 17 của năm nay, vì robot và AI đã thay con người trong những tác vụ đơn giản. Một công nhân đã từng thuyết phục người quản lý rằng robot có thể hoàn thành công việc tốt hơn chính anh ta, và người công nhân này đã được thăng chức lên cấp quản lý.
Một nhóm trưởng tại nhà máy cho biết các công nhân được trả tối thiểu 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.500 USD) mỗi tháng và tuyên bố mức lương này cao hơn 50% so với những người làm việc trong vai trò tương tự ở các công ty đối thủ ở Trung Quốc.
Dây chuyền sản xuất, nơi đang làm ra những chiếc P30, các linh kiện vi mạch được đưa vào các cuộn băng dài và đặt vào bảng mạch bằng lazer cùng với robot.
Khoảng 2.500 linh kiện được hàn vào mỗi bảng mạch, bao gồm cụm camera, micro, pin và tấm nền màn hình. Các bộ phận khác sẽ được bổ sung lần lượt để tạo thành chiếc điện thoại hoàn chỉnh sau hai tiếng rưỡi lắp ráp.
Quá trình kiểm tra, chủ yếu do robot thực hiện, mất thêm 11 tiếng nữa. Như vậy, mỗi dây chuyền sản xuất sẽ cho ra một chiếc điện thoại sau khoảng 28,5 giây. Khi tất các dây chuyền hoạt động đều chạy cùng lúc, công ty có thể tạo ra một điện thoại mới mỗi giây.
Một góc trụ sở Huawei tại Shenzhen. Ảnh: The Guardian. |
Quay lại hồi tháng 1/2019, Apple đã buộc phải đưa ra cảnh báo đầu tiên giảm doanh số trong hơn một thập kỷ, do nhu cầu đối với iPhone tại thị trường Trung Quốc dang ngày một ít dần.
Trong khi đó, Huawei vẫn đang phát triển nhanh chóng. Thành công của những dòng điện thoại thông minh, với mức giá rẻ hơn đáng kể so với Apple, đã giúp công ty đạt được mức tăng trưởng 20%, đưa tổng doanh thu đạt mức kỷ lục 721 tỷ Nhân dân Tệ (107 tỷ USD) vào năm ngoái. Lợi nhuận của Huawei cũng tăng mạnh 25% lên 59 tỷ Nhân dân Tệ (khoảng 9 tỷ USD).
Bằng tất cả những nỗ lực và sáng tạo trong việc tái tạo một “thung lũng Silicone” ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, và đưa smartphone Trung Quốc sánh ngang các sản phẩm cao cấp khác trên thị trường quốc tế, Nhậm Chính Phi đã ghi danh mình vào danh sách người giàu nhất thế giới. Theo Forbes, ông là giàu thứ 83 ở Trung Quốc, với khối tài sản cá nhân trị giá 2,2 tỷ USD.