Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai là chủ nhân 2 vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ?

Vui khẳng định bị bạn nhậu vu cáo chiếm đoạt 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ đồng. Còn Tuấn nói mua các tờ vé số này rồi nhờ bạn giữ giùm để lấy hên.

Những ngày qua, người dân miền Tây rất quan tâm đến chuyện đôi bạn thân ở ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) tranh chấp 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ đồng. Cả hai đều có lý lẽ riêng và cho rằng mình mới là người sở hữu số tiền này.

Cùng nhau đi nhậu sau khi nhận 200 triệu đồng

Trò chuyện cùng phóng viên Zing.vn, Lâm Văn Vui (28 tuổi, chủ cửa hàng cầm đồ Vui ở ấp Khúc Tréo B) cho biết, ngày 6/10, anh đến nhà ông Có để nhậu cùng bạn thân là Nguyễn Hoàng Tuấn (26 tuổi). Lúc này, Vui đưa Tuấn 500.000 đồng để mua rượu hết 50.000, còn lại 450.000 Tuấn mua 10 tờ vé số của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu phát hành.

1
Chị Nguyễn Thị Thúy Linh xác nhận đã thay mặt gia đình, đưa chứng minh nhân dân cho Công ty Xổ số Bạc Liêu để lĩnh thưởng 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ đồng. Ảnh: Việt Tường.

"Tuấn đưa tôi 5 tờ, trong đó một tờ số cuối 16, hai tờ 53, 2 tờ 92. 5 tờ còn lại Tuấn giữ có 2 số cuối là 49. Như vậy, sau khi mua rượu và vé số, còn lại 350.000 đồng nhưng Tuấn bỏ túi luôn, không đưa cho tôi", Vui kể.

Chiều cùng ngày, vợ chồng Vui dò kết quả mở thưởng của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu thì phát hiện 2 tờ có số cuối 92 trúng giải đặc biệt, mỗi tờ trị giá 1,5 tỷ đồng. Sáng hôm sau, vợ chồng này cùng 2 người thân đi lĩnh thưởng 2,7 tỷ đồng (đã trừ thuế) và Vui mang 200 triệu đến nhà bạn cho Tuấn trước sự chứng kiến của mẹ thanh niên này là bà Trần Thị Diệu.

"Tất cả những gì Tuấn trình đã bày với báo chí và công an đều không đúng. Tuấn mua 10 vé số, đưa tôi 5 tờ và giữ lại 5 tờ. Khi biết mình trúng độc đắc, tôi điện thoại nói với Tuấn điều này và hứa cho bạn 200 triệu đồng. Sau đó, Tuấn điện lại cho tôi, hỏi xin trước 5 triệu để nhậu nhưng tôi nói lĩnh thưởng mới đưa", Vui nhớ lại.

Chiều 7/10, vợ chồng anh Vui thuê 2 xe ôtô và mời Tuấn với những người bạn chơi chung cùng xuống Cà Mau nhậu ăn mừng. Anh Ngô Minh Thế (đi cùng đoàn) cho biết, lúc nhậu ở Cà Mau, Tuấn với Vui nói cười vui vẻ và ai cũng mừng cho đôi bạn này được của "trời cho".

Ngược lại lời trình bày của Vui, Tuấn cho rằng tiền mua rượu và vé số là của anh. Theo Tuấn, lý do đưa bạn giữ dùm vì những ngày trước đó Vui gặp phải nhiều điều may mắn.

2
Ông Bùi Tấn Luông, Trưởng Ban nhân dân ấp Khúc Tréo B xác nhận, mẹ của anh Tuấn đã dùng tiền anh Vui cho để trả nợ ngân hàng. Ảnh: Việt Tường.

"Sau khi mua số, tôi đưa Vui và nói 'đèn hia sáng hia giữ đi'. Chiều đó, Vui điện thoại nói trúng độc đắc 2 tờ, hứa cho 200 triệu đồng nhưng tôi không tin. Sáng hôm sau, người bán nói vé hôm trước trúng giải đặc biệt thì tôi mới tin, lúc đó anh Vui mang 200 triệu đến đưa tôi", Tuấn trình bày.

