Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu chỉ giới hạn từ thời Triệu Vũ Đế đến hết triều Lý. Cùng thời với Lê Văn Hưu nhưng sau khi Đại Việt sử ký hoàn thành một thời gian, có một bộ sử khác là Việt sử lược, hiện chưa rõ tác giả (có giả thuyết cho là do Trần Chu Phổ soạn), có đề cập tới thời thượng cổ, với những ghi chép sơ lược về nhà nước Văn Lang. Bộ sử này trước đây cũng thất lạc như Đại Việt sử ký, nhưng sau này, được phát hiện trong kho lưu trữ của nhà Thanh và đã được vua Càn Long cho in khắc, nhờ đó, chúng ta có cơ hội đọc và tìm hiểu.
Đầu thời Lê, Phan Phu Tiên biên soạn bổ sung vào sách của Lê Văn Hưu thành bộ Đại Việt sử ký tục biên, cũng chỉ viết thêm về thời nhà Trần, Hồ và cuộc kháng chiến của Lê Lợi, cho đến khi quân Minh rút về nước.
Đến thời Lê Thánh Tông, khi Ngô Sĩ Liên biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, mới bổ sung phần Ngoại kỷ, trong đó chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời kỳ Bắc thuộc (năm 938). Đây là lần đầu tiên thời kỳ mười tám vua Hùng được đưa vào sử nước ta.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, Ngô Sĩ Liên đã dựa vào các cổ tích, truyền thuyết, đặc biệt là quyển Lĩnh Nam chích quái có từ thời Trần để viết về phần Họ Hồng Bàng, với nhiều câu chuyện mang tính huyền thoại.
Ngô Sĩ Liên đã dựa vào Lĩnh Nam chích quái để soạn phần Kỷ Họ Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký toàn thư. |
Lĩnh Nam chích quái là tập truyện ghi chép những truyền thuyết và cổ tích nước ta, bắt đầu bằng truyện Họ Hồng Bàng, tiếp đó là các truyện Đổng Thiên vương, Nhất Dạ Trạch, bánh chưng, dưa hấu, truyện núi Tản Viên (Sơn Tinh - Thủy Tinh)… Tuy nhiên, đến nay khó có thể xác định chính xác Lĩnh Nam chích quái do ai viết.
Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn cuối thời Lê viết rằng: “Sách Lĩnh Nam chích quái, tục truyền do Trần Thế Pháp viết, sách Thiếu vi nam bản cũng nói vậy. Chúng ta không rõ Trần Thế Pháp người ở đâu. Hiện nay chỉ còn được thấy bài nói đầu của Vũ Quỳnh”.
Trong Lời giới thiệu sách Lĩnh Nam chích quái bản in năm 1960 của NXB Văn hóa, GS. Đinh Gia Khánh cho biết qua vài bản chép tay, có thể tin rằng Trần Thế Pháp có hiệu là Thúc Chi, quê ở Thạch Thất, Sơn Tây (Hà Nội ngày nay). Tuy nhiên nguyên bản Lĩnh Nam chích quái đã không còn nữa, đời sau chỉ biết đến bản sách do hai danh sĩ thời Lê là Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn lại.
Vũ Quỳnh (1453-1516) người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Hải Dương, năm 1478 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư bộ Hộ. Kiều Phú sinh năm 1450, người làng Lạp Hạ, huyện An Sơn, Sơn Tây, năm 1475 đỗ tiến sĩ.
Sách Đăng khoa bị khảo lục phần viết về Kiều Phú có ghi rằng: “Ông cùng Vũ Quỳnh người Đường An soạn Lĩnh Nam chích quái”.
Tuy nhiên trong bài tự của cuốn sách này, Vũ Quỳnh cũng không nhắc đến tên Trần Thế Pháp, mà chỉ viết rằng: “Những truyện chép ở đây là sử ở trong chuyện chăng, lai lịch ra sao, có từ thời nào, tên họ người đã hoàn thành đều không thấy ghi rõ. Viết ra đầu tiên là những bậc tài cao học rộng thời Lý, Trần. Còn những người nhuận sắc là các bậc quân tử bác nhã hiếu cổ ngày nay”.
Vũ Quỳnh cũng là người soạn bộ sử Việt Giám thông khảo, chép từ thời Hồng Bàng đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi.
Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái mở đầu bằng chuyện Đế Minh, cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau đi tuần về phía Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục được phong là Kinh Dương Vương, cho trị nước Xích Quỷ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là con Đế Lai, đẻ ra cái bọc, cho là điềm bất thường nên vứt ra cánh đồng. Qua sáu, bảy ngày, bọc vỡ ra trăm trứng, mỗi quả trứng nở ra một con trai. Sau đó, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia nhau mỗi người đem năm mươi người con lên núi xuống bể, người con đầu tiên được tôn lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương.
Phần Kỷ Họ Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư của Ngô Sĩ Liên, ở truyện Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, Hùng Vương cũng chép tương tự, chỉ giảm bớt các tình tiết.
Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái cho biết thêm về phong tục nước Văn Lang thời Hùng Vương: "Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cày bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân".
Từ những câu chuyện trong Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp và phần Ngoại kỷ được Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, mà về sau, người dân nước Việt đều tâm niệm vua Hùng là Quốc tổ và tự hào nhận là “Con rồng, cháu tiên”.