“Mệnh lệnh” cổ phần hóa MobiFone trong năm 2015
Cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ phương án cổ phần hoá MobiFone và việc này sẽ được thực hiện trong năm 2015.
Năm 2014 đánh dấu sự phát triển mới của MobiFone, với hai sự kiện quan trọng là tách ra khỏi VNPT để chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức lại theo mô hình tổng công ty và hoàn thành các công tác chuẩn bị cổ phần hoá.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, năm 2014, MobiFone đã cùng với VNPT xây dựng Đề án Tái cơ cấu VNPT, trong đó có việc tách MobiFone ra hoạt động độc lập, cùng với Bộ tham gia Ban Cổ phần hóa doanh nghiệp (doanh nghiệp) và làm rất nhiều việc trong tái cơ cấu doanh nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2015 của MobiFone, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, là xây dựng kế hoạch cổ phần hóa và cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh doanh.
Trước đó, tháng 10 và tháng 11/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1554/QĐ-BTTTT về việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm Trưởng ban chỉ đạo và Quyết định số 1679/QĐ-BTTTT thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone.
Như vậy, việc cổ phần hóa MobiFone trong năm 2015 là một nhiệm vụ đã được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông “đặt lệnh”. MobiFone là doanh nghiệp thuộc nhóm 432 doanh nghiệp của Việt Nam phải tiến hành cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 - 2015 mà cuối năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu trong quý III/2015 phải công bố giá trị doanh nghiệp và phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.
Cơ hội vàng tham gia cổ phần hóa MobiFone
Việc MobiFone tiến hành cổ phần hóa trong năm 2015 được xem là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi MobiFone là một trong những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận “khủng” trong các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang cổ phần hóa.
MobiFone trở thành một đối trọng lớn của Viettel, VNPT. Đặc biệt, với việc MobiFone được nâng lên tổng công ty, giá trị thương hiệu sẽ tăng lên khi cổ phần hóa. Ở nước ngoài, giá trị giấy phép viễn thông có khi lên đến hàng tỷ USD, do đó, khi MobiFone được cấp thêm các giấy phép sẽ giúp giá trị thương hiệu được đánh giá tốt hơn, giá trị doanh nghiệp được nâng cao hơn, tạo thuận lợi cho MobiFone khi cổ phần hoá.
Chính vì vậy, ngay trong năm 2014, hàng loạt nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone, như Ngân hàng Standard Chartered, Comvik International Vietnam AB, Công ty Telenor, Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom)…
Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được mua bao nhiêu phần trăm cổ phần của MobiFone. Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, về nguyên tắc, khi đã gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do, thì quá trình cổ phần hóa phải tiến hành minh bạch, rõ ràng và doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% cổ phần của MobiFone.
Năm 2014, công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã đưa ra ước tính giá trị của MobiFone vào khoảng 3,4 tỷ USD. HSC cho rằng, với mức tăng trưởng như hiện tại, giá trị của MobiFone có thể sẽ hơn 4 tỷ USD sau khi phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của MobiFone từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông được ký hồi tháng 7/2014, khi cổ phần hoá, VNPT sẽ nắm giữ tối đa 20% cổ phần của MobiFone.
Hiện MobiFone đang có vốn điều lệ là 15.000 tỷ đồng. Nếu trừ đi số cổ phần bán cho VNPT theo thỏa thuận, thì số cổ phần còn lại cho các nhà đầu tư vẫn là một con số khổng lồ.