Trả lời câu hỏi vì sao biết vé số của mình gửi trúng giải đặc biệt mà không truy cứu ngay mà nhận của Vui 200 triệu đồng, Tuấn giải thích: "Vì quá bất ngờ". Anh này cũng thừa nhận, chiều 7/10, Tuấn cùng vợ chồng Vui xuống Cà Mau nhậu ăn mừng.

Ông Bùi Tấn Luông - Trưởng ấp Khúc Tréo B cho biết, ngày 10/10, bà Diệu là mẹ Tuấn gặp ông để xác nhận hộ nghèo, xin giảm lãi ngân hàng để làm thủ tục tất toán nợ vay.

"Tôi hỏi chị Diệu ở đâu có tiền trả ngân hàng thì chị này nói Vui trúng số đặc biệt, cho Tuấn 200 triệu đồng. Sau đó, Tuấn cho mẹ mình 100 triệu, còn 100 triệu mua vàng", ông Luông khẳng định.

Trao đổi với phóng viên, bà Diệu thừa nhận đã chứng kiến Vui mang tiền đến cho Tuấn. Người mẹ này cho biết, nhờ tiền Vui cho mà gia đình đã trả hết nợ sau hơn chục năm thế chấp giấy tờ nhà đất cho ngân hàng.

"Lúc Vui đưa tiền cho Tuấn, tôi tưởng rằng anh em nó thân nhau và Vui quá tốt bụng nên cho tiền con mình chứ không biết chuyện 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt. Nhà nghèo, thấy ai cho tiền là vui nhưng không ngờ đó là vé số con tôi gửi Vui. Phải chi Vui chia đều mỗi người một tờ thì đâu có kiện tụng", bà Diệu phân trần.

Phản bác lại lời bà Diệu, ông Lâm Văn Sơn (cha của Vui) nói: "Nếu Tuấn gửi Vui vé số thì chiều 6/10, khi nghe con tôi điện thoại nói trúng giải đặc biệt thì phải đòi lại liền chứ đâu phải chờ đến một tuần sau. Đã có người tác động, xúi Tuấn kiện con tôi".

Liên quan vụ việc, vợ anh Vui là Nguyễn Thị Thúy Linh (26 tuổi) xác nhận, chị đã thay mặt gia đình đưa chứng minh nhân dân cho Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu để làm thủ tục lĩnh thưởng. "Vừa mang tiền về nhà là chồng tôi lấy 200 triệu đồng chạy đến đưa cho Tuấn. Mẹ chồng tôi còn nói, phải đưa tận nhà trước sự chứng kiến của bà Diệu vì sợ Tuấn xài hết", chị Linh nói.

Những người làm chứng phải trung thực

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết, Công an tỉnh Bạc Liêu không khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của anh Tuấn là đúng vì vụ việc liên quan đến tranh chấp dân sự. Hai bên đều đưa ra lý lẽ cho rằng họ đúng nên những người làm chứng phải khai trung thực, khách quan.

Thẩm phán Trần Trọng Hữu, Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau cho rằng, anh Vui là chủ sở hữu 2 vé trúng giải đặc biệt chứ không phải anh Tuấn.

"Mua vé số xong, anh đưa cho người ta bỏ túi rồi hôm sau đòi lại là không chấp nhận. Ví dụ, tôi đưa anh vé số, chiều đó anh làm mất hoặc rách nát không đổi thưởng được thì tôi kiện anh để đòi tiền hay sao. Vì vậy, Tuấn kiện Vui để đòi lại vé số trúng độc đắc là khó thuyết phục", ông Hữu phân tích.

Hiện, những người nhậu tại nhà ông Có cho rằng, Tuấn gửi Vui 5 tờ vé số. Ngược lại, các nhân chứng nhậu cùng hai người này ở Cà Mau khai, Tuấn rất vui vẻ khi được Vui cho 200 triệu đồng.

