Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

AI kết hợp sản xuất và cơ hội cho Nhật Bản

Việc kết hợp giữa “sản xuất” của Nhật Bản với kỹ thuật AI tiên tiến có thể tạo ra sự đổi mới chưa từng có từ trước đến nay.

AI chuyen chua ke anh 1

Chuyên gia Nhật Bản kỳ vọng việc kết hợp giữa “sản xuất” với kỹ thuật AI tiên tiến ờ quốc gia này. Nguồn: itpex.

Khả năng sản xuất của Nhật Bản

Khi tôi nói về điều này, sẽ có những ý kiến cho rằng “như vậy khó có thể thực hiện kinh doanh AI ở Nhật Bản”, nhưng tôi không nghĩ vậy.

Đúng là khi làm việc trong lĩnh vực kinh doanh AI ở Thung lũng Silicon, tôi hầu như không thấy sự hiện diện của Nhật Bản. Thật đáng tiếc, đây chính là những tín hiệu không mấy lạc quan đối với các công ty Nhật khi bước vào kỷ nguyên AI.

Tuy nhiên, tôi tin rằng vẫn còn tiềm năng cho Nhật Bản trong lĩnh vực kinh doanh AI. Nếu tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, có lẽ Nhật còn có cơ hội cạnh tranh.

Ví dụ, ở Thung lũng Silicon, “sản xuất” gần như 100% có nghĩa là phát triển phần mềm. Việc phát triển phần mềm thường có khả năng kiểm tra nhanh chóng, nếu có lỗi sẽ được sửa chữa ngay lập tức. Ngược lại, đặc thù “sản xuất” của Nhật Bản là có nhiều sản phẩm không được phép sai sót. Ví dụ, các sản phẩm phần cứng nói chung như ôtô, tàu thủy, thiết bị điện gia dụng và thiết bị y tế. Một số người cho rằng sản xuất phần cứng đã lỗi thời, nhưng đối với các công ty Nhật Bản, họ có niềm tự hào và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực phần cứng.

Những người đang làm trong lĩnh vực phần mềm thắc mắc rằng: “Họ làm gì trong hai hoặc ba năm để tạo ra sản phẩm?”. Rõ ràng, kỹ sư phần mềm không phải là những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực chế tạo phần cứng. Nếu thu hẹp tốt khoảng cách này, Nhật Bản sẽ có cơ hội hồi sinh. […]

Đường đi của Nhật Bản nhìn từ ngành sản xuất ở Kyoto

Hiện tại, có một dự án thú vị được thực hiện bởi công ty TNHH JOHNAN, một công ty sản xuất ở Kyoto. Đây là công trình thuộc dự án xây dựng “Nhà máy khởi nghiệp” của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Các kỹ sư máy học người Mỹ được cử đến công ty sản xuất ở Kyoto để phát triển mô hình AI.

Tôi muốn giải thích một chút về dự án này. Khi nhìn vào động lực tham gia dự án của kỹ sư Mỹ, tôi cảm thấy Nhật Bản vẫn có những biện pháp để đảm bảo nguồn nhân lực và tạo ra cơ hội cho kinh doanh AI.

Dự án này có nhiệm vụ tìm cách để vượt qua “rào cản sản xuất hàng loạt” vốn là thách thức khi chuyển từ thiết kế nguyên mẫu là xu hướng trong sản xuất của Nhật sang thiết kế sản xuất hàng loạt; đồng thời làm cách nào để liên kết hợp tác với cộng đồng khởi nghiệp. Như tôi đề đề cập ở phần trước, “sản xuất” và “sản phẩm B2B” là những lĩnh vực có thể trở thành lợi thế của Nhật Bản.

Hiện tại, Thâm Quyến của Trung Quốc đang là nơi đáp ứng nhanh nhất xu hướng sản xuất toàn cầu này. Nhiều công ty khởi nghiệp tạo ra từng lô nhỏ hàng mẫu ở Thâm Quyến với chi phí thấp, và sau đó khi quyết định sản xuất hàng loạt, họ chỉ cần đặt hàng cho các nhà máy ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên về mặt chất lượng thì không phải công ty nào cũng hài lòng. Dự án Kyoto nói ở trên được đặt ra với kỳ vọng Nhật Bản sẽ một lần nữa trở thành trung tâm sản xuất của thế giới nếu đảm bảo được hàng Nhật chất lượng cao và vượt qua được rào cản về sản xuất hàng loạt, hay vấn đề số lượng ít, chủng loại nhiều. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học dữ liệu tham gia dự án đều cho rằng công việc này rất có ý nghĩa.

Những gì nhóm dự án đang nghiên cứu là làm sao có thể tiết kiệm sức lao động bằng cách dùng AI để kiểm tra trực quan. Làm thế nào để AI có thể học được trong điều kiện lô hàng nhỏ, thiếu dữ liệu?

Làm thế nào để có thể tạo ra một mô hình có tính ứng dụng cao? Việc sử dụng các sáng kiến và phương pháp máy học tiên tiến nhất là rất hiếm ngay cả trong ngành sản xuất ở Mỹ. Bởi hầu hết doanh nghiệp đều sử dụng camera được trang bị sẵn AI. Kết hợp sản xuất với AI sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề, nhưng đồng thời đó lại là động lực thúc đẩy nhóm dự án tiến hành nghiên cứu.

Tôi hy vọng việc kết hợp giữa “sản xuất” của Nhật Bản với kỹ thuật AI tiên tiến có thể tạo ra sự đổi mới chưa từng có từ trước đến nay.

Cách để lọt vào top 2 thế giới

Hiện tại, dẫn đầu lĩnh vực kinh doanh AI trên thế giới là top 2 Mỹ và Trung Quốc. Tính đến năm 2018, 50% số vốn đầu tư kinh doanh AI trên thế giới là ở Trung Quốc. Ngoài các công ty như Alibaba, Baidu và Tencent th. chính phủ cũng đang đầu tư rất nhiều vào các dự án AI.

Gần đây, kế hoạch thành phố thông minh dùng AI để quản lý toàn bộ đặc khu kinh tế đang tạo được sự chú ý. lớn. Người ta nói rằng, hơn 500 dự án đô thị ở Trung Quốc đang tiến hành gắn cảm biến vào tất cả các đèn giao thông trên toàn thành phố để thu thập tất cả các loại dữ liệu.

Ngay ở Thung lũng Silicon cũng có rất nhiều nhà khoa học dữ liệu người Trung Quốc. Rất nhiều sinh viên học xong bậc đại học ở Trung Quốc và sang Mỹ du học bậc cao học. Các nhà khoa học dữ liệu Trung Quốc vừa là những kỹ sư giỏi vừa biết kinh doanh. Họ tạo ấn tượng về những người có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và ham học hỏi. Nói chuyện với các bạn ấy (khá nhiều nhà khoa học dữ liệu là nữ), tôi cảm thấy được truyền động lực rất lớn.

Ở Nhật Bản, rất khó để đầu tư nhiều vào lĩnh vực AI như Trung Quốc, hay không đơn giản để mua lại một công ty AI toàn cầu hoặc tiến hành thu thập dữ liệu lớn ở cấp công ty công nghệ thông tin như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giống như dự án Kyoto mà tôi đã đề cập ở trên, tôi nghĩ rằng vẫn còn cơ hội cho Nhật Bản để đi theo con đường AI.

Nhật Bản tuy có rào cản về ngôn ngữ nhưng được đánh giá là quốc gia an toàn, có vật giá thấp và dễ sống trong số các nước phát triển. Trên thực tế, các kỹ sư Mỹ từng tham gia dự án này đã ở Nhật Bản khoảng hai tháng theo mong muốn riêng của họ.

Đặc biệt vào mùa thu năm 2018 khi cuốn sách này được viết, các kỹ sư giỏi người nước ngoài rất khó được cấp thị thực vào Mỹ do ảnh hưởng của chính quyền Trump.

Đây là cơ hội để công ty Nhật không chỉ tiếp cận với kỹ sư Mỹ mà cogn tiếp nhận được các nhân sự kinh doanh AI từ các quốc gia khác.

Tomoe Ishizumi / Thái Hà Books - NXB Công thương

SÁCH HAY