Một người đàn ông dọn tuyết tại Buffalo sau trận bão. Ảnh: AP. |
Theo ông Craig Fugate, lãnh đạo cơ quan tình trạng khẩn cấp Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, sự chủ quan là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa.
“Mọi người thường có xu hướng tầm thường hóa, kiểu như: ‘Tôi đã ở đây cả đời, tôi đã vượt qua những cơn bão tồi tệ nhất. Tôi biết mình đang làm gì’”, ông nói với AP.
“Chúng ta đang chứng kiến những sự kiện vượt quá kinh nghiệm trong quá khứ hay hiểu biết của mình”, vị cựu quan chức cảnh báo thêm, liên hệ vụ việc lần này với cơn bão Ian mới càn quét nước Mỹ, vốn đã khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Dự báo và chuẩn bị
Trận bão tuyết đã được các nhà khí tượng học dự đoán từ trước. Hôm 19/12, bốn ngày trước khi thời tiết bắt đầu chuyển xấu, cơ quan thời tiết Mỹ đã bắt đầu cảnh báo về một cơn bão tuyết lớn đang đến gần.
Tới hôm 20/12, một khuyến cáo khẩn cấp được đưa ra. Một ngày sau, các cơ quan dự báo đã gọi đây là trận bão “lớn nhất trong một thế hệ”.
Thị trưởng Buffalo Byron Brown từ hôm 22/12 cảnh báo về “một cơn bão có thể đe dọa đến tính mạng con người” và thông báo đặt thành phố vào tình trạng khẩn cấp khi cơn bão ập đến. Thống đốc New York Kathy Hochul sau đó mở rộng lệnh tình trạng khẩn cấp ra toàn bang, chỉ thị lực lượng cứu hộ sẵn sàng hành động.
Chính quyền địa phương khuyến cáo các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động - nhưng chưa ban hành lệnh cấm đường ngay.
“Chúng tôi đề nghị các cơ sở kinh doanh tư nhân đóng cửa vào thứ sáu và thứ bảy (tức 23-24/12)”, ông Mark Poloncarz, người đứng đầu chính quyền hạt Erie - nơi có Buffalo là thủ phủ, nói.
Tới ngày 23/12, hạt Erie chính thức ban bố lệnh cấm di chuyển. Những người chỉ trích cho rằng hành động của giới chức địa phương đã quá muộn do nhiều người đã được thông báo phải đi làm. Sau đó, ông Poloncarz giải thích rằng tình hình biến chuyển xấu nhanh hơn dự kiến.
Thợ điện sửa chữa mạng lưới sau khi cơn bão đi qua. Ảnh: AP. |
Ông Dan Neaverth Jr., lãnh đạo cơ quan tình trạng khẩn cấp hạt Erie, ông đã phải ngăn chặn các thành viên trong gia đình ra ngoài mua đồ chuẩn bị Giáng sinh giữa bão tuyết.
Dù vậy, một số người dân trong bang vẫn ra khỏi nhà. Một trong số đó là ông Sean Reisch, 41 tuổi, khi quyết định đi mua sữa và bánh mì.
“Trời hoàn toàn trắng xóa, tới mức không thể nhìn thấy gì”, ông Reisch hồi tưởng.
Vận xui với ông chưa hết. Khi đến nơi, ông mới phát hiện cửa hàng không mở cửa. Trong khi đó, xe của ông bị mắc kẹt ở bãi đỗ, buộc ông phải mượn xẻng để đào tuyết. Dù vậy, may mắn là ông vẫn có thể về đến nhà.
Nhiều người không may mắn như vậy. Theo CNN, số trường hợp tử vong tại Buffalo do bão tuyết đã lên tới gần 40 người.
“Cả đêm hôm đó, tôi nói với vợ mình rằng: ‘Anh không nghĩ em hiểu anh đã may mắn thế nào’. May mắn thế nào ư? Tôi không tin rằng mình có thể về được nhà”, Reisch kể lại.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sau khi thảm họa xảy ra, một số người dân Buffalo chỉ trích hướng dẫn tích trữ thực phẩm, thuốc men mà chính quyền đưa ra trước khi bão ập đến. Theo họ, đây là chính sách “phi thực tế”.
Số khác đặt ra câu hỏi liệu chính quyền địa phương có đủ trang thiết bị để đối phó với thời tiết cực đoan hay không. Để đối phó với cơn bão tuyết vừa qua, nhiều tình nguyện viên và trang thiết bị đã phải được huy động từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, một số người cũng phàn nàn rằng lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ đôi khi không phản hồi những lời kêu cứu trên mạng xã hội từ những người bị mắc kẹt trong xe, trong những ngôi nhà mất điện hay gặp vấn đề y tế.
Trong khi đó, ông Eric Durr, người phát ngôn lực lượng Vệ binh Quốc gia bang New York, chỉ ra tuyết rơi dày đến mức ngay cả xe của lực lượng cứu hỏa địa phương cũng khó có thể hoạt động. Người dân ở Buffalo và một số khu vực ngoại ô được thông báo rằng dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp không thể hoạt động.
“Nếu lực lượng cứu hỏa không ở đó, cũng có khả năng lực lượng Vệ binh Quốc gia không thể đến nơi”, ông Durr nói.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ phải gõ cửa từng ngôi nhà tại Buffalo để tìm người tử vong sau bão tuyết. Ảnh: AP. |
Tranh cãi về cách thức ứng phó thiên tai còn nổ ra giữa các cấp chính quyền địa phương. Ông Poloncarz hôm 28/12 chỉ trích Thị trưởng Brown chậm trễ trong việc dọn dẹp các con đường trong thành phố Buffalo.
“Đáng tiếc là thành phố luôn là nơi cuối cùng mở cửa trở lại”, người đứng đầu hạt Erie nói, theo New York Times. “Tôi không muốn thấy cảnh này nữa - bản thân tôi cũng là một cư dân thành phố”.
“Tôi biết ngài thị trưởng không hào hứng nghe điều này, nhưng tôi không quan tâm nữa. Tôi muốn công việc được hoàn thành”, ông nói thêm.
Trong khi đó, Thị trưởng Brown nói rằng ông Poloncarz có lẽ đang chịu áp lực lớn trước cuộc khủng hoảng.
“Mọi người đã làm việc không nghỉ từ khi cơn bão bắt đầu tràn đến và đối phó với áp lực theo các cách khác nhau”, ông nói. “Một số người tiếp tục làm việc. Số khác cố gắng giúp đỡ người dân, trong khi một số thì căng thẳng và đả kích người khác”.
Theo cảnh sát trưởng hạt Erie John Garcia, chính quyền địa phương cần tìm cách tăng cường nguồn lực, cả về số lượng lẫn chất lượng, để tránh lặp lại cảnh lực lượng cứu hộ không thể tới chỗ người dân.
“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tình hình tệ đến mức đó”, ông nói. “Chúng tôi có cần cải thiện không? Chắc chắn là có”.
Trong khi đó, ông Fugate cho rằng giới chức Mỹ cần trao đổi với những người sống sót để hiểu về các quyết định của họ trong tình huống hiểm nghèo.
“Chúng ta không thể hỏi những người đã mất mạng, nhưng chúng ta có thể làm vậy những người bị mắc kẹt”, ông nói. “Chúng ta có thể hỏi rằng: Bạn cần thêm thông tin gì để có thể ra quyết định tốt hơn?”.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.