"Các nhân chứng nếu có mối quan hệ thân thiết với người này hoặc người kia thì lời khai của họ chưa chắc khách quan, nói theo kiểu có lợi cho người thân của mình. Vì vậy, trong vụ này cần phải đảm bảo 3 thuộc tính là: Liên quan, khách quan và hợp pháp. Từ đó, HĐXX sẽ đánh giá chứng cứ nếu tòa án thụ lý", luật sư Đức nói.

Cùng quan điểm này, luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, đây là tranh chấp hi hữu và đồng tình với quyết định đúng đắn của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu.

Theo ông Nam, người dân vẫn có thói quen và tâm lý khi không giải quyết được các vấn đề tranh chấp thì vội tố cáo nhau ra công an. Đây là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội vì có thể đẩy một con người vào vòng lao lý và kéo theo đó là cả một hệ lụy xã hội khôn lường.

4
Bà Trần Thị Diệu (mẹ anh Tuấn) cho biết, mẹ con bà nhận 200 triệu đồng của anh Vui nhưng không biết đó là tiền trúng số. Ảnh: Việt Tường.

"Quyết định không khởi tố vụ án đã giúp người dân từ bỏ được thói quen như vừa nêu và cho thấy sự minh bạch của công an. Nếu cơ quan điều tra không sáng suốt thì có thể hình sự hóa tranh chấp dân sự", ông Nam nói.

Trở lại vụ việc, để xác định 2 tờ vé số là của ai thì cần phải làm rõ các tình tiết mà anh Tuấn và anh Vui trình bày. Sau khi đối chiếu với tường trình của những người bạn nhậu chung hôm đó, cơ quan chức năng sẽ có chứng cứ khách quan để giải quyết tranh chấp.

"Nếu sự việc đúng như anh Tuấn trình bày thì anh này sở hữu hai tờ vé trúng giải độc đắc. Ngược lại, khi anh Vui xác định được tiền mua vé số là của anh này đưa Tuấn mua rượu thì Vui có quyền sở hữu tài sản", luật sư Nam nêu quan điểm.

Theo ông Nam, vụ này không nên đưa ra tòa, hai bên cùng thương lượng và hòa giải với nhau là giải pháp tốt nhất. Luật sư này nhận định, vụ án có khả năng kéo dài thời gian và gây tốn kém chi phí cho cả hai bên. Về mặt đạo đức xã hội thì hai anh là bạn bè, không nên vì tranh chấp tiền trúng số để quên đi tình bằng hữu. "Tiền thì ai cũng cần nhưng tình bạn thì không thể mua được", Giám đốc Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn nói.

Ông Huỳnh Văn Út - Thẩm phán TAND TP Cà Mau (Cà Mau) cho rằng, anh Vui và anh Nam không nên đưa vụ việc đến công an hoặc tòa án vì "vô phúc đáo tụng đình".

Vị thẩm phán này chưa tin lời trình bày của cả hai nhưng ông Út nói, đây là tranh chấp dân sự liên quan đến hợp đồng gửi giữ (nói miệng) theo quy định của Bộ Luật dân sự. Từ đó, lợi nhuận phát sinh (trúng thưởng) từ hợp đồng gửi giữ đương nhiên thuộc về chủ sở hữu nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác.

5
Anh Tuấn khẳng định không cho anh Vui 5 tờ vé số mà chỉ nhờ bạn giữ giùm để "lấy hên". Ảnh: Việt Tường.

"Theo trình bày của những người nhậu chung thì Tuấn gửi Vui giữ vé số là có thật. Đây là chứng cứ để giải quyết 2 tấm vé số thuộc về chủ sở hữu nào.

Theo tôi, Vui nên trả lại 2 tờ vé trúng giải đặc biệt và chủ sở hữu là Tuấn cho lại bạn từ 30 đến 50% giá trị để giữ được tình cảm bạn bè. Đây là truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo đức và văn hóa của người Việt Nam", thẩm phán Út nói.

Kiện đòi 2 tờ vé số trúng giải đặc biệt 3 tỷ ở miền Tây

Tuấn cho rằng đưa Vui 5 tờ vé số giữ dùm để "lấy hên", đến chiều 2 tờ trúng giải đặc biệt nên thanh niên này đòi bạn nhậu 3 tỷ đồng nhưng bất thành.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm