Sau trận thắng Indonesia ở thế luôn phải rượt đuổi tỷ số, HLV Hữu Thắng đã chỉ đích danh Xuân Trường là người mất bóng dẫn đến một trong hai bàn thua. Dù sau đó, ông Thắng tự bào chữa cho học trò rằng Trường “giữ chân” trong tình huống tranh chấp, bản thân Trường vẫn thấy mình có lỗi.
Không ai cần các cầu thủ phải lăn xả để đối mặt với nguy cơ chấn thương trong một trận giao hữu, kiểm tra phong độ. Nhưng nếu sai sót xảy ra ở một trận đấu không đặt nặng mục tiêu, thì khi vào giải đấu chính thức với tính chất đua tranh khốc liệt, ai dám chắc điều đó không lặp lại?
Xuân Trường hiểu điều đó hơn hết thảy. Và anh cũng hiểu bản thân mình đang thiếu gì, cần gì để thăng hoa, nhưng trước hết - phải an toàn.
Đây là tình huống điển hình cho những pha mất bóng của Xuân Trường. Anh giữ bóng lâu và bị đối phương ập vào tranh cướp. Ảnh: Quốc Bảo. |
Thời ông Giôm thay Miura, Xuân Trường vẫn mặc định bị coi là mẫu tiền vệ có chỉ số phòng ngự thấp. Tuy vậy, ngay ở giai đoạn đó, cầu thủ người Tuyên Quang cũng chưa bao giờ mắc sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua.
Giữ chân tạm có thể coi là một nguyên nhân chính đáng. Nhưng nó không phải là nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi nằm ở chỗ, các vị trí xung quanh Xuân Trường đang khiến anh phải chịu quá nhiều áp lực.
Xuân Trường mất bóng, để lại một khoảng trống mênh mông phía sau lưng. Ảnh: Quốc Bảo. |
Khi ĐTVN để thua bàn của Xuân Trường, chúng ta đang vận hành sơ đồ 4-4-2. Trường mất bóng, đội bạn phản công ở tình huống 2 đánh 1. Lúc đó, phía sau Trường không còn một tiền vệ đánh chặn nào.
Mất bóng là chuyện tối kỵ với một tiền vệ trung tâm. Nhưng hãy đặt câu hỏi, vì sao mất bóng?
Những trận hay nhất của Xuân Trường gần đây, anh đều đá cặp với Tuấn Anh. Khi ấy, anh có thể chuyền bóng nhanh, nhận bóng lại cũng nhanh, và với sự luân chuyển như thế, đối phương gần như không có cửa cướp bóng phản công.
Nhưng khi bên cạnh Trường là Trọng Hoàng, một cầu thủ thiên về sức mạnh hơn là kỹ thuật, cầm giữ được bóng là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trọng Hoàng mạnh về tranh chấp, nhưng không tinh trong những đường chuyền. Hoàng chuyền bóng dài thì thiếu chính xác, chuyền ngắn thì dễ bị bắt bài.
Xuân Trường có xu hướng khó phối hợp với những cầu thủ thiên về sức mạnh như Trọng Hoàng. Ảnh: Quốc Bảo. |
Ở phía trên, Văn Quyết cũng không có phong độ tốt. Bóng triển khai lên hầu hết đều bị dội ngược về. Người hiếm hoi mà Xuân Trường có thể phối hợp trong hiệp 1 là Công Vinh, thì cự ly lại quá xa anh.
Bởi vậy, Xuân Trường buộc phải giữ bóng lâu hơn để tự mình tìm ra kẽ hở và kiến tạo, thay vì có đồng đội hỗ trợ lôi kéo, làm xô lệch đội hình phòng thủ đối phương. Khi bị “quây”, chuyện mất bóng xảy ra là tất yếu. Ngoài bàn thua, có đến hai lần khác, Trường bị tiền vệ Indonesia ập vào cướp bóng trong chân.
Hàng tiền vệ Indonesia quản lý Xuân Trường rất chặt. HLV Rield hiểu rằng đó là người châm ngòi tấn công của ĐTVN. Phải thừa nhận, ông thầy người Áo đã thành công khi cả hiệp 1, Xuân Trường chỉ có một pha chuyền dài cho Văn Toàn đối mặt thủ môn Indonesia là xuất sắc.
Dĩ nhiên, phong độ chung của Xuân Trường đang là một biểu đồ thăng tiến đều đặn và ổn định. Anh vẫn có những đường chuyền hiếm gặp ở bóng đá Đông Nam Á, vẫn là người không thể thay thế ở giữa sân. Nhưng ĐTVN dường như đang đặt gánh nặng quá lớn lên vai một cầu thủ mới ngoài 20 tuổi.
Sẽ là rất đáng lo nếu Tuấn Anh, Hoàng Thịnh không kịp trở lại phong độ tốt trong những trận đấu đầu tiên tại AFF Cup để "giải thoát" Xuân Trường. Thiếu những đồng đội hiểu mình và biết san sẻ công việc với mình, Xuân Trường sẽ rất khó để vừa làm công nhân, vừa làm nghệ sỹ.
Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN)
ĐTVN vs CLB Avispa Fukuoka (giao hữu, ngày 12/11, SVĐ Cần Thơ)
ĐTVN vs Myanmar (AFF Cup, ngày 20/11, tại Yangon, Myanmar)
ĐTVN vs Malaysia (AFF Cup, ngày 23/11, tại Yangon, Myanmar)
ĐTVN vs Campuchia (AFF Cup, ngày 26/11, tại Nay Pyi Taw, Myanmar)