HLV Park đang nhận 20.000 USD tiền lương mỗi tháng. Các điều khoản hợp đồng quy định VFF phải chịu thêm tiền thuế thu nhập cá nhân cho phần lương của ông thầy người Hàn Quốc.
Nguồn thu - chi tài chính của VFF trong việc trả lương cho HLV Park và cộng sự. |
Thu không đủ chi
Thực tế, tiền lương của HLV Park Hang-seo được một tay bầu Đức chi trả. Theo công bố từ phía HAGL, mỗi tháng họ chuyển cho VFF 800 triệu đồng (tương đương khoảng 34.000 USD) gọi là tiền hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam.
Ngoài số tiền bầu Đức gửi hàng tháng, VFF được Tổng cục Thể dục Thể thao hỗ trợ 10.000 USD và toàn bộ số tiền này được dùng trả lương cho đội ngũ trợ lý của thầy Park (5-6 người). Nếu thiếu, đơn vị này phải tự bù đắp bằng cách vận động các nguồn tài trợ khác.
Những khoản tiền nói trên là chi phí cứng. VFF còn có trách nhiệm chi trả các khoản tiền phát sinh đi kèm quá trình làm việc như chi phí sinh hoạt, tiêu vặt, chế độ công tác và lo liệu toàn bộ việc đi lại của thầy Park (bao gồm cả tiền vé máy bay khứ hồi Việt Nam - Hàn Quốc mỗi đợt nghỉ phép).
Khi các đội tuyển tập trung, Ban huấn luyện có chế độ riêng và chế độ này còn cao hơn khi thi đấu quốc tế. Theo tìm hiểu, các tuyển thủ trẻ được hỗ trợ tiền tiêu vặt 20 USD/ngày khi thi đấu trong khu vực Đông Nam Á. Số tiền có thể cao hơn với các chuyên gia và cấp độ đội tuyển quốc gia.
Năm 2018, HLV Park liên tục cùng các học trò chinh chiến ở các giải đấu khu vực và châu lục và gặt hái nhiều thành tích. Nhẩm tính, số tiền chế độ lên tới vài nghìn USD. Chưa kể, hợp đồng cũng quy định VFF có trách nhiệm lo liệu tiền tiêu vặt, đi lại hàng ngày dù các đội tuyển không trong đợt tập huấn.
Sẽ có nhà tài trợ mới
Nếu hợp đồng mới được ký kết, gánh nặng đè lên vai VFF là rất lớn bởi bầu Đức chỉ có trách nhiệm chi trả tiền lương cho HLV Park Hang-seo tới khi kết thúc hợp đồng cũ. Nhiều khả năng nhà cầm quân người Hàn Quốc nhận tiền lương không dưới một tỷ đồng mỗi tháng và nhiều quyền lợi khác kèm theo (nhà ở, đi lại, tiêu vặt...).
12 tỷ đồng/năm là con số không hề nhỏ, VFF sẽ dùng cách nào và vận động ai chịu chi số tiền lớn như vậy?
Cần nhắc lại rằng đi cùng thầy Park luôn là đội ngũ trợ lý hùng hậu. Người đang hưởng lương cao nhất là HLV Lee Young-jin với khoảng 10.000 USD/tháng. Người thấp cũng vào khoảng 3.000 USD. Đếm qua cũng thấy số tiền bỏ ra cho các trợ lý không thua kém ông Park, thậm chí cao hơn.
Theo quy định, nhà cầm quân người Hàn Quốc cùng cộng sự thuộc đối tượng người nước ngoài có cư trú. Với thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi tháng, họ phải chịu 35% thuế TNCN. Điều đó đồng nghĩa VFF phải chi ra số tiền không dưới 54.000 USD, chỉ cho riêng HLV Park.
Mới đây, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã bày tỏ sự tin tưởng vào việc đàm phán thành công với thầy Park: "Tôi tin rằng chúng ta có thể huy động sự đóng góp từ các nguồn lực xã hội hóa. Họ sẽ cùng Tổng cục TDTT, VFF đồng hành để không chỉ HLV Park mà cả ê-kíp của ông ấy có thể làm việc trong điều kiện tốt nhất, trên tinh thần không để HLV phải thiệt thòi”.
Thầy Park nhiều khả năng sẽ tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Chia sẻ của vị chủ tịch này đúng thời điểm người hâm mộ đang rộ lên những tranh luận và đồn đoán về tương lai của thầy Park. Sự tự tin của ông Hải không phải chỉ là lời trấn an đơn thuần.
Theo nguồn tin của Zing.vn, VFF chuẩn bị công bố bản hợp đồng tài trợ với giá trị được cho là cực lớn. Dù con số cụ thể chưa được tiết lộ, việc có thêm nguồn thu vào lúc này sẽ giúp VFF giải tỏa rất nhiều áp lực. Ngoài ra, một số đơn vị khác cũng đang bày tỏ sẵn sàng chung tay với VFF để giữ chân nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Tổng cục TDTT vẫn giữ mức hỗ trợ 10.000 USD mỗi năm. Số tiền này có lẽ đủ để hỗ trợ một phần các chi phí tiêu vặt, sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia nước ngoài trong quá trình thi đấu quốc tế.
Như vậy, bài toán tìm người thay bầu Đức trả lương cho HLV Park Hang-seo đang dần có lời giải dù để có thể lo được khoản tiền lớn này, VFF cũng phải thắt lưng, buộc bụng nhiều khoản khác như kinh phí đầu tư cho bóng đá trẻ hay đội tuyển nữ.