Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai sẽ được 'lên tàu' cùng MobiFone?

Trong tháng 4/2015, MobiFone sẽ “chốt” việc chọn đối tác tư vấn cổ phần hóa, nhưng vấn đề là doanh nghiệp nào sẽ được chọn làm đối tác chiến lược đồng hành với nhà mạng này.

Tiến độ cổ phần hóa MobiFone

Kết thúc quý I/2015, tiến trình cổ phần hóa MobiFone đang đi theo đúng kế hoạch, sau khi doanh nghiệp (DN) đã hoàn thành việc chốt số liệu và tính giá trị vốn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phê duyệt mô hình hoạt động mới của MobiFone và sẽ cấp lại các giấy phép cho nhà mạng này để trong quý II/2015, có thể mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới như trong quyết định thành lập Tổng công ty MobiFone. Việc đa dạng hóa ngành nghề sẽ tăng thêm giá trị cho DN khi thực hiện cổ phần hóa.

Tại Hội nghị giao ban quý I/2015, ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc, kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch MobiFone cho biết, trong quý I/2015, Tổng công ty đã tổ chức lại bộ máy gồm 9 công ty kinh doanh, 3 trung tâm vùng và một số đơn vị khác, như VAS, Trung tâm Ứng dụng phát triển... Tổng công ty cũng vừa bổ nhiệm 5 phó tổng giám đốc mới. Đến nay, MobiFone đã hoàn thiện bộ máy tổ chức ở 23 đơn vị trực thuộc, bổ nhiệm 110 cán bộ, hoàn thành cơ bản về tổ chức bộ máy.

Để kịp xác định được giá trị DN và phương án cổ phần hóa trong quý III/2015 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo MobiFone cần tiến hành lựa chọn nhà tư vấn đủ điều kiện ngay trong tháng 4/2015.

Ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, việc thuê được nhà tư vấn trong tháng 4/2015 là một bước đi rất quan trọng, đảm bảo cho lộ trình cổ phần hóa DN đi theo đúng tiến độ đề ra. “Nếu việc này xảy ra muộn hơn, rất có thể, MobiFone sẽ không kịp trình kết quả xác định giá trị DN và phương án cổ phần hóa lên Chính phủ trong quý III/2015 như kế hoạch”, ông Trọng nói.

Sẽ tiến hành cổ phần hóa MobiFone vào năm 2015

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, đến cuối năm 2014 sẽ trình phương án cổ phần hóa MobiFone lên Chính phủ để đến năm 2015 triển khai.

Các tiêu chí chọn đối tác chiến lược

Cùng với việc lựa chọn nhà tư vấn cổ phần hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng yêu cầu MobiFone lên danh sách các đối tác chiến lược phù hợp với nhà mạng này. Các tiêu chí được đặt ra cho đối tác chiến lược được “lọt vào vòng chung kết” phải là các DN, tập đoàn có thực lực về tài chính, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông, có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone cần xem xét, đề xuất việc chọn đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp, dựa trên tiêu chí về nguồn vốn, kinh nghiệm thị trường, công nghệ để trình lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong quý I/2015, MobiFone đã hoàn thiện bộ máy tổ chức.

Trong quý I/2015, MobiFone đã hoàn thiện bộ máy tổ chức.

Dựa theo các yêu cầu này, Tổng công ty nhắm tới đối tác chiến lược nước ngoài là tập đoàn, DN viễn thông nước ngoài để có thể hợp tác tận dụng công nghệ, kinh nghiệm quản trị và tài chính hùng hậu. Đây là những yếu tố mang lại sức mạnh, sức cạnh tranh mới cho nhà mạng này, sau khi thực hiện cổ phần hóa.

TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông nhận xét, MobiFone nên chọn những đối tác chiến lược lớn để họ tham gia góp vốn, góp sức, góp kinh nghiệm, công nghệ vào tổng công ty. Họ sẽ mang kinh nghiệm quản trị, chiến lược phát triển, công nghệ mới vào MobiFone, làm cho nhà mạng phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, có khá nhiều đối tác muốn hợp tác với MobiFone, nên muốn trở thành cổ đông chiến lược của tổng công ty, họ phải cạnh tranh với nhau, sau đó sẽ có quá trình rà soát rất tỉ mỉ, từ đó mới chọn ra một cổ đông chiến lược cho mạng di động này.

“MobiFone nên lựa chọn từ một đến hai cổ đông chiến lược, trong đó có thể có một DN nước ngoài, vì tổng công ty đã có 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động liên doanh cùng Comvik của Thụy Điển, rất chuyên nghiệp và đạt hiệu quả tốt”, ông Trực nói.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, đối với MobiFone, việc chọn được đối tác chiến lược thích hợp là yếu tố rất quan trọng để thực hiện cổ phần hóa. Tổng công ty cần tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, đủ sức gây áp lực cạnh tranh với Viettel và VinaPhone…

Ông Lê Nam Trà cho biết, trong việc chọn đối tác, nhất là đối tác nước ngoài, MobiFone tập trung vào các tiêu chí, như có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có kỹ năng, kinh nghiệm quản trị tốt... “Kinh nghiệm từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với Comvik là bài học rất bổ ích cho nhà mạng này trong việc lựa chọn đối tác nước ngoài”, ông Trà nhấn mạnh.

Năm 2014, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Ngân hàng Standard Chartered, Comvik,  Telenor, Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom)… đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone.

Vốn điều lệ MobiFone tăng lên 15.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính đã thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) điều chỉnh tăng vốn điều lệ của MobiFone đến thời điểm 31/12/2015 lên 15.000 tỷ đồng.

http://baodautu.vn/ai-se-duoc-len-tau-cung-mobifone.html-33009

Theo Tú Ân/Đầu Tư

Bạn có thể quan tâm