Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Hugo Chavez?

Với sự ra đi của nhà lãnh đạo Chavez, Venezuela có thể phải tổ chức bầu cử để chọn người kế nhiệm ông. Phó tổng thống Nicolas Maduro, người giữ chức tổng thống lâm thời, sẽ phải cạnh tranh với phe đối lập để trở thành tổng thống chính thức.

Ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Hugo Chavez?

Với sự ra đi của nhà lãnh đạo Chavez, Venezuela có thể phải tổ chức bầu cử để chọn người kế nhiệm ông. Phó tổng thống Nicolas Maduro, người giữ chức tổng thống lâm thời, sẽ phải cạnh tranh với phe đối lập để trở thành tổng thống chính thức.

Ứng viên sáng giá nhất: Nicolas Maduro

Phó Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro.

Phó tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, người được đích thân Tổng thống Hugo Chavez chỉ định là người kế vị sau khi bệnh ung thư trở nặng hồi năm ngoái.

Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello ngày 7/3 cho biết Phó tổng thống Nicolas Maduro sẽ được Quốc hội nước này làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời trong một phiên đặc biệt ngày 8/3 theo quy định của Hiến pháp sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời. Theo ông Cabello, mặc dù không tuyên thệ nhậm chức ngày 10/1, Tổng thống Chavez vẫn điều hành Chính phủ, vì vậy theo quy định của Hiến pháp, phó tổng thống sẽ được tuyên thệ làm tổng thống lâm thời.

Từng là một lái xe bus, Phó tổng thống 50 tuổi Maduro là người giành được sự tín nhiệm lớn của Tổng thống Chavez và được xem là một phát ngôn viên trung thành của ông Chavez. 

Đầu tháng 12 năm ngoái, ông Maduro bắt đầu tăng cường xuất hiện trước công chúng nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực xuất phát từ sự vắng mặt thường xuyên của Tổng thống Chavez bởi các cuộc điều trị ung thư. Đồng thời, ông Maduro cũng chính là người thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe của ông Chavez trấn an người dân và kêu gọi sự đoàn kết của các đồng minh. Ông Maduro từng nhấn mạnh: “Tôi xin thề trước nhân dân, chúng tôi sẽ không bao giờ phản bội lại đất nước và người dân Venezuela”.

Ngoài ra, ông Maduro còn cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình, dự án của người tiền nhiệm, được phần lớn người dân trong nước – đa phần là dân lao động - ủng hộ như phòng khám bệnh miễn phí cho người dân, xây dựng chuỗi các cửa hàng tạp hóa được trợ cấp bất chấp sự phản đối của liên đoàn doanh nghiệp Fedecamaras. Ông cũng thề sẽ ngăn chặn sự quay lại của các chính sách giúp giới nhà giàu ở Venezuela hưởng lợi.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ cấp tiền cho liên đoàn doanh nghiệp Fedecamaras. Nhân dân Venezuela sẽ không bao giờ phải chứng kiến tình cảnh giai cấp tư sản cướp bóc đất nước một lần nữa. Chúng tôi thà chết còn hơn là trở thành kẻ phản bội lại nhân dân và Tổng thống Chavez", ông Maduro từng nhấn mạnh.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ lớn nhất mà Maduro sẽ phải gánh vác là giữ vững sự thống nhất của phong trào chính trị đa dạng bao gồm những người cánh tả cấp tiến, nhóm ôn hòa, các cựu quân nhân cũng như nhiều chiều hướng khác. Các nhà phân tích nhấn mạnh, sự chia rẽ có thể nổi lên từ các phe phái do ông Maduro và ông Diosdado Cabello, một chủ tịch Quốc hội đầy quyền lực và được cho là có ảnh hưởng lớn trong quân đội. Tuy nhiên, đến nay cả hai ông vẫn phủ nhận các tin đồn chia rẽ và tuyên bố vẫn tiếp tục duy trì thể trạng thống nhất.

Phó tổng thống Maduro được nhận xét là nhà thương thuyết xuất sắc, một nhà lãnh đạo kiên quyết duy trì và phát triển những di sản của Tổng thống Chaver và xem đó như là trách nhiệm và bổn phận cá nhân của chính ông.

Giới quan sát nhấn mạnh, lòng trung thành tuyệt đối chính là yếu tố khiến ông Maduro trở thành một lựa chọn lý tưởng dành cho người kế vị.

“Maduro sở hữu 2 điểm mạnh giúp ông được cố Tổng thống Chavez ưu ái chọn làm người kế vị: đầu tiên là lòng trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của đảng, thứ 2 là ông Maduro có lập trường ủng hộ các chương trình xã hội, chẳng hạn như các dự án dành cho người nghèo”, ông Steve Ellner, một nhà khoa học chính trị của Đại học Oriente, Venezuela bình luận.

Cố Tổng thống Chavez gặp ông Maduro lần đầu tiên năm 1980, khi còn là một trung tá. Khi ông Chavez được bầu làm Tổng thống Venezuela năm 1998, ông Maduro được lựa chọn vào một hội đồng đặc biệt để soạn thảo hiến pháp mới cho đất nước. Sau đó, ông được bầu vào Quốc hội và trở thành Chủ tịch của cơ quan lập pháp của Venezuela.

Ông Maduro được bầu làm Ngoại trưởng Venezuela năm 2006 với các nhiệm vụ đặc thù, nỗ lực ngoại giao với các khối khu vực như tổ chức Liên minh Bôliva cho châu Mỹ (ALBA) và Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR), tăng cường quan hệ với các nước như Nga, Iran và Trung Quốc đồng thời thúc đẩy tái thiết lập quan hệ hữu nghị với Mỹ và đồng minh của Mỹ Colombia. Ngoài ra, sứ mệnh quan trọng khác của ông Maduro còn là duy trì quan hệ bền chặt với Chính phủ Cuba.

Ông Maduro kết hôn với nữ luật sư Cilia Flores, người từng bào chữa thành công để giành lại tự do cho Tổng thống Chavez khi ông bị bắt vào tù vì tội đảo chính. Là một luật sư nổi tiếng, bà Cilia Flores và Phó tổng thống Maduro được xem là “cặp đôi quyền lực” tại Venezuela.

Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Georgia, Jennifer McCoy bình luận, ông Maduro được mô tả là một người đàn ông dễ tính, luôn thể hiện sự sẵn sàng nói chuyện với các đối thủ chính trị và cho rằng đó là đức tính quan trọng nhằm giúp đưa Venezuela phát triển.

Về phần Tổng thống Chavez, giải thích lý do chọn ông Maduro là người kế vị, ông nhấn mạnh: “Ông ấy là người có khả năng lớn để lãnh đạo nếu tôi không thể. Chúa biết những gì ông ấy có thể làm. Nếu tôi không thể vượt qua (căn bệnh ung thư) thì với những ảnh hưởng mạnh mẽ, với tầm nhìn sâu sắc, trái tim trung thành với nhân dân, với trí tuệ, khả năng lãnh đạo và uy tín quốc tế mà ông ấy sở hữu, ông ấy xứng đáng trở thành người dẫn dắt Venezuela”.

Ứng viên tiềm năng khác

Thống đốc Miranda Henrique Capriles.

Dù với lợi thế được chỉ định trước bởi chính Tổng thống Chavez, không ít nhà quan sát vẫn nhấn mạnh, ông Maduro vẫn chưa nắm chắc 100% khả năng trở thành người dẫn dắt của Venezuela. Sự ra đi của Tổng thống Chavez mở ra viễn cảnh bầu cử để quyết định Tổng thống mới cho Venezuela.

Theo đó, khả năng xảy ra cuộc chiến giữa 2 phe phái chính trị, một do Phó tổng thống Nicolas Maduro dẫn đầu và một do nhà lãnh đạo phe đối lập ôn hòa Henrique Capriles dẫn đầu là hoàn toàn có thể.

Theo hiến pháp của Venezuela, cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 30 ngày và không ai dám nói chắc, nhà lãnh đạo Henrique Capriles một lần nữa sẽ thất bại trong cuộc đua trở thành Tổng thống Venezuela.

Ông Capriles năm nay mới chỉ 40 tuổi, là thống đốc của tiểu bang đông dân thứ 2 của Venezuela, Miranda. Bang Miranda bao gồm một phần của Caracas, trải dài từ những khu ổ chuột Petare tới các làng chài cũng như các bãi biển dọc bờ biển Caribbe.

Ông Capriles tốt nghiệp ngành luật, trở thành nhà lập pháp trẻ nhất của Venezuela khi ở tuổi 26 được bầu làm thị trưởng của thành phố tự trị Caracas. Sau đó, ông Capriles đánh bại đối thủ Cabello, một chính khách thân với Tổng thống Chavez để trở thành thống đốc của bang Miranda năm 2008. Ông tiếp tục đương chức sau khi đánh bại đối thủ nặng ký Elias Jaua, Phó tổng thống của ông Chavez thời điểm đó.

Trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7/12 năm ngoái ở Venezuela, ông Capriles là ứng viên của liên minh Dân chủ Thống nhất, tổ chức của hơn 20 phe phái đối lập chính, chống lại Tổng thống Chavez. Dù thất bại nhưng với việc giành được 44% phiếu bầu, ông Capriles được đánh giá là đã thể hiện bản lĩnh rất tốt.

Về tính cách cá nhân, Thống đốc Miranda được nhận xét là người lôi cuốn và tràn đầy năng lượng. Ông từng nổi tiếng vì đi xe gắn máy tới các khu ổ chuột để giám sát các dự án và trò chuyện cởi mở với các cử tri thuộc tầng lớp lao động. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông tích cực tới thăm hàng trăm thị trấn và làng mạc, không quản ngại những vùng nghèo khổ, xa xôi.

Ông biết cách xây dựng hình ảnh trẻ trung, tràn đầy năng lượng và tỏ ra quan tâm đến các vấn đề dân sinh. Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Capriles giống cố Tổng thống Chavez ở tính cách gần gũi, thường tiếp xúc với người nghèo khó, các tầng lớp lao động.

Từng là một cầu thủ bóng rổ và là người yêu thích thể thao, ông Capriles cho biết, ông thư giãn bằng cách tụ tập bạn bè hoặc chạy bộ khi trời tối. Ông cũng uống Red Bulls để giữ năng lượng và là người thường xuyên góp mặt trong các cuôc đua marathon ở Caracas. Ông cũng thường sử dụng tiếng lóng của giới trẻ Venezuela, thường ăn vận rất bình thường và đội mũ bóng chày.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm